Năm 2025 sẽ kiểm toán hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp

Cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán 2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Kiểm toán Nhà nước rà soát các dự án quan trọng quốc gia, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, kiểm toán các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Cắt giảm 1 nhiệm vụ kiểm toán so với kế hoạch năm 2024

Ông Ngô Văn Tuấn - Tổng Kiểm toán Nhà nước (Ảnh: Quochoi.vn)

Ông Ngô Văn Tuấn - Tổng Kiểm toán Nhà nước (Ảnh: Quochoi.vn)

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 37, chiều 23/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước.

Báo cáo về thực hiện nhiệm vụ kiểm toán năm 2024, ông Ngô Văn Tuấn - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước ban hành gồm 121 nhiệm vụ kiểm toán, được tổ chức thành 166 đoàn kiểm toán.

Đến ngày 30/8/2024, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức xét duyệt 109 kế hoạch kiểm toán, triển khai 100 Đoàn kiểm toán, trong đó 65 Đoàn kiểm toán đã kết thúc; hoàn thành và tổ chức xét duyệt 85 dự thảo báo cáo kiểm toán và đã phát hành chính thức 81 báo cáo kiểm toán.

Dự kiến Kiểm toán Nhà nước sẽ hoàn thành 100% kế hoạch năm 2024 theo đúng tiến độ đã đề ra, trong đó nhiệm vụ kiểm toán trọng tâm cuối năm là kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương năm 2023, trên cơ sở đó kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2025.

Đề cập về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 120 nhiệm vụ (giảm 1 nhiệm vụ so với năm 2024).

Kế hoạch đề ra đảm bảo kiểm toán quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 90% số bộ, cơ quan trung ương, địa phương; kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin phấn đấu mục tiêu tỷ lệ 30% tổng số cuộc kiểm toán năm 2025.

Kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 10 bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 41 bộ, cơ quan trung ương bao gồm cả các hội, tổ chức (đạt tỷ lệ 98% - 41/42 đầu mối kiểm toán các bộ, cơ quan trung ương; năm 2024 là 83%, năm 2023 là 68%).

Kiểm toán tại 61 địa phương, trong đó kiểm toán đồng thời ngân sách địa phương và báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2023 tại 22 địa phương; kiểm toán ngân sách địa phương tại 4 địa phương và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2023 của 35 địa phương.

Qua đó kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đạt tỷ lệ 90,5% - 57/63 địa phương, bằng mức năm 2024; năm 2023 là 83%).

Bảo đảm sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công chặt chẽ, hiệu quả

Thay mặt cơ quan thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí và đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2024.

Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

Về nguyên tắc, định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2025, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí các nguyên tắc, định hướng xây dựng của Kiểm toán Nhà nước.

Đề nghị Kiểm toán Nhà nước bổ sung nguyên tắc, định hướng tập trung lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa bảo đảm quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài chính công, tài sản công chặt chẽ, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước.

Đối với dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025, ông Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến thấy rằng, dự kiến kế hoạch phù hợp với yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).

Tuy nhiên, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp; đồng thời nhiều địa phương phải tập trung khắc phục hậu quả rất lớn do bão lũ gây ra để phục hồi phát triển kinh tế sau bão lũ.

Theo đó, ông Lê Quang Mạnh đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, cắt giảm các nhiệm vụ và các cuộc kiểm toán chưa thật sự cần thiết, trùng lặp với các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành để bảo đảm kế hoạch kiểm toán trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, hiệu lực.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Kiểm toán Nhà nước đẩy nhanh xử lý các kiến nghị kiểm toán. Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chậm thực hiện kiến nghị của kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Kiểm toán Nhà nước tập trung rà soát các dự án quan trọng (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Kiểm toán Nhà nước tập trung rà soát các dự án quan trọng (Ảnh: Quochoi.vn)

Cơ bản đồng thuận với kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước , Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu rà soát, lựa chọn nội dung kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm; kiểm toán phải ”đúng và trúng” nội dung; cắt giảm những nhiệm vụ không cần thiết.

Trong số các nội dung cần kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Kiểm toán Nhà nước rà soát, kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia, có số vốn đầu tư, giải ngân lớn; làm rõ hiệu quả đầu tư, kinh doanh, sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp; kiểm toán các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh giao Kiểm toán Nhà nước tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các cơ quan Quốc hội; hoàn chỉnh báo cáo công tác năm 2024 và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025; báo cáo Quốc hội về các kiến nghị của Kiểm toán.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách hoàn chỉnh các báo cáo thẩm tra chính thức để trình Quốc hội. Sau khi có ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước. Trên cơ sở đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ quyết định kế hoạch kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/nam-2025-se-kiem-toan-hieu-qua-dau-tu-su-dung-von-nha-nuoc-tai-cac-doanh-nghiep-718017.html
Zalo