Mỹ 'hoãn chuyển Patriot' cho Thụy Sĩ để giúp các nước viện trợ Ukraine
Thụy Sĩ nói Mỹ quyết định hoãn bàn giao các hệ thống phòng không Patriot cho nước này, nhằm ưu tiên bù đắp khí tài cho các quốc gia đã viện trợ 'lá chắn phòng không' đó cho Ukraine.
Thụy Sĩ hôm 17/7 cho biết đã nhận thông báo từ Washington, trong đó cho biết Mỹ sẽ "sắp xếp lại ưu tiên" trong hoạt động chuyển giao tổ hợp phòng không Patriot để hỗ trợ Ukraine. "Điều này cũng ảnh hưởng tới Thụy Sĩ và chúng tôi sẽ nhận lô vũ khí muộn hơn so với kế hoạch", Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ cho hay.
Giới chức Thụy Sĩ thêm rằng Mỹ muốn chuyển hàng trước cho các nước đang viện trợ Ukraine để giúp họ nhanh chóng bù đắp lượng khí tài hao hụt.
"Đức đã quyết định chuyển giao thêm hai tổ hợp Patriot trong biên chế cho Ukraine", Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ nói.
Thụy Sĩ hồi năm 2022 đặt mua 5 hệ thống Patriot, quá trình bàn giao dự kiến diễn ra trong giai đoạn 2026-2028.
"Chưa rõ bao nhiêu tổ hợp sẽ bị ảnh hưởng và hoạt động chuyển giao tên lửa có thay đổi theo hay không. Chúng tôi chưa thể đưa ra tuyên bố nào về thời điểm chính xác cũng như các tác động khác đối với Thụy Sĩ. Thông tin đang được làm rõ", Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ cho hay.
Giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin được Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ đưa ra.
Patriot là hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không, do Công ty Raytheon sản xuất, có thể vận chuyển đi khắp thế giới bằng máy bay vận tải C-5 B/C/M Galaxy.
Hệ thống này lần đầu tiên được triển khai năm 1984, qua các lần nâng cấp, đến nay Patriot đã có thế hệ PAC-3.
Hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot gồm 4 tổ hợp: hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống chỉ huy điều khiển; hệ thống radar cảnh giới; hệ thống dẫn đường.
Bốn thành phần này được tích hợp, tạo ra một hệ thống có tính cơ động rất cao.
Hiện nay, hệ thống tên lửa Patriot đã được mô-đun hóa nên việc triển khai một khẩu đội chỉ mất khoảng 1 giờ.
Tổ hợp quan trọng nhất trong hệ thống tên lửa Patriot là hệ thống radar AN/MPQ-53/65. Đây là radar mạng pha quét điện tử thụ động, dòng AN/MPQ-53 sử dụng cho hệ thống tên lửa PAC-2 và dòng AN/MPQ-65 sử dụng cho hệ thống tên lửa PAC-3.
Loại radar này cho phép phát hiện, xác định, bám dẫn tên lửa tiêu diệt mục tiêu; điều khiển bằng điện tử quét từng phần của bầu trời sau vài micro giây, và rất khó bị gây nhiễu… Đây là sự khác biệt với các hệ thống tên lửa khác, vốn cần phải có một số radar cho các nhiệm vụ trên.
Một trong những đặc trưng nổi bật của hệ thống tên lửa Patriot là tiến công đối đầu trực diện với tên lửa đối phương, làm xác suất tiêu diệt mục tiêu cao hơn so với các phương thức khác.
Tiến trình đánh chặn 1 tên lửa đạn đạo bằng 2 tên lửa Patriot diễn ra như sau: Khi 1 tên lửa đạn đạo được radar phát hiện, radar đánh giá sơ bộ về tốc độ, độ cao, cách xử lý, diện tích radar hiệu dụng của mục tiêu.
Khi những dữ liệu về mục tiêu đạt chuẩn, thì mục tiêu dưới dạng 1 tên lửa đạn đạo sẽ được hiển thị trên màn hình của trắc thủ; tại trạm điều khiển AN/MSQ-104, sỹ quan chỉ huy tác chiến đánh giá tốc độ, độ cao, quỹ đạo… của mục tiêu, sau đó lệnh cho trắc thủ đưa hệ thống phóng từ chế độ chờ sang chế độ phóng.
Việc phóng tên lửa diễn ra tự động tại thời điểm máy tính xác định mục tiêu sẽ bị tiêu diệt lớn nhất; hệ thống máy tính sẽ xác định ống phóng nào trong khẩu đội có khả năng tiêu diệt được mục tiêu, quả tiếp theo sẽ được phóng sau 4 giây.
Khi tên lửa rời bệ phóng, radar tiếp tục bám mục tiêu và nạp những thông tin mới về mục tiêu cho tên lửa.
Tên lửa bay tới giai đoạn cuối, radar dải tần Ka tại đầu tên lửa bắt tín hiệu từ tên lửa đạn đạo và điều khiển tên lửa đánh chặn về hướng mục tiêu đang bay tới.
Động cơ điều chỉnh hướng trên tên lửa đánh chặn sẽ điều chỉnh sao cho 2 đầu đạn nằm trên cùng quỹ đạo.
Tên lửa đánh chặn thứ nhất lao thẳng vào đầu đạn tên lửa đạn đạo và phá hủy; tên lửa đánh chặn thứ hai sẽ tìm kiếm bất kỳ mảnh vỡ nào và xác định đó có phải là đầu đạn và tiến công phá hủy.