Mỹ Chánh tập trung nâng chất lượng xã nông thôn mới nâng cao
Xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2023, nhưng để giữ vững các tiêu chí, hiện nay, cả hệ thống chính trị và Nhân dân chung sức củng cố, nâng cao chất lượng hộ gia đình văn hóa NTM, ấp văn hóa NTM, ấp NTM kiểu mẫu, tuyến đường NTM góp phần xây dựng quê hương Mỹ Chánh ngày càng văn minh, giàu đẹp, hướng đến xã NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.
Theo đồng chí Thạch Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, năm 2020, xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tình hình kinh tế - xã hội của xã phát triển theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 15%, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất có nhiều chuyển biến, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư từng bước phát huy hiệu quả. Các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, chính sách xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, tình hình an ninh chính trị ổn định, hệ thống chính trị từ xã đến ấp ngày càng được kiện toàn.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số khó khăn như cơ cấu lao động nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trên 60%; cơ sở hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được và đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn đang tồn tại, đồng thời, xã xác định XDNTM nâng cao là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xã Mỹ Chánh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó tập trung chỉ đạo các ngành, các chi bộ quan tâm thực hiện tốt phong trào XDNTM nâng cao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Đặc biệt, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện những công việc thuộc trách nhiệm của hộ gia đình; những phần việc Nhà nước và Nhân dân cùng làm trong XDNTM nâng cao, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Xe chúng tôi chạy trên tuyến đường liên ấp Giồng Trôm, Phú Mỹ, Ô Dài về nhà văn hóa ấp Phú Mỹ, hiện ra trong tầm mắt là những căn nhà khang trang, các loại hoa đua nhau khoe sắc, hệ thống đèn đường dọc theo tuyến lộ, góp phần tô điểm bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, phát triển. Ít ai nghĩ rằng Phú Mỹ là ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025 với 86% là đồng bào Khmer. Có được kết quả đó chính là nhờ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, mà UBND xã cụ thể ra nhiều mô hình để vận động Nhân dân cùng thực hiện.
Mô hình tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp được chi bộ, Ban Nhân dân ấp Phú Mỹ phối hợp vận động mạnh thường quân, các hộ dân đóng góp thực hiện 03 tuyến nội ô của ấp với chiều dài 33km, 110 trụ đèn, tổng kinh phí trên 150 triệu đồng. Mô hình thực hiện chưa lâu nhưng làng quê đã dần sáng - xanh - sạch - đẹp. Nhờ đó, đến cuối năm 2023, ấp được công nhận ấp văn hóa NTM bởi ấp nhận được sự ủng hộ rất cao từ người dân.
Ông Trịnh Văn Quít, Trưởng Ban Nhân dân ấp Phú Mỹ cho biết: với quyết tâm xây dựng ấp đạt chuẩn ấp văn hóa NTM, đầu năm 2023 chi bộ, Ban Nhân dân ấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện thực hiện tuyến đường hoa, sau đó đóng góp mắc đèn đường. Tất cả mọi việc đều được đưa ra bàn bạc, dân chủ, lấy ý kiến số đông của hộ dân. Hầu hết, các hộ đồng tình cao. Hiện nay, mỗi hộ dân đóng góp 10.000 đồng/tháng để cùng đóng tiền điện tuyến đèn đường. Đồng thời, ấp tiếp tục vận động hộ dân tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng hoa trước ngõ, thu gom rác thải nông nghiệp để đúng nơi quy định, giữ vững ấp văn hóa NTM.
Đi đôi với XDNTM, ấp Phú Mỹ luôn quan tâm, chăm lo đời sống Nhân dân, hiện toàn ấp còn 04 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo. Tuy cuộc sống được nâng lên nhưng vẫn còn thiếu thốn, khó khăn nhiều mặt. Trong 02 năm 2023 - 2024, từ nguồn vốn của Trung ương, ấp có 20 hộ được hỗ trợ bò sinh sản, 100% hộ dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Phong trào XDNTM nâng cao ở Mỹ Chánh cũng được người dân ấp Giồng Trôm tích cực tham gia. Ông Nguyễn Tấn Phong, Trưởng Ban Nhân dân ấp Giồng Trôm cho biết: từ khi thực hiện phong trào XDNTM, NTM nâng cao, cán bộ, đảng viên ấp Giồng Trôm xác định đây là việc làm cần thiết để nâng cao đời sống Nhân dân, cải thiện kinh tế từng hộ gia đình. Do đó, chi bộ, Ban Nhân dân ấp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, nhờ đó, người dân đồng tình ủng hộ, có hộ hiến đất làm đường, có hộ ủng hộ ngày công, tiền của xây dựng cầu nông thôn, nâng cấp các tuyến đường trong ấp. Đến nay, ấp Giồng Trôm đã xây dựng thành công ấp NTM kiểu mẫu.
Giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí
Đồng chí Thạch Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh cho biết: để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, năm 2024, Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện nâng chất lượng các tiêu chí, và đã đạt kết quả khả quan.
Theo đó, về giao thông, xã có 08 tuyến đường ấp và liên ấp, tổng chiều dài 16,5km, đảm bảo nhựa hóa, đal hóa, có đủ biển báo đúng quy định. Về thủy lợi và phòng, chống thiên tai, toàn xã có 140 tuyến kênh nội đồng được nạo vét kịp thời, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân tại địa phương.
Đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đã phát động Nhân dân thực hiện chuyển đổi 248ha từ đất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển sang trồng màu, cây ăn quả, lúa hữu cơ chất lượng cao và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Củng cố nâng chất lượng hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Mỹ Châu xây dựng sản phẩm gạo hữu cơ ST25 theo tiêu chuẩn VietGAP; đăng ký thực hiện các mô hình chăn nuôi, sản xuất rau màu, sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 4 sao.
Công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM nâng cao được quan tâm trên tất cả các lĩnh vực, nhiều dự án được triển khai, các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo phát huy được hiệu quả. Đặc biệt là công tác giải quyết việc làm nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh xét giải quyết cho 1.115 hộ vay vốn với số tiền 15,8 tỷ đồng, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2023, mức thu nhập của xã đạt 69,66 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm nghèo bền vững, cuối năm 2023, xã còn 53 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,65%.
Hiệu quả từ các mô hình phát triển kinh tế
Theo giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi đến tham quan mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Thạch Thị Ka Da (40 tuổi), ngụ ấp Thanh Nguyên B, mới thấy được tinh thần vượt khó vươn lên của hai vợ chồng chị. Nhìn căn nhà tường kiên cố, khang trang mới xây dựng với diện tích trên 300m2, ít ai nghĩ gia đình chị Ka Da từng là hộ nghèo nhiều năm liền, nhờ tính cần cù, chịu thương chịu khó, hai vợ chồng chí thú làm ăn từ việc đi làm thuê, trồng màu, nuôi bò sinh sản, tiết kiệm chi tiêu... Đến năm 2020, chị cất được căn nhà nhỏ mái tôn, vách lá, rồi thoát nghèo bền vững. Năm 2021, mô hình nuôi bò sinh sản không còn mang lại giá trị cao như trước đây, một phần là vì ảnh hưởng dịch bệnh nên bò tụt giá, vợ chồng chị suy nghĩ tìm mô hình chăn nuôi mới. Đến năm 2023, gia đình chị Ka Da mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi heo rừng.
Đây là mô hình mới, trên địa bàn xã chỉ có 02 - 03 hộ nuôi nhưng đạt hiệu quả cao. Hiện nay, chị đang nuôi 05 heo sinh sản, trung bình 01 năm, có khoảng 15 lượt heo sinh sản (01 con heo nái sẽ sinh sản 03 lần/năm), 01 lần từ 10 - 15 heo con. Chị nuôi heo con đến khi heo đạt trọng lượng từ 10 - 20kg sẽ xuất bán. Hiện nay, giá heo con khoảng 120.000/kg, bình quân 01 con heo con có giá từ 1,2 - 02 triệu đồng.
Chị Ka Da cho biết: nuôi heo rừng công chăm sóc, thức ăn cực hơn nuôi bò, nhưng giá thành cao hơn. Heo con bán rất được, tôi bán cho các hộ trong xã và nhiều hộ ở các huyện Cầu Kè, Duyên Hải cũng đến mua về làm giống.
Gia đình chị Ka Da là một trong những gương điển hình về thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu trên địa bàn xã Mỹ Chánh. Niềm vui của Nhân dân trong xã như trọn vẹn, đủ đầy, phấn khởi hơn bởi những kết quả đạt được. Tin tưởng rằng, công cuộc xây dựng xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu sẽ tiếp tục mang đến luồng sinh khí mới, tạo cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.