Nâng cao giá trị kinh tế thủy sản đặc sản

Nhằm khai thác tiềm năng từ mặt nước, các giống thủy sản đặc sản, bản địa có giá trị kinh tế cao được người dân trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô, diện tích nuôi, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Mô hình nuôi cá tầm trong bể của HTX Nông nghiệp Suối Ngà Đồng Mây, xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập.

Mô hình nuôi cá tầm trong bể của HTX Nông nghiệp Suối Ngà Đồng Mây, xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập.

Trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích nuôi thủy sản hơn 10.000ha; tỷ lệ giống đặc sản, bản địa có giá trị kinh tế cao (cá lăng, nheo, ngạnh, trắm cỏ, trắm đen, cá chép, rô phi, tôm càng xanh, ốc nhồi...) chiếm khoảng 60% cơ cấu giống nuôi. Ngành Nông nghiệp và các địa phương đã đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào nuôi thủy sản, vừa nâng cao giá trị sản phẩm, vừa góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người nuôi. Qua các chương trình hỗ trợ, xây dựng mô hình, các loại thủy sản phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước, tiểu vùng khí hậu... được nhân rộng triển khai nhiều loại hình và hình thức nuôi.

Nhiều mô hình nuôi các đối tượng thủy sản đặc sản, bản địa, mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong thâm canh cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao được ứng dụng như: Nuôi cá chiên, trê đồng, trạch đồng, cá trôi nhân nuôi xen ghép cá khác; nuôi cá tầm trong bể lót bạt, ếch thương phẩm trong lồng lưới, nuôi lươn không bùn, nuôi cua đồng, tôm càng xanh... Một số hộ bước đầu áp dụng hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh trên nhiều đối tượng nuôi, kết hợp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú ý phòng bệnh cho các giống vật nuôi thủy sản, vệ sinh ao nuôi thường xuyên, tiến hành phơi ải, rắc vôi khử trùng sau mỗi vụ thu hoạch... đã góp phần nâng cao năng suất, đem lại giá trị kinh tế cho nuôi trồng thủy sản.

Huyện Cẩm Khê có diện tích mặt nước nuôi thủy sản trên 1.800ha, sản lượng đạt khoảng 8.000 tấn/năm. Ông Nguyễn Công Chính - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Người dân tận dụng triệt để diện tích mặt nước tại các ao, hồ và các cánh đồng trũng để nuôi thủy sản. Về đối tượng nuôi, trong sản xuất đại trà vẫn duy trì các loại cá truyền thống, bản địa có chất lượng tốt và thị trường rộng, áp dụng phương thức nuôi bán thâm canh. Cùng với đó, các loại như cá chép giòn, tôm càng xanh, ốc nhồi, cá trê, cá chình... được người dân đưa vào nuôi và cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Hiện nay, huyện đang triển khai thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm tôm càng xanh nhằm phát triển bền vững sản phẩm nông nghiệp tiềm năng, thiết lập hệ thống công cụ quản lý, xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Trên địa bàn tỉnh đã triển khai nuôi cá nước lạnh cho giá trị kinh tế cao tại một số vùng có nguồn nước suối, điều kiện thủy lý hóa thích hợp tại các huyện Hạ Hòa, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, cung cấp từ 40-50 tấn cá thương phẩm/năm.

Tại xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập, người dân bắt đầu thử nghiệm nuôi cá tầm từ năm 2021. Năm 2023, các hộ đã liên kết, thành lập HTX Nông nghiệp Suối Ngà Đồng Mây để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, đầu ra sản phẩm. Anh Nguyễn Đức Hạnh- Giám đốc HTX cho biết: “Cá tầm là loài thích nghi với vùng nước lạnh, có dòng nước luân chuyển, HTX đầu tư hệ thống ống dẫn nước nguồn từ trên khe núi về để nước có thể lưu thông liên tục, đảm bảo cung cấp lượng oxi hòa tan cần thiết cho cá. Hiện nay, HTX có 8 bể nuôi cá gồm bể lót bạt và bể xây, cho sản lượng trên 10 tấn cá thương phẩm/năm. Các tiến bộ kỹ thuật nuôi được áp dụng nên cá nuôi thương phẩm của HTX tỷ lệ sống sau thả giống đạt trên 90%”.

Thành công của những mô hình nuôi thủy đặc sản, bản địa có giá trị cao trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần đa dạng hóa hình thức, đối tượng nuôi mà còn mở ra triển vọng cho việc phát triển loại hình nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nang-cao-gia-tri-kinh-te-thuy-san-dac-san-214614.htm
Zalo