Năm 2024, kinh tế Thái Bình tăng trưởng vững chắc, nhiều mục tiêu vượt kỳ vọng

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào sáng ngày 11/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn đã trình bày báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025.

Ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025. Ảnh: Hà Linh

Ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025. Ảnh: Hà Linh

Theo báo cáo do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Văn Hoàn trình bày, trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, tỉnh Thái Bình đã phát huy tối đa sự đồng thuận và nỗ lực từ các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước đạt 71.326 tỷ đồng, tăng 7,01% so với năm 2023. Tổng giá trị sản xuất đạt 210.455 tỷ đồng, tăng 6,92% so với cùng kỳ. Những con số này phản ánh sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc hiệu quả của các cơ quan, tổ chức trong toàn tỉnh.

Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới tiếp tục ghi nhận những thành tựu nổi bật. Trong năm, Thái Bình có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh có 40 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 2 xã kiểu mẫu. Đồng thời, 18 xã hình thành sau sắp xếp cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, thể hiện sự phát triển toàn diện và bền vững tại khu vực nông thôn.

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến ngày 20/11, Thái Bình đã thu hút tổng vốn đầu tư lên tới 38.088,1 tỷ đồng, trong đó có 154 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký 26.444 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 958 triệu USD và dự kiến cả năm vượt mốc 1 tỷ USD.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được triển khai đồng bộ và hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Công tác an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn.

Năm 2024 cũng chứng kiến sự chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính. Các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đều tăng bậc so với năm trước, như PAR INDEX tăng 5 bậc và SIPAS tăng 2 bậc. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt tập trung vào các vụ việc phức tạp kéo dài.

Bên cạnh đó, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2025, Thái Bình đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với chủ đề hành động “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên.” Mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường. Tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế Thái Bình, hoàn thành các công trình trọng điểm, mở rộng giao thông liên vùng và nâng cấp hạ tầng đô thị.

Năm 2025, Thái Bình phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 9% trở lên so với năm 2024; GRDP bình quân đầu người đạt 78,7 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8-10%, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GRDP đạt 80,6%. Tỉnh phấn đấu có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thu ngân sách đạt 12.610 tỷ đồng.

Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Thái Bình đang hướng tới một năm 2025 bứt phá, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện và bền vững.

Gia Hưng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nam-2024-kinh-te-thai-binh-tang-truong-vung-chac-nhieu-muc-tieu-vuot-ky-vong.html
Zalo