Nậm Pồ, Điện Biên: Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mông
Phụ nữ Mông ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên có nghề dệt thổ cẩm truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác. Thổ cẩm Nậm Pồ được bán sang Lào, Thái Lan, vừa giúp đồng bào nơi đây có thêm thu nhập vừa duy trì và bảo tồn nghề truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc.
Tỉnh Điện Biên hiện có hệ thống làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống khá đa dạng. Các làng nghề ở Điện Biên có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đồng thời gắn với bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Nhiều làng nghề truyền thống của tỉnh đáp ứng đủ các tiêu chí theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 của Chính phủ quy định về tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, như nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận; nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề...
Nghề thêu may trang phục dân tộc của đồng bào Mông ở mảnh đất vùng biên giới này đã có từ lâu đời, được phụ nữ Mông lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đặc biệt trên địa bàn xã Nà Bủng thuộc huyện Nậm Pồ, nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Mông. Trong những năm gần đây, sản phẩm thổ cẩm đã được đưa vào danh sách các sản phẩm “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xây dựng các sản phẩm phát triển số lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; mỗi sản phẩm OCOP được công nhận góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thị trường trong nước, quốc tế. Điện Biên đã có nhiều hoạt động thiết thực để khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm, làng nghề truyền thống như: Quảng bá tại các sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh hay tập trung triển khai Chương trình nhằm phát triển phong phú các sản phẩm theo hướng hàng hóa.
Tại huyện Nậm Pồ, việc thêu may trang phục thổ cẩm không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của đồng bào dân tộc, mà còn tổ chức thành 2 mô hình thêu may làm hàng hóa bán sang thị trường Lào và Thái Lan, ở bản Nà Bủng 1 và bản Pá Kha, với 70 hội viên tham gia. Mô hình hoạt động trên nguyên tắc tập hợp các chị em phụ nữ biết thêu thùa, may vá trên địa bàn xã để vừa tạo ra sản phẩm, giúp phụ nữ có thêm nguồn thu nhập cho gia đình vừa duy trì, bảo tồn nghề truyền thống và những nét hoa văn chủ đạo của dân tộc mình. Thu nhập của các thành viên trong tổ hợp tác khoảng từ 4-5 triệu đồng/tháng. Hiện các sản phẩm trang phục dân tộc Mông ở Nà Bủng được quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong nước và nước ngoài thông qua nhiều kênh bán hàng. Các sản phẩm từ may, thêu của chị em hội viên ở Nà Bủng được mang bán tại các phiên chợ vùng cao, quảng bá tại các ngày hội văn hóa của huyện.
Những năm qua, Phòng Văn hóa và Thông tin tích cực tham mưu cho UBND huyện thực hiện việc bảo tồn nghề trang phục dân tộc Mông. Cấp ủy, chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động phụ nữ Mông phát triển thêm thành viên. Dự kiến năm nay, sẽ hỗ trợ máy khâu để phát triển rộng mô hình, giúp cho các thành viên các hộ gia đình phát triển kinh tế, giảm nghèo.Không chỉ có sự hỗ trợ từ chính quyền, mà chính người dân nơi đây cũng rất tích cực gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, Tại xã Nà Bủng, chị Tráng Thị Cầu - một người phụ nữ Mông tích cực vận động chị em trong bản duy trì và phát huy nghề dệt may thổ cẩm, vừa để giữ lại những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, vừa giúp nhiều chị em có thêm thu nhập và thoát nghèo. Với sự hỗ trợ của Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Nậm Pồ và xã Nà Bủng, chị Tráng Thị Cầu mạnh dạn cùng chị em lập nên tổ thêu may truyền thống. Mỗi bộ trang phục tùy kiểu dáng, kích thước sẽ có giá 2 - 4 triệu đồng, trung bình mỗi năm cũng mang lại thu nhập cho các hội viên khoảng 30 - 50 triệu đồng. Vừa duy trì mô hình, chị Cầu và các chị em trong tổ còn đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước, các đơn hàng trong nước và nước ngoài đặt đều đặn hơn. Mô hình tổ hợp tác thổ cẩm của chị Tráng Thị Cầu không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, mà còn góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Với hướng đi này, đang từng bước giúp cho nhiều hộ dân giảm nghèo.
Trong thời gian tới, huyện Nậm Pồ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đồng bào tiếp tục duy trì, bảo tồn nghề truyền thống với những nét hoa văn chủ đạo của dân tộc mình. Đồng thời, hỗ trợ cơ sở vật chất phát triển các mô hình gắn với việc tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc. Theo định hướng của huyện Nậm Pồ sẽ phấn đấu đưa nghề may trang phục đồng bào dân tộc Mông trở thành sản phẩm du lịch của địa phương. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa không chỉ nâng cao đời sốngcho đồng bào dân tộc góp phần xóa đói giảm nghèo, mà còn được huyện Nậm Pồ khai thác, mở ra những cơ hội phát triển mới cho địa phương.