Năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp lên 90%

Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ hướng tới mục tiêu tăng tần suất bảo đảm cấp nước lên 90% vào năm 2025 mà còn tiến xa hơn trong việc xây dựng một vùng nông nghiệp bền vững.

Năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp lên 90%. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp lên 90%. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Với những giải pháp toàn diện, Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ hướng tới mục tiêu tăng tần suất bảo đảm cấp nước lên 90% vào năm 2025 mà còn tiến xa hơn trong việc xây dựng một vùng nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển hài hòa với tự nhiên.

Đó là thông tin được ông Trần Duy An, Phó Trưởng phòng Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long (Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam) chia sẻ tại Diễn đàn "Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long" được Cục Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại thành phố Cần Thơ chiều 29/11.

Các giải pháp được ông Trần Duy An cung cấp bao gồm giải pháp công trình và phi công trình. Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ứng dụng các giải pháp hiện đại để cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, hệ thống cấp thoát tách rời cho một số khu vực có điều kiện thuận lợi. Đồng thời, giải pháp tận dụng nguồn nước biển ngoài khơi để phục vụ sản xuất cũng sẽ được triển khai.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xây dựng 5 nhà máy cấp nước vùng với tổng công suất 1,5 triệu m³/ngày đêm, sử dụng nguồn nước từ dòng chính Mekong. Các nhà máy này được đặt tại vị trí không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

"Các công trình kiểm soát mặn, dẫn nước, chuyển nước và trữ nước sẽ được hoàn thiện kết hợp với các giải pháp phi công trình. Bên cạnh đó, việc di dời dân khỏi các điểm sạt lở nguy hiểm, mở rộng diện tích bơm tiêu bằng động lực và xây dựng các công trình chống ngập úng cho đô thị là những ưu tiên hàng đầu", ông Trần Duy An cho biết.

Hiện tại, hệ thống thủy lợi của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành khá đồ sộ với mật độ kênh mương lớn, khoảng 43.000 hệ thống hồ chứa tự nhiên giúp trữ nước, tích nước… giúp chủ động cho sản xuất nông nghiệp, làm tiền đề để chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, phát huy vai trò chủ động kiểm soát nguồn nước.

Các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá giải pháp điều hành hệ thống thủy lợi thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất tốt, giảm thiểu ảnh hưởng về mức thấp so với tác động của hạn, xâm nhập mặn; trong đó, có truyền thông, điều hành phối hợp giữa các đơn vị.

Tuy nhiên, ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy nông và cấp nước (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cũng kiến nghị nhà nước cần hoàn thiện quản lý tổng hợp như quản lý sản xuất, dự báo thị trường, nâng cao dự báo nguồn nước xâm nhập mặn, hiện đại hóa việc giám sát…

Theo đánh giá của đại diện Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, việc sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, ứng dụng công nghệ hiện vẫn chưa đầy đủ, thiếu thiết bị hỗ trợ dẫn đến sự vận hành hệ thống thủy lợi theo cảm quan, hiệu quả hạn chế. Vì vậy, các cấp, các ngành cần tiếp tục phổ biến tới người dân ứng dụng khoa học công nghệ trong tưới tiết kiệm nước, hiệu quả trong các vùng trồng (như trồng cây ăn trái, rau màu,…)

Chia sẻ về kế hoạch truyền thông tổng thể về tiết kiệm nước, đảm bảo an ninh nguồn nước sẽ được xây dựng trong thời gian tới, ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết, kế hoạch này sẽ lồng ghép nội dung từ các nhánh nhỏ của an ninh nguồn nước nhằm nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.

Thiết bị đo mực nước giúp tiết kiệm nước trên đồng ruộng được áp dụng tại mô hình. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Thiết bị đo mực nước giúp tiết kiệm nước trên đồng ruộng được áp dụng tại mô hình. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Ngoài ra, hệ thống thủy lợi sẽ được đầu tư với các giải pháp kỹ thuật cụ thể như hạ thấp cửa lấy nước, phân phối và điều tiết hiệu quả nguồn nước, đồng thời phân bố nguồn nước từ những khu vực dồi dào sang những vùng thiếu hụt. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước bền vững, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gửi tài liệu hướng dẫn khoanh vùng và tiết kiệm nước để hỗ trợ địa phương", ông Đinh Thanh Mừng, Phó Trưởng phòng Phòng An ninh nguồn nước, Cục Thủy lợi thông tin thêm.

Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế người dân, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 15 hệ thống thủy lợi phục vụ trên 2,5 triệu ha, chiếm 64% diện tích toàn khu vực. Tuy nhiên, các hệ thống thủy lợi cấp nước chưa hoàn chỉnh, kênh bị thu hẹp, giảm khả năng dẫn nước, cấp nước cho vùng cây ăn quả còn hạn chế; các cống vận hành tự động, không có tính chủ động trong điều tiết hoặc kiểm soát nguồn nước,...”.

Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những thách thức rất lớn từ thượng nguồn (nhất là hoạt động đầu tư các công trình trên dòng chính và sông nhánh Mekong khiến lượng nước và phù sa về đồng bằng suy giảm).

Ngoài ra, nước biển dâng và tốc độ thủy triều gia tăng do khai thác cát khiến lòng sông bị mở rộng, tác động gia tăng úng ngập và xâm nhập mặn. Cùng với đó là hàng loạt hệ lụy như sạt lở bờ sông, bờ biển, mực nước sông Cửu Long bị hạ thấp, chất lượng nguồn nước suy giảm, gây khó khăn cho việc cấp nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất, đảm bảo sinh kế của người dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo báo cáo của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, mặc dù Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý điều hòa các nguồn nước sẵn có nhưng hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thói quen sử dụng nước chưa tiết kiệm của người dân đã và đang tạo sức ép rất lớn đến cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Thu Hiền/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nam-2025-dong-bang-song-cuu-long-bao-dam-cap-nuoc-cho-san-xuat-nong-nghiep-len-90/355057.html
Zalo