Mỹ quay lưng với năng lượng xanh, Trung Quốc củng cố vị trí dẫn đầu
Các khoản cắt giảm chi tiêu do Tổng thống Donald Trump thực đang làm tê liệt nỗ lực về năng lượng sạch của Mỹ.
Giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, một điểm khác biệt nổi bật giữa hai cường quốc chính là cách tiếp cận vấn đề năng lượng và khí hậu.
Trong khi chính quyền Trump làm suy yếu các nỗ lực phát triển năng lượng xanh bằng các lệnh hành pháp và Đạo luật To và Đẹp, Trung Quốc lại tiếp tục củng cố danh hiệu là nước đầu tư lớn nhất thế giới vào năng lượng tái tạo. Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Lưới điện Quốc gia, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng cường lưới điện quốc gia của mình với mức kỷ lục 500 gigawatt (GW) công suất năng lượng tái tạo trong năm 2025.
Cuộc tranh luận về năng lượng diễn ra trong bối cảnh thế giới đang nóng lên nhanh chóng và cần nhiều năng lượng sạch hơn bao giờ hết, nhất là khi công nghệ tiên tiến đang làm gia tăng nhu cầu điện.
Trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ đổi mới khác cần một lượng lớn điện năng để vận hành vì phụ thuộc nhiều vào các trung tâm dữ liệu cùng cơ sở hạ tầng tính toán mạnh mẽ. Các quốc gia trên thế giới đang tìm cách gia tăng sản lượng điện khi đầu tư vào những trung tâm dữ liệu mới phải vận hành liên tục 24/7, trong đó Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu.
Việc cạnh tranh công nghệ là động lực chính cho căng thẳng Mỹ - Trung nói chung. Do đó, Trung Quốc đã chủ động tiến lên trong việc đạt các mục tiêu năng lượng tái tạo và tăng đầu tư vào lĩnh vực này nhằm theo đuổi vị thế dẫn đầu công nghệ toàn cầu.
Ngược lại, chính quyền Trump lại hủy bỏ các khoản tín dụng thuế dành cho những gì họ gọi là “các nguồn năng lượng xanh không đáng tin cậy như gió và Mặt trời, gây tổn hại cho lưới điện của nước Mỹ”.
Tổng thống Trump từng gọi các trang trại điện gió là “vết nhơ với nước này”, còn các dự án điện Mặt trời lớn là “rất kém hiệu quả và cũng rất xấu xí”.
Đây là cú quay ngoắt về chính sách từ Nhà Trắng, nhất là khi điện Mặt trời từng nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng và là nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất tại Mỹ năm ngoái, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
"Khả năng bền vững trong các tình huống khắc nghiệt"
Theo hai nhà nghiên cứu Zhang Shuwei và Huang Nanya tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Draworld ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), việc bác bỏ năng lượng tái tạo chỉ vì lý do “nguồn cung không ổn định” là cái nhìn thiển cận! Vấn đề thường nằm ở các lưới điện không được trang bị đầy đủ để xử lý nguồn điện gián đoạn.
“Những biến động mang tính thống kê trong năng lượng tái tạo không phải là vấn đề và cần được quản lý chứ không phải bị loại bỏ”, họ viết trong một bài đăng trên tài khoản mạng xã hội của trang khoa học Zhishi Fenzi. Bài viết phân tích tình trạng mất điện trên diện rộng tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hồi tháng 4.
Theo hai nhà nghiên cứu, vấn đề không phải là liệu năng lượng tái tạo có thể chiếm 100% hệ thống điện quốc gia hay không, mà là làm thế nào để xử lý rủi ro, cả dự báo trước và bất ngờ, khi xây dựng một hệ thống cân bằng.
Họ giải thích rằng Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận dựa vào một hệ thống điện cân bằng có khả năng chịu được các thiếu hụt tạm thời ở cấp độ vi mô như năng lượng tái tạo, vốn chỉ là một phần trong cơ cấu các loại nguồn năng lượng.
“Trung Quốc đặt trọng tâm lớn hơn vào khả năng bền vững trong các tình huống khắc nghiệt”, Zhang Shuwei và Huang Nanya nhận định, đồng thời thừa nhận rằng điều này có thể làm phát sinh thêm chi phí ở các điều kiện không cực đoan, nhưng đây là một quyết định kinh tế và chính trị ở cấp chính phủ.

Tấm pin Mặt trời và tua bin gió tại một dự án phát điện năng lượng mới ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc - Ảnh: AFP
Ngược lại, chiến lược tập trung vào thành phần riêng lẻ của Mỹ về phát triển năng lượng sạch lại gặp khó khăn trong việc tích hợp lưới điện và cân bằng sự biến động.
"Đầu tư hàng chục tỉ USD nhưng không gồm cả năng lượng tái tạo"
Để đáp ứng nhu cầu từ AI, Mỹ có kế hoạch đầu tư vào than đá (loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất và là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí) cùng với khí đốt tự nhiên, năng lượng hạt nhân và thủy điện.
Chỉ mới tuần trước, các công ty tư nhân đã cam kết đầu tư hàng chục tỉ USD vào năng lượng và công nghệ tại bang Pennsylvania (Mỹ), nhưng không gồm cả năng lượng tái tạo. Tác động lâu dài của các chính sách mới với lĩnh vực này vẫn còn chưa rõ ràng.
Dù Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá và dầu thô, chiếm khoảng 80% sản lượng điện theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhưng năng lượng tái tạo đã đóng góp 35% tổng sản lượng điện của nước này năm 2024, theo số liệu chính thức.
Tencent, một trong những công ty internet và công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đã triển khai dự án lưới điện siêu nhỏ tại Trung tâm Dữ liệu Đám mây Công nghệ cao Tencent Thiên Tân của họ từ năm ngoái. Theo trang web của Tencent, đây là một “dự án lưới điện siêu nhỏ mới phân tán kết nối với lưới điện công cộng chính và tạo ra điện xanh”.
Trong khuôn khổ dự án, Tencent đã lắp đặt các tấm pin Mặt trời trên mái trung tâm dữ liệu - nơi vừa là trung tâm xử lý dữ liệu vừa là nhà máy điện. Dù chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu điện nhưng “dự án là bước quan trọng trong cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2030 của Tencent”, theo thông tin trên trang web.
Những thách thức như dòng điện không tương thích và sự không ổn định của năng lượng tái tạo được giải quyết bằng cách triển khai thiết bị chuyển đổi và lưu trữ, cũng như hệ thống điều khiển sử dụng AI và học máy để phối hợp quản lý năng lượng phức tạp hơn nhiều nhưng sạch hơn.
Theo báo cáo về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) năm 2025 của Alibaba, các trung tâm dữ liệu do gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc này tự xây dựng hiện sử dụng 64% điện từ nguồn sạch. Tỷ lệ này gồm tất cả nguồn năng lượng tái tạo cũng như các nguồn không tái tạo nhưng không thải ra chất ô nhiễm độc hại, chẳng hạn năng lượng hạt nhân.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ, theo một bài viết của hãng truyền thông tài chính và kinh doanh nổi tiếng Caixin Global (Trung Quốc) hồi tháng 5. Hạ tầng lạc hậu ở các vùng phía tây Trung Quốc, nơi dồi dào năng lượng Mặt trời và gió, cùng một số chính sách chưa thuận lợi từ chính quyền đang làm hạn chế nỗ lực của doanh nghiệp, các chuyên gia chia sẻ với Caixin Global.
Dẫu vậy, năng lượng sạch vẫn chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2024, với năng lượng Mặt trời là một trong những lĩnh vực đóng góp hàng đầu, theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA).