Mỹ phát triển tàu khu trục thế hệ mới: Vũ khí năng lượng và sức mạnh tên lửa vượt trội
Hải quân Mỹ đang xúc tiến kế hoạch phát triển tàu khu trục thế hệ tiếp theo, mang tên tạm thời DDG(X), với mục tiêu tích hợp vũ khí năng lượng định hướng và nâng cao năng lực triển khai tên lửa.
Theo Defense News, dự án này được xem là bước tiến quan trọng trong lộ trình hiện đại hóa lực lượng hải quân Mỹ nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng tinh vi trong môi trường tác chiến hiện đại.
Theo báo cáo mới công bố trong tháng 7.2025 của Văn phòng Nghiên cứu quốc hội Mỹ (CRS), hải quân đề xuất phân bổ 133,5 triệu USD cho công tác nghiên cứu và phát triển DDG(X) trong ngân sách tài khóa năm 2026. Mục tiêu là đưa tàu vào giai đoạn sản xuất và biên chế từ đầu thập niên 2030.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Thomas Hudner của Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ
Thiết kế lớn hơn, năng lực chiến đấu mở rộng
So với kế hoạch đóng tàu tài khóa năm 2024, thiết kế mới của DDG(X) có lượng giãn nước khoảng 14.500 tấn, tăng thêm 1.000 tấn. Kích thước mở rộng cho phép con tàu tích hợp nhiều hệ thống chiến đấu tiên tiến hơn, đồng thời nâng cao khả năng triển khai vũ khí và tầm hoạt động.
Tuy vậy, báo cáo CRS đặt vấn đề liệu thiết kế lớn hơn này có phù hợp với định hướng hiện đại hóa đội tàu bằng các phương tiện nhỏ hơn, linh hoạt hơn, một xu hướng đang được Lầu Năm Góc theo đuổi để cắt giảm chi phí và tăng tính cơ động.
Song song với phát triển các tàu chiến cỡ lớn, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu tàu không người lái, trong đó có các phương tiện mặt nước không người lái cỡ nhỏ. Mới đây, hải quân Mỹ đã tích hợp các tàu không người lái vào một cuộc tập trận quy mô lớn tại biển Baltic, thể hiện hướng tiếp cận đa dạng hóa phương tiện chiến đấu trong tương lai.
DDG(X) được thiết kế để thay thế cho nhóm tàu khu trục Aegis hiện nay, bao gồm tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Đây là những tàu chiến chủ lực của hải quân Mỹ trong nhiều thập niên, nổi bật với hệ thống chiến đấu Aegis, hệ thống tích hợp đầu tiên cho phép đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ trên không và trên mặt biển.
Hệ thống Aegis bắt đầu được thử nghiệm từ năm 1973, và chính thức trang bị trên tàu Ticonderoga từ năm 1983. Sau đó, lớp Arleigh Burke ra đời với thiết kế nhỏ gọn hơn nhưng tích hợp phiên bản Aegis cải tiến, với chiếc đầu tiên được biên chế năm 1991. Đến nay, hải quân Mỹ vẫn duy trì 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga, được đóng trong giai đoạn từ năm tài khóa 1978 đến 1988 và đưa vào hoạt động trong khoảng 1983 - 1994.
Tuy nhiên, lực lượng này đang bước vào giai đoạn loại biên. Hải quân Mỹ đã bắt đầu kế hoạch ngừng hoạt động toàn bộ 22 tàu còn lại từ năm tài khóa 2022, với mục tiêu hoàn tất quá trình này vào cuối năm tài khóa 2027. DDG(X) sẽ đóng vai trò thay thế cho nhóm tàu này, với năng lực chiến đấu nâng cao và khả năng thích ứng với các công nghệ mới.
Vũ khí năng lượng và hệ thống phóng linh hoạt
Tương tự các thiết kế trước đó, DDG(X) sẽ tiếp tục sử dụng các thành phần của hệ thống chiến đấu Aegis, nhưng với nhiều cải tiến đáng kể.
Tàu dự kiến được trang bị hệ thống năng lượng đủ mạnh để vận hành vũ khí năng lượng định hướng, bao gồm laser, sóng vi ba hoặc chùm hạt, nhằm vô hiệu hóa mục tiêu bằng năng lượng điện từ thay vì đạn dược thông thường. Đây là hướng phát triển được kỳ vọng sẽ tăng tốc độ phản ứng, giảm chi phí tác chiến và nâng cao độ chính xác.
Về khả năng hỏa lực, DDG(X) sẽ được trang bị 96 ống phóng thẳng đứng tiêu chuẩn (VLS), trong đó có thể tùy chọn thay thế 32 ống bằng 12 ô phóng cỡ lớn để triển khai các loại tên lửa mới. Thiết kế này tạo ra sự linh hoạt trong cấu hình vũ khí, đáp ứng yêu cầu tác chiến đa nhiệm trong các kịch bản phức tạp.
Một trong những mục tiêu thiết kế quan trọng của DDG(X) là giảm tối đa khả năng bị phát hiện trong môi trường biển. Tàu sẽ có cấu hình kỹ thuật nhằm giảm tiếng ồn dưới nước, cũng như hạn chế tín hiệu hồng ngoại, âm thanh và điện từ dưới biển. Điều này được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng sống còn trong môi trường tác chiến hiện đại, nơi các công nghệ cảm biến và vũ khí dẫn đường ngày càng tinh vi.
Dự án DDG(X) phản ánh chiến lược chuyển đổi lực lượng hải quân Mỹ sang mô hình hiện đại, với sự kết hợp giữa các nền tảng cỡ lớn có hỏa lực mạnh và hệ thống không người lái linh hoạt. Trong bối cảnh môi trường an ninh biển đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là tại các khu vực chiến lược như Thái Bình Dương, việc đầu tư vào các tàu khu trục thế hệ mới được coi là cần thiết để duy trì ưu thế hải quân dài hạn.
Mặc dù còn nhiều câu hỏi về chi phí, hiệu quả khai thác và tính tương thích với xu hướng số hóa lực lượng, DDG(X) vẫn đang được xem là một phần then chốt trong định hướng phát triển hải quân Mỹ giai đoạn tới.