Nạn nhân sập bẫy 'việc nhẹ lương cao' bị lừa sang Campuchia kể về cuộc sống như 'địa ngục'
Trong số 45 công dân Việt Nam được Campuchia bàn giao lần này, nhiều người có tiền án, tiền sự về các tội như lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản.
Ngày 17/7, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 45 công dân do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và lực lượng chức năng Campuchia bàn giao.
Các trường hợp này được nhà chức trách Campuchia xác định là “cư trú trái phép” và bị trục xuất. Sau khi tiếp nhận, Phòng Nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (BĐBP Tây Ninh) đã phối hợp với Phòng PC02 (Công an tỉnh Tây Ninh) tiến hành rà soát, sàng lọc.
Số công dân bàn giao trong đợt này phần lớn là thanh niên (trong đó có 10 công dân nữ) thuộc nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Ninh Bình, Hải Phòng, TPHCM, Tây Ninh, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Đồng Nai, An Giang, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Gia Lai, Cà Mau,...

Lực lượng chức năng phân loại, sàng lọc các công dân.

Lực lượng chức năng Campuchia bàn giao công dân Việt Nam.
Qua điều tra, xác minh cơ quan chức năng đã phát hiện 6 trường hợp có tiền án, tiền sự về các tội như lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, tàng trữ trái phép chất ma túy, đánh bạc, cướp tài sản, trộm cắp tài sản; cướp giật tài sản, 1 công dân diện cấm xuất cảnh.
Được biết, các công dân xuất cảnh sang Campuchia thông qua các trang tìm kiếm việc làm được quảng cáo có mức thu nhập cao.
Khi qua Campuchia, những người này đều làm việc trong các khu online lừa đảo trực tuyến và bị ép đưa vào làm việc tại các tổ chức lừa đảo qua mạng và công việc hàng ngày là buộc phải lên mạng xã hội trên các app lừa đảo như app Tình Yêu, Shipper, Thương mại điện tử, Tài xỉu, Booking Khách sạn, Chứng khoán,...; hay bị yêu cầu gọi điện giả danh điện lực, giả danh cán bộ thuế, giả danh cán bộ an ninh mạng... để tìm kiếm nạn nhân (chủ yếu là phụ nữ giàu có) để lừa đảo.
Nếu không làm theo hoặc không đạt chỉ tiêu theo yêu cầu thì bị các tổ chức lừa đảo này cho người đánh đập, hành hạ cả thể chất và tinh thần.
Em T.H.D (quê Cà Mau) cho biết, rất vui mừng khi được cơ quan chức năng giải cứu, tiếp nhận, giúp bản thân thoát khỏi cảnh bị giam cầm, đánh đập, lao động cưỡng bức trong các công ty lừa đảo trực tuyến trên, do thiếu hiểu biết nên đã bị lừa qua Campuchia làm việc thông qua mạng xã hội.
Khi qua đến nơi, D bị chúng phân công làm ở những vị trí khác nhau, chúng giao hàng ngày phải tìm kiếm 200 tài khoản có kinh tế gửi lời kết bạn, nếu không đạt chỉ tiêu chúng đánh đập, không cho ăn, không được ngồi, thậm chí bị đưa vào phòng cách lý chích điện; chúng luôn có người giám sát nghiêm ngặt vì thế để chạy trốn là không thể.
D muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ không nên nghe lời dụ dỗ, phải nâng cao cảnh giác khi tìm kiếm việc làm “việc nhẹ lương cao”, chúng lừa qua đây bán vào các tụ điểm lừa đảo, ép buộc mình phải làm theo sự quản lý chỉ đạo của chúng.
Không chỉ bị giám sát chặt chẽ, các nạn nhân còn chịu áp lực công việc nặng nề, bị đe dọa, thậm chí hành hung nếu không hoàn thành chỉ tiêu hoặc có ý định bỏ trốn, vì thế đừng bao giờ nghe lời dụ dỗ, mời gọi…
Với nhu cầu tìm kiếm việc làm, người dân cần nâng cao cảnh giác, phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm và không nên nghe theo những thông tin tuyển dụng việc làm trên các trang mạng xã hội không rõ nguồn gốc để tránh bị lừa đảo.
Trước khi xác nhận lời mời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc; nếu người dân có nhu cầu về việc làm hay đi lao động nước ngoài thì nên tìm hiểu kỹ thông tin và liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm hợp pháp để được hướng dẫn cụ thể.
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang các nước làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.