Năm học 2022-2023, được bổ sung 13.015 chỉ tiêu GVMN nhưng chỉ tuyển được 4.000

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022 - 2023 ngành giáo dục thiếu 51.388 giáo viên mầm non trên toàn quốc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Báo cáo đánh giá kết quả phát triển giáo dục mầm non và thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (giai đoạn 2011-2023). Báo cáo đã khái quát cũng như đánh giá kết quả phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2023.

Theo đó, sau nhiều năm được đầu tư phát triển, giáo dục mầm non ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận với tỷ lệ huy động trẻ em đến trường tăng; quy mô cơ sở giáo dục mầm non được mở rộng; chất lượng đội ngũ giáo viên từng bước được đảm bảo;... Tuy nhiên, giáo dục ở cấp học này vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần được giải quyết.

Hơn 5,1 triệu trẻ được tiếp cận giáo dục mầm non

Theo Báo cáo, trong năm học 2022 - 2023, toàn quốc huy động 5.172.450 trẻ em đến trường để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non; tỷ lệ huy động trẻ đạt 70,4%. Trong đó, trẻ mẫu giáo huy động đạt 93,1%; riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi huy động đạt tỷ lệ 99,7%.

Tỉ lệ huy động trẻ năm học 2022 - 2023 so với năm học 2010 - 2011: Nhà trẻ tăng 10,5% (tăng 175.510 trẻ); mẫu giáo 10,6% (tăng 1.029.959 trẻ).

 Sau nhiều năm được đầu tư phát triển, giáo dục mầm non ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Sau nhiều năm được đầu tư phát triển, giáo dục mầm non ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Trong các vùng kinh tế xã hội của cả nước, đồng bằng sông Hồng là khu vực có tỷ lệ huy động cao nhất; thấp nhất là đồng bằng Sông Cửu Long. Đối với trẻ em mẫu giáo, hiện có 29/63 tỉnh, thành phố đã huy động đạt từ 95%.

Về kết quả chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, năm học 2022 - 2023, toàn quốc có 5.126.220 trẻ em học 2 buổi/ngày tại các cơ sở giáo dục mầm non, đạt tỷ lệ 99,1% và tăng 22,3% so với năm học 2010 - 2011. Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ là những vùng có tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày cao nhất, đạt 100%. Thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tỷ lệ 93,8%.

Hiện nay, toàn quốc có hơn 88.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và khoảng 111.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Vùng có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất cả nước là Tây Nguyên, tiếp đến là vùng Trung du miền núi phía Bắc. Từ năm 2010 đến 2023, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trên toàn quốc đã giảm 4,4%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 2,9%.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao thường nằm ở những vùng kinh tế xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, những nơi trẻ em chưa được nuôi dưỡng, chăm sóc theo khoa học.

Giáo viên mầm non tăng gần 200.000 người

Mạng lưới trường lớp mầm non trong thời gian qua đã được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục trẻ. Hiện, cả nước có 15.480 trường mầm non, tăng 2.504 trường so với năm học 2010 - 2011.

Trong đó, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển nhanh, nhất là ở các thành phố, thị xã, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất. Đến năm học 2022 - 2023, toàn quốc có 3.224 trường mầm non ngoài công lập và 15.754 cơ sở độc lập, chiếm tỉ lệ 21% tổng số cơ sở giáo dục mầm non trên cả nước.

Các trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập dân lập và tư thục đã đảm nhiệm việc chăm sóc, giáo dục hơn 1,2 triệu trẻ em mầm non, tương đương gần 1/4 số trẻ đi học trong toàn hệ thống, đóng góp vai trò lớn huy động trẻ em tới trường, tháo gỡ khó khăn cho những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ em đến trường.

Các địa phương đã quan tâm đến đầu tư xây mới phòng học, kiên cố hóa trường lớp nhằm đáp ứng nhu cầu trẻ mầm non tới trường. Số lượng phòng học xây mới tăng lên hằng năm.

Cả nước hiện nay có khoảng 210.000 phòng học chung, tỷ lệ 01 phòng học/lớp. Trong đó phòng kiên cố đạt 82,2%; phòng bán kiên cố đạt 16,9%; phòng học tạm, mượn giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, các công trình phụ trợ và thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trong các cơ sở giáo dục đã được đầu tư xây mới; cải tạo nâng cấp, sửa chữa; mua sắm bổ sung, thay thế, từng bước nâng cao chất lượng, hiện đại hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

 Đội ngũ giáo viên mầm non tăng nhanh về số lượng, từng bước được nâng cao về chất lượng. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Đội ngũ giáo viên mầm non tăng nhanh về số lượng, từng bước được nâng cao về chất lượng. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Năm học 2022 - 2023, toàn ngành có 537.953 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, bao gồm 38.334 cán bộ quản lý, 378.381 giáo viên, 121.082 nhân viên. Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,86.

Riêng đội ngũ các trường công lập có 371.478 người. Trong đó, 30.987 cán bộ quản lý, 259.715 giáo viên, 80.776 nhân viên. Tỷ lệ giáo viên là viên chức đạt 66,9%.

Trong giai đoạn 2011-2023, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non đã tăng nhanh về số lượng, từng bước được nâng cao về chất lượng (tăng gần 200.000 giáo viên so với năm học 2010-2011). Các địa phương đã tích cực chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non theo những yêu cầu mới của chuẩn/tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu và chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên tăng lên hàng năm. Năm 2023, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên là 71,2%; trong đó, trình độ đào tạo trên chuẩn là 65,1%. Riêng các trường mầm non công lập tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên là 90,4%.

Bổ sung hơn 13.000 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 4000 giáo viên mới

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, mạng lưới trường, lớp hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu huy động trẻ đi học. Hiện hệ thống trường mầm non công lập không đủ sức thu nhận thêm trẻ, hệ thống trường ngoài công lập khó phát triển ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; cơ sở mầm non độc lập còn hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất; khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đông dân cư thiếu trường, lớp mầm non.

Năm học 2020 - 2021 vẫn còn khoảng 300.000 trẻ mẫu giáo chưa được chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non để tiếp cận Chương trình giáo dục mầm non. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi ở một số địa bàn thấp ảnh hưởng tới sự bền vững của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt thấp (56,9%) và chưa đồng đều giữa các vùng miền khi có đến 30 tỉnh đạt mức dưới 50%.

Liên quan đến cơ sở vật chất trong trường, lớp, nhiều địa phương vẫn thiếu phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố thấp; còn nhiều phòng học tạm, học nhờ ở các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Các cơ sở giáo dục mầm non công lập cả nước còn thiếu 4.247 phòng học, còn 1.725 phòng học tạm và 1.728 phòng học nhờ.

Tình trạng thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn, thiếu thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định ở vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn vẫn còn phổ biến. Tỷ lệ đáp ứng thiết bị dạy học chỉ đạt 48%; các hạng mục hỗ trợ như phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật, phòng đa chức năng còn nhiều nơi không có.

Ngoài khó khăn về mạng lưới trường học và cơ sở vật chất, ngành giáo dục vẫn đang loay hoay giải quyết bài toán thiếu giáo viên mầm non suốt nhiều năm qua.

Theo báo cáo, trong năm học 2022 - 2023, toàn ngành vẫn thiếu 51.388 giáo viên mầm non. Nhiều địa phương thiếu chỉ tiêu biên chế; trong khi nhiều nơi khác thiếu nguồn tuyển dụng do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng, thiếu nguồn tuyển đáp ứng trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên theo Luật Giáo dục. Mặc dù thiếu giáo viên mầm non theo định mức nhưng các địa phương không được hợp đồng lao động trong khi vẫn phải thực hiện chủ trương giảm 10% biên chế.

Sau đại dịch Covid-19, tình trạng giáo viên mầm non bỏ nghề trở nên phổ biến. Chỉ tính riêng trong năm học 2022 - 2023, có 2.500 giáo viên mầm non bỏ nghề trên toàn quốc. Bộ Chính trị đã bổ sung 13.015 chỉ tiêu giáo viên mầm non nhưng chỉ mới tuyển dụng được 4000.

Thực tế cũng cho thấy số giáo viên mầm non tuyển mới chưa thực sự yên tâm gắn bó với nghề. Chế độ lương và các thu nhập khác của giáo viên mầm non chưa tương xứng với công sức và áp lực nghề nghiệp. Thời gian làm việc trên lớp thường kéo dài tới 9 - 10 giờ mỗi ngày. Mặc dù phải bố trí làm quá giờ tiêu chuẩn nhưng nhiều nơi không trả thêm phụ cấp thêm giờ. Giáo viên cắm bản tại các điểm trường thiếu nhà công vụ.

Ngoài ra, chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên chưa sát thực tế, chậm đổi mới. Chưa chú trọng cho sinh viên sư phạm trải nghiệm, thực hành nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục mầm non; chuẩn đầu ra của ngành sư phạm giáo dục mầm non chưa được xây dựng đầy đủ, chưa gắn với yêu cầu về năng lực nghề nghiệp giáo viên; một bộ phận sinh viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục mầm non. Tại các cơ sở giáo dục, năng lực, kỹ năng tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, phát triển Chương trình giáo dục mầm non của giáo viên chưa tương thích với trình độ đào tạo.

Theo Báo cáo, nguyên nhân hàng đầu của những hạn chế, khó khăn trên là xuất phát điểm của giáo dục mầm non khá thấp so với các bậc học khác. Một thời kỳ dài khó khăn về kinh tế, giáo dục mầm non không thuộc đối tượng ưu tiên, được xem xét đầu tư đúng mức. Nhận thức của một bộ phận xã hội về vị trí vai trò của giáo dục mầm non về sự cần thiết đưa trẻ em mẫu giáo đến trường để tiếp cận với Chương trình giáo dục mầm non còn hạn chế.

Ngoài ra còn có nguyên nhân do cơ chế, chính sách chưa đủ, thiếu thông thoáng; Cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục mầm non chưa đủ khuyến khích các nhà đầu tư; Chính sách đối với trẻ em vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang, ven biển chưa bảo đảm công bằng để tiếp cận giáo dục mầm non; Chính sách phát triển đội ngũ bất cập, gây nên tình trạng thiếu giáo viên kéo dài; Cơ chế, chính sách khuyến khích tự chủ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập chưa thực tế, hấp dẫn để địa phương thực hiện; Tài chính, ngân sách cho giáo dục mầm non không đủ cho mục tiêu phát triển giáo dục mầm non; Chương trình giáo dục mầm non hiện tại chưa bảo đảm mục tiêu phát triển toàn diện chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Minh Quân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nam-hoc-2022-2023-duoc-bo-sung-13015-chi-tieu-gvmn-nhung-chi-tuyen-duoc-4000-post243729.gd
Zalo