Mỹ và châu Âu xem xét hạn chế tài trợ cho các dự án dầu khí ở nước ngoài

Mỹ và các quốc gia giàu có khác đang cân nhắc một đề xuất hạn chế hỗ trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài.

Trong sắc lệnh hành pháp năm 2021, Tổng thống Biden đã chỉ thị các cơ quan liên bang, bao gồm Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ, chấm dứt tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Ảnh AP

Trong sắc lệnh hành pháp năm 2021, Tổng thống Biden đã chỉ thị các cơ quan liên bang, bao gồm Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ, chấm dứt tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Ảnh AP

Số phận của kế hoạch quốc tế nhằm chấm dứt nguồn tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch có thể được các quan chức Mỹ quyết định trong tuần này.

Một số quốc gia giàu có trên thế giới sẽ họp kín, bắt đầu từ thứ Hai 24/6, để thảo luận về đề xuất do Liên minh châu Âu dẫn đầu, nhằm chấm dứt các khoản vay và bảo trợ từ các cơ quan tín dụng xuất khẩu cho các dự án dầu khí.

Đây là một phần trong thỏa thuận đang phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế có trụ sở tại Paris – một nhóm gồm 38 quốc gia hợp tác về các vấn đề thương mại và tài chính – và tuân theo thỏa thuận năm 2021 nhằm chấm dứt các khoản đầu tư tương tự vào than.

Nếu các quốc gia thành viên đạt được thỏa thuận mới, điều đó có thể giúp ngăn chặn dòng chảy hàng tỷ USD vào các nguồn năng lượng gây ô nhiễm.

Nếu không, đề xuất này có thể bị đẩy vào vòng đàm phán tiếp theo vào tháng 11, khi cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa cho chức vị Tổng thống, có thể tái đắc cử. Điều này sẽ đe dọa bất kỳ thỏa thuận nào nhằm hạn chế đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Kate DeAngelis, phó Giám đốc tài chính quốc tế của nhóm vận động khí hậu Friends of the Earth cho biết: “Mọi ánh nhìn đều đổ dồn vào Mỹ. Nếu Mỹ không đến bàn đàm phán, chúng ta sẽ không thấy Nhật Bản và Hàn Quốc xuất hiện tại bàn đàm phán. Và tôi nghĩ nếu không có gì xảy ra thì điều đó tự nói lên rằng đó là sự thất bại trong vai trò lãnh đạo của Mỹ”.

Nhà Trắng đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Bộ Tài chính, cơ quan đại diện cho Mỹ trong các cuộc họp của OECD, đã đưa ra tuyên bố nhưng không nêu rõ quan điểm của mình về đề xuất dầu khí.

Megan Apper, người phát ngôn cấp cao của Bộ Tài chính, đã viết trong email gửi tới E&E News: “Mỹ cam kết thực hiện các cam kết về khí hậu, bao gồm việc chấm dứt hỗ trợ trực tiếp cho lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch đang không có dấu hiệu suy giảm trên toàn cầu. Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với chính phủ Mỹ về quan điểm của chúng tôi cho các cuộc họp sắp tới”.

Cuộc họp ở Paris tuần này sẽ tập trung vào cái gọi là “thỏa thuận không nuốt lời” giữa 10 quốc gia thành viên OECD và EU, nhằm đặt ra các giới hạn về điều kiện và điều khoản tài trợ đối với các cơ quan tín dụng xuất khẩu để đảm bảo một sân chơi bình đẳng giữa họ.

Những quốc gia này bao gồm: Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.

Vào năm 2021, họ đã đồng ý chấm dứt việc sử dụng tín dụng xuất khẩu do chính phủ hỗ trợ cho các nhà máy nhiệt điện than không có công nghệ thu hồi và lưu trữ khí thải. Đó là một nỗ lực nhằm điều chỉnh hướng dẫn xuất khẩu với mục tiêu đầy tham vọng của thỏa thuận khí hậu Paris, nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hiện các nước đang cố gắng thống nhất về việc có nên mở rộng lệnh cấm này sang lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hay không.

Đề xuất của EU, được thảo luận vào tháng 3 tại cuộc họp gần đây nhất của OECD, sẽ mở rộng lệnh cấm để bao trùm toàn bộ chuỗi cung ứng nhiên liệu hóa thạch, ngoại trừ một số trường hợp phù hợp với mục tiêu 1,5 độ C.

Mặc dù chính quyền Biden chưa tiết lộ quan điểm của mình về đề xuất mới, nhưng trước đó họ đã đưa ra các cam kết nhằm chấm dứt tài trợ công cho các dự án nhiên liệu hóa thạch trên phạm vi quốc tế.

Trong sắc lệnh Hành pháp năm 2021, Tổng thống Biden đã chỉ thị các cơ quan liên bang, bao gồm Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ, chấm dứt tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Cuối năm đó, Mỹ đã cùng hàng chục quốc gia khác tham gia các cuộc đàm phán về khí hậu ở Glasgow, Scotland, đồng ý ngừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch quốc tế trước năm 2023.

Nhưng Ngân hàng Xuất nhập khẩu, hay Ex-Im, đã bị các nhà hoạt động khí hậu và một số quan chức chỉ trích vì tiếp tục đầu tư vào các dự án đi ngược lại cam kết của Tổng thống. Chúng bao gồm việc phê duyệt khoản vay trị giá 500 triệu USD cho hoạt động phát triển dầu khí ở Bahrain và một nhà máy lọc dầu của Indonesia đã nhận được khoản vay 100 triệu USD.

Cuộc họp ở Paris diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự chú ý đến các quyết định tài trợ của Ex-Im. Ngân hàng này hiện đang cân nhắc hỗ trợ cho một dự án khí đốt gây tranh cãi ở Mozambique và một dự án khác ở Papua New Guinea. Một nhóm người biểu tình đã làm gián đoạn các cuộc họp thường niên của ngân hàng vào đầu tháng 6 – họ lên sân khấu khi Chủ tịch Reta Jo Lewis đang phát biểu, kêu gọi Ex-Im ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Đầu năm nay, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết, trước khi dự án Bahrain được phê duyệt, rằng quyết định phê duyệt khoản vay cho Indonesia của Ex-Im không phản ánh chính sách của chính quyền.

Nina Pušić, nhà chiến lược khí hậu về tài chính xuất khẩu tại Oil Change International, cho biết: “Mỗi đô la mà chúng ta đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch đều đang đặt cược vào vấn đề này, thay vì đưa hàng nghìn tỷ đô la vào các giải pháp cần thiết. Chừng nào các cơ quan tín dụng xuất khẩu còn tiếp tục đổ tiền vào vấn đề chứ không phải vào giải pháp, thì họ chỉ đang khiến cuộc khủng hoảng vốn đã rất tồi tệ này trở nên tồi tệ hơn”.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/my-va-chau-au-xem-xet-han-che-tai-tro-cho-cac-du-an-dau-khi-o-nuoc-ngoai-713090.html
Zalo