Nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế
Sáng 26/8, tại Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân (ANND) đã tổ chức Hội thảo quốc tế VietTESOL 2023 'Giảng dạy tiếng Anh hiệu quả trong thế kỷ 21'. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 650 đại biểu trong nước và quốc tế là đại diện các đại sứ quán, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Với chủ đề “Giảng dạy tiếng Anh hiệu quả trong thế kỷ 21”, Hội thảo VietTESOL 2023 do Học viện ANND đăng cai tổ chức hướng tới mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển diễn đàn học thuật liên quan đến công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập tiếng Anh, tạo cơ hội cho đội ngũ các nhà quản lý giáo dục, giảng viên các trường CAND giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp nâng cao hiệu quả chất lượng dạy và học tiếng Anh ở trong nước và quốc tế. Đồng thời thảo luận và đề xuất ý tưởng đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, ứng dụng trong công nghệ giảng dạy tiếng Anh và nâng cao năng lực ngôn ngữ tiếng Anh cho người học trong phạm vi quốc gia và trong Bộ Công an.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ khẳng định: Trong thời kỳ hội nhập quốc tế và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến sự phát triển và thành công của mỗi quốc gia, dân tộc. Và một trong những yêu cầu, điều kiện đầu tiên mang tính tiên quyết và đặc biệt quan trọng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao chính là khả năng ngoại ngữ.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an luôn coi trọng vấn đề này và đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới công tác giáo dục đào tạo nói chung, công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới và hội nhập, trong đó đặc biệt chú trọng đến mục tiêu đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế.
Đặc biệt, trong các quyết định thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục CAND giai đoạn 2017- 2025", "Chương trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030 trong CAND", Bộ Công an đã xác định mục tiêu chuẩn hóa trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giáo viên, học viên trong các học viện, trường CAND cũng như đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND để bảo đảm khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công tác và làm việc trong môi trường quốc tế.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ, Hội thảo quốc tế về VietTELSOL 2023 là một diễn đàn học thuật chuyên môn có uy tín. Các kỳ hội thảo trước đây được tổ chức thường niên tại các cơ sở đào tạo đã được cấp phép tổ chức thi đánh giá năng lực và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Năm nay là năm thứ 9 Hội thảo “Giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam” diễn ra và đây cũng là lần đầu tiên Học viện ANND đăng cai tổ chức. Đến nay Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 545 báo cáo khoa học. Tiểu ban nội dung thuộc Ban tổ chức hội thảo đang tích cực biên tập để sau hội thảo sẽ xuất bản cuốn “Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế về giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam năm 2023" theo chỉ số xuất bản quốc tế.
Đây được xem là sản phẩm khoa học có giá trị về chuyên môn giảng dạy tiếng Anh, đồng thời đây cũng là cuốn cẩm nang giúp đông đảo bạn đọc tiếp cận, cập nhật kiến thức về phương pháp, kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giảng dạy tiếng Anh trong thời kỳ mới.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cũng đề nghị hội thảo cần tập trung làm rõ các vấn đề về chính sách, mô hình, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy tiếng Anh và ngôn ngữ học ứng dụng; áp dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập tiếng Anh; bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên tiếng Anh.
“Với 5 phiên hội thảo toàn thể, 5 phiên thuyết trình chính, 36 phiên tiểu ban sẽ được trình bày bởi các chuyên gia hàng đầu trên lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy tiếng Anh, các nhà quản lý, giảng viên, giáo viên tiếng Anh. Chúng ta tin tưởng rằng, hội thảo sẽ tiếp tục làm tốt vai trò là diễn đàn kết nối, hướng tới xây dựng và phát triển một cộng đồng nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh bền chặt, không chỉ trong nước mà sẽ vươn ra tầm khu vực và thế giới”, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia chia sẻ: Tiếng Anh là ngôn ngữ lưu trữ kho tri thức khổng lồ nhất của nhân loại, là ngôn ngữ phổ biến nhất trong học tập, nghiên cứu và làm việc. Việc biết tiếng Anh thật sự tạo ưu thế vượt trội cho người sử dụng trong học tập và công tác.
Với những lý do này, nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân luôn là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, từ năm 2017, việc tổ chức Hội thảo quốc tế VietTESOL là nhiệm vụ thường niên quan trọng trong triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Hội thảo Quốc tế VietTESOL đã và đang là một trong những hoạt động thường niên hàng đầu được tổ chức tại Việt Nam, là diễn đàn chuyên môn uy tín, nơi các nhà chuyên môn, các chuyên gia, các thầy cô giáo và các em sinh viên giao lưu, trao đổi kết quả nghiên cứu, ý tưởng, phương pháp… liên quan đến công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập tiếng Anh.
Sau báo cáo chính, hội thảo sẽ tập trung vào các phiên thuyết trình vấn đáp, các diễn đàn ứng dụng công nghệ dạy học tiếng Anh, diễn đàn dành cho nghiên cứu sinh; kiểm tra đánh giá tiếng Anh trong kỷ nguyên số...
Tại đây, các chuyên gia, các nhà khoa học, các thầy cô giáo sẽ thảo luận và đề xuất ý tưởng về công tác đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh nhằm nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh cho người học các cấp. Dự kiến, hội thảo sẽ bế mạc vào ngày 27/8.