Mỹ thuật truyền thống và vị thế trong dòng chảy đương đại
Trước sự thay đổi của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, mỹ thuật truyền thống có còn là lựa chọn của đại đa số nữa không? Đó là câu hỏi mà nhiều người trăn trở. Vậy những họa sĩ 'thời công nghệ số' nên giữ cốt lõi của mỹ thuật truyền thống, hay phải hòa nhập với mỹ thuật sáng tạo?
Vẽ bằng dữ liệu hay vẽ bằng cảm xúc?
Mỹ thuật sáng tạo là phương pháp giáo dục gợi mở, chủ yếu phát triển tư duy sáng tạo. Phương pháp này giúp con người chủ động quan sát, phát huy trí tưởng tượng và sáng tạo thông qua việc trải nghiệm nhiều cách tạo hình. Nhiều người nói đến mỹ thuật sáng tạo và cho rằng mỹ thuật sáng tạo có thể thay thế mỹ thuật truyền thống.
Nêu quan điểm về vấn đề này, họa sĩ tranh ghép vải Nguyễn Thu Huyền (Giảng viên thiết kế thời trang, Đại học Mở Hà Nội) cho rằng, trí tuệ cảm xúc là một trong những yếu tố khác biệt giúp con người kết nối tình cảm với thế giới xung quanh. Trong hội họa thì cảm xúc đóng một vai trò rất quan trọng. Đó chính là khởi nguồn, là động lực cho sự sáng tạo nghệ thuật.
Trí tuệ nhân tạo là dùng dữ liệu để vẽ, không phải dùng cảm xúc hay sự sáng tạo để vẽ. Bởi vậy họa sĩ có thể coi là công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế hoàn toàn các tác phẩm nghệ thuật. Và mỹ thuật truyền thống cùng với bút pháp rất riêng, thể hiện được phong cách cá nhân của từng họa sỹ vẫn là lựa chọn của đại đa số.
Cùng quan điểm, nhà thiết kế sáng tạo Dung Đoàn cho rằng, nghệ thuật sáng tạo, bao gồm nghệ thuật kỹ thuật số hoặc nghệ thuật đa phương tiện, mang đến những cách mới để khám phá trải nghiệm và biểu đạt của con người. Thế nhưng chúng không "thay thế" các hình thức nghệ thuật truyền thống. Thay vào đó, chúng cùng tồn tại và làm phong phú thêm phạm vi hoạt động nghệ thuật rộng hơn.
"Nghệ thuật kỹ thuật số và nghệ thuật do trí tuệ nhân tạo điều khiển có thể được coi là có lợi trong việc thúc đẩy ranh giới của sự sáng tạo. Nhưng việc thay thế hoàn toàn mỹ thuật truyền thống là không thể. Nghệ thuật truyền thống vẫn có giá trị ý nghĩa lịch sử và văn hóa gắn liền đất nước, văn hóa và con người", nhà thiết kế sáng tạo Dung Đoàn khẳng định.
Vị thế khó phá vỡ của mỹ thuật truyền thống
Nhà thiết kế sáng tạo Dung Đoàn cũng cho rằng, mỹ thuật truyền thống vẫn luôn giữ vững vị thế của mình trong dòng chảy văn hóa hiện đại. Bởi mỹ thuật truyền thống có sự cộng hưởng về mặt cảm xúc, có ý nghĩa lịch sử văn hóa, có chứa thủ công và kỹ năng…
Theo Dung Đoàn, các hình thức nghệ thuật truyền thống thường gắn kết với các chủ đề và cảm xúc cơ bản của con người. Khả năng thể hiện những trải nghiệm nội tâm phức tạp dưới dạng hình ảnh hoặc âm thanh của chúng kết nối với mọi người ở cấp độ cá nhân sâu sắc. Sự cộng hưởng về mặt cảm xúc này khó có thể sao chép được bằng các hình thức phương tiện truyền thông hiện đại kỹ thuật số.
Về bản sắc văn hóa, mỹ thuật truyền thống thường được coi là một phần thiết yếu trong di sản và bản sắc của một nền văn hóa. Các kiệt tác từ thời Phục hưng không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, chúng là biểu tượng của một thế giới quan lịch sử và triết học cụ thể. Những tác phẩm này tiếp tục đóng vai trò là điểm chính giúp duy trì cảm xúc liên tục và kết nối với quá khứ .
Về giá trị biểu tượng, mỹ thuật thường thể hiện những ý tưởng văn hóa, triết học hoặc tâm linh quan trọng đồng điệu với các giá trị xã hội rộng lớn hơn. Ví dụ, nhạc cổ điển hoặc hội họa truyền thống có thể gợi lên các khái niệm về sự hài hòa, vẻ đẹp và trật tự - nhà thiết kế sáng tạo Dung Đoàn nêu quan điểm.
Mỹ thuật truyền thống được đánh giá cao vì kỹ năng, sự tận tụy và sự khéo léo liên quan đến quá trình sáng tạo. Người ta ngưỡng mộ tài năng kỹ thuật cần có để vẽ một bức chân dung chân thực, chạm khắc các tác phẩm điêu khắc phức tạp hoặc sáng tác một bản giao hưởng, đặc biệt là trong thời đại mà tự động hóa và công nghệ kỹ thuật số thường được coi là thay thế lao động của con người.
Dung Đoàn cũng nhấn mạnh, trong một thế giới ngày càng số hóa, người ta lại trân trọng bản chất xúc giác và đòi hỏi nhiều công sức của nghệ thuật truyền thống. Bản thân quá trình này cho dù đó là việc áp dụng các nét cọ trên vải, tạo hình đất sét hay lên dây đàn violin được đánh giá cao vì sự tinh tế và chú ý đến từng chi tiết.
Còn theo họa sĩ, giảng viên Nguyễn Thu Huyền, những cảm nhận từ thiên nhiên, cuộc sống là khởi nguồn, động lực cho người nghệ sĩ hình thành những ý tưởng nghệ thuật ở nhiều góc nhìn, khía cạnh khác nhau. Chính sự cảm nhận đa chiều như thế đã hình thành những trường phái, trào lưu với phong cách, ý tưởng riêng, góp phần tạo nên bức tranh muôn màu muôn vẻ cho nền mỹ thuật.
Bên cạnh yếu tố cảm xúc, cảm nhận thì các dòng tranh như tranh sơn dầu, tranh sơn mài, tranh ghép vải… có những yêu cầu về chất liệu và kỹ thuật thể hiện riêng. Các tác phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau mới có thể hình thành nên tác phẩm chứ không đơn thuần chỉ là vẽ trên giấy. Điều đó các loại máy móc không thể thay thế được. Bởi vậy mỹ thuật truyền thống với những cảm xúc và kỹ thuật thể hiện riêng luôn giữ vững vị thế của mình trong dòng chảy văn hóa hiện đại.