Nam Định lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống qua những mùa biểu diễn

Những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống đã trở thành điểm sáng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Định. Giữa dòng chảy hội nhập, Nam Định đang nỗ lực gìn giữ bản sắc dân tộc qua sự gắn bó giữa cơ quan quản lý và đội ngũ nghệ sĩ, từng bước bảo tồn và lan tỏa 'hồn cốt' văn hóa dân tộc trong cộng đồng.

Nghệ thuật sống động giữa đời sống cộng đồng

Báo cáo quý II/2025 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Nam Định cho thấy, nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, kịch nói tại Nam Định không chỉ được duy trì mà còn được làm mới, phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của khán giả hiện đại. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật diễn ra sôi động với hàng trăm chương trình được tổ chức để phục vụ các sự kiện chính trị, lễ hội văn hóa và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nam Định cho biết, các chương trình được tổ chức trên cơ sở định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và hướng dẫn chuyên môn của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), đảm bảo đúng định hướng tuyên truyền và tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc. Song song với biểu diễn, việc triển khai thực hiện Nghị định số 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng được chú trọng, giúp nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm nghề nghiệp của các đơn vị biểu diễn.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nam Định diễn ra sôi động

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nam Định diễn ra sôi động

Nhằm nâng cao chất lượng quản lý và phát triển đội ngũ sáng tạo nghệ thuật, VH-TT&DL tỉnh Nam Định đã ban hành một số văn bản quan trọng. Trong đó, Tờ trình số 1050/TTr-SVHTTDL đề xuất thành lập Hội đồng nghệ thuật và Tổ thư ký, còn văn bản số 1196/SVHTTDL-QLVH được ban hành để cập nhật dữ liệu các đơn vị biểu diễn trên toàn tỉnh. Đây được xem là những bước đi nền tảng, góp phần xây dựng hệ thống quản lý minh bạch, hiệu quả và hướng tới phát triển bền vững.

Trung tâm của hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp tại đây là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định. Đơn vị được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 đoàn nghệ thuật chèo, cải lương và kịch nói. Trong quý II vừa qua, Nhà hát đã tổ chức nhiều chương trình có quy mô lớn, gắn với các sự kiện trọng đại như: Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3/2, Ngày giải phóng miền Nam - 30/4, Quốc tế Lao động 1/5, sinh nhật Bác 19/5… Các tiết mục của Nhà hát cũng góp mặt tại nhiều lễ hội và sự kiện văn hóa tiêu biểu như: Lễ hội Phủ Dầy, Lễ khai mạc Giải Vô địch Lân Sư Rồng toàn quốc, Hội thảo 50 năm Văn học nghệ thuật Nam Định sau thống nhất…

Đáng chú ý, Nhà hát đã hoàn thiện ba vở diễn dài đại diện cho ba loại hình chèo, cải lương, kịch nói; đồng thời dàn dựng hai trích đoạn và ba chương trình nghệ thuật mới để chuẩn bị tham dự Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2025. Sự đầu tư công phu về nội dung, dàn dựng và hiệu ứng sân khấu đã thu hút hàng nghìn khán giả tới theo dõi, khẳng định vị trí bền vững của nghệ thuật truyền thống trong đời sống tinh thần của công chúng Nam Định.

Cần tiếp tục đầu tư cho nghệ thuật biểu diễn

Dù gặt hái được nhiều kết quả tích cực, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tại Nam Định vẫn đang đứng trước những thử thách không nhỏ. Báo cáo từ Sở VH-TT&DL tỉnh cho thấy, vấn đề thiếu hụt kinh phí, cơ sở vật chất xuống cấp và khó khăn trong tiếp cận kịch bản chất lượng là những rào cản lớn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống hiện vẫn thiếu nguồn lực để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho nghệ sĩ - điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng sáng tạo.

Bên cạnh đó, tiến trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính theo chủ trương sáp nhập tỉnh, thành trên cả nước cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới. Đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ tại Nhà hát cần thời gian thích nghi với mô hình quản lý mới, đồng thời cần được quan tâm hỗ trợ về cả chính sách nhân sự lẫn định hướng hoạt động.

Trước tình hình đó, Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND sau sáp nhập tiếp tục quan tâm đầu tư cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, không chỉ về tài chính mà cả trang thiết bị, cơ chế hoạt động và nhân sự. Về phía Bộ VH-TT&DL, Sở đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng kinh phí cho Hội đồng nghệ thuật cấp tỉnh, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, quản lý cho đội ngũ nghệ sĩ, cán bộ trong giai đoạn mới.

Bước sang giai đoạn tiếp theo, hợp nhất với các tỉnh khác, ngành nghệ thuật biểu diễn tỉnh Nam Định tiếp tục đặt mục tiêu giữ vững tần suất hoạt động, đảm bảo phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội lớn cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày càng cao của người dân. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống được kỳ vọng sẽ là đơn vị nòng cốt, tiên phong tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật cấp quốc gia, nơi mỗi tiết mục, mỗi vở diễn sẽ trở thành “sứ giả” văn hóa mang hồn cốt của người dân Thành Nam đến khắp mọi miền Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Tâm khẳng định, dẫu còn nhiều thách thức phía trước nhưng với tinh thần gắn bó với nghệ thuật truyền thống từ lãnh đạo ngành đến từng diễn viên, nhạc công vẫn nỗ lực là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển bền vững của sân khấu Nam Định. Mỗi buổi biểu diễn không chỉ là dịp kết nối khán giả với nghệ thuật, mà còn là cách mà quê hương Thành Nam gửi gắm tâm hồn dân tộc qua từng lời ca, điệu hát. Và chính từ sự lặng lẽ mà kiên cường ấy, Nam Định đang viết tiếp những trang đẹp trong câu chuyện gìn giữ và lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống giữa thời đại mới.

Vân Hồng-CTV Trần Hồng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nam-dinh-lan-toa-gia-tri-nghe-thuat-truyen-thong-qua-nhung-mua-bieu-dien-post1211357.vov
Zalo