Mỹ - Trung nối lại đàm phán thuế quan trong nỗ lực kéo dài thời gian 'đình chiến'

Các nhà đàm phán cấp cao của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Stockholm vào ngày 28/7 để giải quyết các bất đồng kinh tế lâu nay, vốn là trung tâm của cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Khó có đột phá trong đàm phán lần này

Động thái này được cho là nhằm kéo dài thời gian "đình chiến", kiềm chế việc tăng mạnh thuế quan, theo Reuters.

Trung Quốc đang đối mặt với hạn chót là ngày 12/8 để đạt được một thỏa thuận thuế quan bền vững với chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Nếu hai bên không đạt thỏa thuận, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn mới do thuế quan quay trở lại mức trên 100%.

Trước đó, Bắc Kinh và Washington đạt được thỏa thuận sơ bộ vào tháng 6 nhằm chấm dứt nhiều tuần leo thang thuế quan ăn miếng trả miếng.

Các nhà phân tích thương mại cho rằng cuộc đàm phán Mỹ - Trung lần này tại Stockholm khó có thể tạo ra đột phá, nhưng có thể ngăn chặn sự leo thang hơn nữa và xúc tiến cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm nay. Ảnh: AFP

Các nhà phân tích thương mại cho rằng cuộc đàm phán Mỹ - Trung lần này tại Stockholm khó có thể tạo ra đột phá, nhưng có thể ngăn chặn sự leo thang hơn nữa và xúc tiến cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm nay. Ảnh: AFP

Cuộc đàm phán lần này tại Stockholm, do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó thủ tướng Trung Quốc He Lifeng (Hà Lập Phong) dẫn đầu, diễn ra một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gặp Tổng thống Trump tại Scotland để "chốt" một thỏa thuận thương mại giữa hai bên.

Theo thỏa thuận thương mại với EU được Tổng thống Trump công bố ngày 27/7, Mỹ sẽ áp mức thuế cơ sở 15% đối với hầu hết hàng hóa của EU.

Các nhà phân tích thương mại ở cả hai bờ Thái Bình Dương cho rằng cuộc đàm phán Mỹ - Trung lần này tại Stockholm khó có thể tạo ra đột phá, nhưng có thể ngăn chặn sự leo thang hơn nữa và xúc tiến cho cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm nay, theo Reuters.

Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung trước đó tại Geneva và London lần lượt vào tháng 5 và tháng 6 đã tập trung vào việc giảm thuế quan trả đũa của hai bên từ mức 3 con số xuống còn 10% và khôi phục dòng chảy khoáng sản đất hiếm bị Trung Quốc chặn lại, cũng như xuất khẩu chip AI Nvidia H20 và các hàng hóa khác bị Mỹ chặn lại.

Cho đến nay, các cuộc đàm phán vẫn chưa đi sâu vào các vấn đề kinh tế lớn hơn. Đơn cử, Mỹ lâu nay chỉ trích mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc là nguyên nhân gây mất cân bằng thương mại toàn cầu, trong khi Bắc Kinh cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với lý do an ninh quốc gia của Mỹ đối với các mặt hàng công nghệ là nhằm kìm hãm tăng trưởng của Trung Quốc.

Tuy vậy, "Stockholm sẽ là vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung có ý nghĩa đầu tiên", ông Bo Zhengyuan, nhà phân tích tại Thượng Hải của công ty tư vấn Plenum, nhận xét.

Mỹ quan tâm đến vấn đề tái cân bằng nền kinh tế của Trung Quốc

Tổng thống Trump đã thành công trong việc gây sức ép lên một số đối tác thương mại, trong đó có Nhật Bản, Indonesia và Philippines, khiến họ chấp thuận các thỏa thuận sơ bộ cùng với mức thuế cao hơn mức cơ sở, từ 15% đến 20%.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán Mỹ - Trung phức tạp hơn nhiều và sẽ cần nhiều thời gian hơn, theo các nhà phân tích. Bởi lẽ, Trung Quốc nắm giữ thị trường khoáng sản đất hiếm và nam châm toàn cầu, được sử dụng cho sản xuất nhiều mặt hàng quan trọng, từ phần cứng quân sự đến động cơ gạt nước kính chắn gió ô tô. Và điều này đã cho thấy vai trò của một đòn bẩy hiệu quả, có sức ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp của Mỹ.

Phía sau các cuộc đàm phán Mỹ - Trung là những đồn đoán về một cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể diễn ra vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 năm nay, theo Reuters.

Tổng thống Trump cho biết ông sẽ sớm quyết định liệu có nên đến thăm Trung Quốc trong một chuyến công du mang tính bước ngoặt để giải quyết căng thẳng thương mại và an ninh hay không.

Cần biết rằng một đợt bùng phát mới về thuế quan và kiểm soát xuất khẩu có thể sẽ làm chệch hướng mọi kế hoạch gặp gỡ của ông chủ Nhà Trắng với Chủ tịch Tập Cận Bình.

"Cuộc đàm phán ở Stockholm là cơ hội để bắt đầu đặt nền móng cho chuyến thăm Trung Quốc của ông Trump", bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI), cho biết.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói rằng ông muốn thương lượng về việc kéo dài thời hạn chót ngày 12/8 để ngăn chặn thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc quay lại mức 145% cũng như mức thuế đáp trả 125% từ phía Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể sẽ yêu cầu giảm mức thuế quan nhiều lớp của Mỹ, hiện đang ở mức 55% đối với hầu hết các mặt hàng, cùng với việc đề nghị Washington nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao. Bắc Kinh có thể lập luận rằng những giao dịch hàng hóa công nghệ như vậy sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, vốn đã đạt 295,5 tỷ USD vào năm 2024.

Trung Quốc đang đối diện với mức thuế 20% do bị Mỹ cáo buộc có vai trò trong dòng chảy chất gây nghiện fentanyl tuồn vào Mỹ, cùng với đó là mức thuế đối ứng cơ sở 10% và mức thuế 25% đối với hầu hết các mặt hàng công nghiệp được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump.

Bộ trưởng Bessent cho biết ông sẽ thảo luận về vấn đề tái cân bằng nền kinh tế của Trung Quốc, việc chuyển hướng từ xuất khẩu sang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Sự chuyển hướng này sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải chấm dứt cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để khuyến khích chi tiêu hộ gia đình.

Sự chuyển hướng như trên vốn là điều mong muốn của các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong hai thập kỷ qua, theo ông Michael Froman, cựu Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.

"Liệu chúng ta có thể sử dụng hiệu quả thuế quan để buộc Trung Quốc thay đổi căn bản chiến lược kinh tế của họ hay không? Điều đó vẫn còn phải chờ xem", ông Froman, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) - một tổ chức nghiên cứu chính sách tại Mỹ, cho biết.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/my---trung-noi-lai-dam-phan-thue-quan-trong-no-luc-keo-dai-thoi-gian-dinh-chien-d342740.html
Zalo