Mỹ sửa đổi chiến thuật xe tăng Abrams, nêu bật những hạn chế khi đối đầu với UAV cảm tử

Quân đội Mỹ lần đầu cập nhật hướng dẫn tác chiến xe tăng M1A2 Abrams để đối phó với UAV giá rẻ, dùng pháo chính 120 mm bắn đạn M1028 tạo lưới chống UAV, nhưng vẫn đối mặt nhiều giới hạn trong chiến tranh hiện đại.

Xe tăng Abrams của Quân đội Mỹ. Ảnh: US Army.

Xe tăng Abrams của Quân đội Mỹ. Ảnh: US Army.

Đáp lại những thách thức ngày càng gia tăng mà lực lượng mặt đất đang phải đối mặt trước các bầy đàn máy bay không người lái (UAV) giá rẻ, Cục Xuất bản Quân đội Mỹ (Army Publishing Directorate) vừa sửa đổi Sổ tay Chiến thuật Trung đội Xe tăng, bổ sung hướng dẫn mới cho các kíp chiến đấu vận hành xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams về cách tối ưu hóa khả năng đối phó các mục tiêu UAV.

Việc đặt trọng tâm đặc biệt vào huấn luyện kíp xe tăng để tiêu diệt UAV là điều chưa từng có tiền lệ, và phản ánh các bài học thực tế mà các cường quốc quân sự rút ra từ chiến trường Ukraine. Trong khi các loại pháo cỡ nhỏ có tốc độ bắn cao thường được ưu tiên để tiêu diệt UAV, tài liệu chiến thuật mới lại khuyến cáo các kíp Abrams sử dụng pháo chính 120 mm nạp đạn bằng tay – vốn chỉ bắn được khoảng 8,5 phát/phút – để khai hỏa đạn chùm M1028.

Loại đạn này từng được thiết kế cho nhiệm vụ chống bộ binh, nhưng hiện được kỳ vọng có thể phát tán mảnh đạn diệt nhiều UAV cỡ nhỏ cùng lúc. Khi kết hợp với hỏa lực từ súng máy trên xe, đạn M1028 có thể tạo thành một “vòng bong bóng phòng thủ nhiều tầng”.

 Cảnh quay bằng UAV cho thấy xe tăng Abrams của Ukraine ngay trước khi giáp sau bị tấn công. Ảnh: MW.

Cảnh quay bằng UAV cho thấy xe tăng Abrams của Ukraine ngay trước khi giáp sau bị tấn công. Ảnh: MW.

Tuy nhiên, việc phải dùng đến pháo chính để chống UAV cho thấy giới hạn nghiêm trọng của Abrams trong loại chiến tranh hiện đại này. Xe không có đạn dẫn đường bằng radar hay hệ thống đánh chặn tự động, khiến nó yếu thế hơn nhiều so với các hệ thống chống UAV chuyên biệt. Các kíp xe vẫn phải dựa vào quan sát bằng mắt thường và bắn thủ công, trong khi khả năng xoay và nâng nòng pháo có giới hạn, gây trở ngại đáng kể.

Ngược lại, những xe tăng hiện đại trang bị hệ thống phòng vệ chủ động như Trophy của Israel, Arena-M của Nga, hay các thiết kế mới từ Trung Quốc và hai miền Triều Tiên, có thể tự động phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa UAV.

Mỹ và các nước phương Tây vẫn tụt hậu trong việc tích hợp những hệ thống này, dù hiện đã lên kế hoạch mua Trophy-M từ Israel để trang bị cho Abrams và Leopard.

Kích thước đồ sộ của Abrams, xe tăng nặng nhất thế giới, khiến nó dễ bị phát hiện và tấn công hơn, nhưng đồng thời cũng cung cấp không gian để có thể tích hợp các hệ thống phòng thủ UAV trong tương lai, bao gồm cả vũ khí năng lượng định hướng (vũ khí laser).

 Xe tăng M1A1 Abrams của Quân đội Ukraine gần Pokrovsk vài giây trước khi bị UAV tiêu diệt. Ảnh: MW.

Xe tăng M1A1 Abrams của Quân đội Ukraine gần Pokrovsk vài giây trước khi bị UAV tiêu diệt. Ảnh: MW.

Gần đây, nhiều lo ngại đã được đặt ra về khả năng sống sót của Abrams trước UAV, đạn tuần kích (loitering munitions) và ở mức độ thấp hơn là pháo dẫn đường chính xác, dựa trên hiệu suất chiến đấu của xe khi được quân đội Ukraine triển khai. Kể từ khi được đưa vào chiến trường từ tháng 2/2024, có nhiều video cho thấy Abrams bị phá hủy do pháo dẫn đường hoặc UAV cảm tử.

Tính đến đầu tháng 6/2025, Quân đội Ukraine được đánh giá đã mất 87% số xe Abrams được Mỹ viện trợ – tức 27 trong số 31 xe đã bị phá hủy hoặc bị bắt giữ. Đáng chú ý, cả biến thể của Mỹ và Ukraine đều dễ bị tấn công từ trên cao bằng UAV, và lớp giáp uranium nghèo của phiên bản Mỹ cũng không đủ để bảo vệ khỏi hướng tấn công này.

Giữa lúc ngân sách quốc phòng Mỹ bị áp lực nghiêm trọng, và lực lượng bộ binh ngày càng ít được ưu tiên, câu hỏi đặt ra là liệu Washington có đủ nguồn lực để tài trợ cho các nâng cấp chống UAV vốn rất tốn kém trong tương lai gần hay không.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/my-sua-doi-chien-thuat-xe-tang-abrams-neu-bat-nhung-han-che-khi-doi-dau-voi-uav-cam-tu-post187847.html
Zalo