Muốn thu hút SV học Kỹ thuật then chốt cần nâng mức hỗ trợ thay vì 3,63 triệu/tháng

Bộ GD&ĐT đề xuất hỗ trợ sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng nhằm thu hút người học ngành kỹ thuật then chốt, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

.t1 { text-align: justify; }

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành Khoa học cơ bản, Kỹ thuật then chốt và Công nghệ chiến lược để lấy ý kiến. Theo đó, người học, bao gồm sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các ngành kể trên sẽ được hỗ trợ học bổng và chi phí sinh hoạt.

Người học được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, học viên cao học, nghiên cứu sinh có kết quả học tập loại xuất sắc được cấp học bổng 100% học phí. Với nhóm giỏi và khá, học bổng lần lượt là 70% và 50%. Con số cụ thể sẽ căn cứ theo mức trần học phí quy định tại nghị định của Chính phủ.

Dự kiến chính sách này áp dụng cho người học ở cả cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục.

Chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt là bước đi cần thiết để thu hút sinh viên vào ngành Kỹ thuật then chốt

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Hồng Thiện – Trưởng khoa, Khoa kỹ thuật Hóa học, Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: "Hiện nay, các ngành Kỹ thuật then chốt đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc thu hút người học".

Theo đó, thầy Thiện chỉ ra: Thứ nhất, đây là ngành học khó, thường có chương trình học nặng, yêu cầu nền tảng kiến thức vững chắc về Toán, Lý, Hóa cùng nhiều học phần thực hành, đồ án và thí nghiệm chuyên sâu. Thời gian đào tạo kéo dài hơn so với các ngành khác do khối lượng kiến thức lớn và yêu cầu kỹ năng thực tế cao. Điều này khiến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn ở ngành kỹ thuật thường thấp hơn so với mặt bằng chung.

Thứ hai, nhiều học sinh phổ thông và phụ huynh có tâm lý e ngại, cho rằng đây là lĩnh vực khô khan, vất vả, ít hấp dẫn và khó xin việc nếu không thật sự giỏi. Điều này làm giảm đáng kể số lượng học sinh quan tâm cũng như đăng ký xét tuyển vào các ngành kỹ thuật truyền thống.

Thứ ba, ngành học đòi hỏi sinh viên học tập toàn thời gian, với lịch học dày đặc cả về lý thuyết và thực hành nên các em khó có cơ hội làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt. Trong khi đó, chính sách học bổng và hỗ trợ còn hạn chế, chưa tạo động lực mạnh để người học yên tâm theo đuổi đến cùng.

Thứ tư, một số ngành kỹ thuật đặc thù như Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật Hóa học thường rất khó tuyển được sinh viên nữ. Nhiều nữ sinh dù có năng lực vẫn e ngại, cho rằng đây là những ngành khô cứng, nặng nhọc, môi trường làm việc sau tốt nghiệp thiếu sự linh hoạt cũng như khó cân bằng được cuộc sống gia đình.

Thứ năm, mặc dù các ngành Kỹ thuật then chốt đóng vai trò nền tảng cho công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, nhưng chính sách khuyến học và thu hút người học vẫn còn chung chung, chưa có những ưu đãi thực sự khác biệt so với các ngành khác. Điều này làm giảm tính cạnh tranh trong việc thu hút sinh viên giỏi.

"Với những lý do trên, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên kỹ thuật là hết sức cần thiết và mang tính khích lệ cao. Đây là khởi đầu quan trọng nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, thu hút người học và đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kỹ thuật then chốt trong thời gian tới", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Hồng Thiện nêu quan điểm.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Hồng Thiện – Trưởng khoa, Khoa kỹ thuật Hóa học, Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Hồng Thiện – Trưởng khoa, Khoa kỹ thuật Hóa học, Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Hồng Thiện cho rằng, với mặt bằng chi phí sinh hoạt tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo kỹ thuật trọng điểm, mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng chưa đủ để người học trang trải chi phí sinh hoạt như ăn ở, đi lại, học liệu. Tuy nhiên, chính sách này đặt mục tiêu tạo động lực để thu hút học sinh, đặc biệt những em có học lực giỏi, xuất sắc, đăng ký và theo đuổi các ngành Kỹ thuật then chốt đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, cần phải xem xét phân loại mức hỗ trợ theo tiêu chí rõ ràng. Trong đó, có thể chia thành các mức hỗ trợ khác nhau dựa trên năng lực học tập, điều kiện kinh tế, vùng miền hoặc thành tích nghiên cứu, học thuật của sinh viên. Điều này không chỉ đảm bảo sự công bằng mà còn tạo ra động lực cạnh tranh lành mạnh giữa người học.

Bên cạnh đó, không nên phân bổ hỗ trợ theo kiểu cào bằng, cần tập trung vào đúng đối tượng, đúng thời điểm, đặc biệt những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, hoàn cảnh khó khăn hoặc đang theo học các ngành kỹ thuật thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Việc này giúp sử dụng nguồn lực hiệu quả và khẳng định rõ sự trân trọng, đầu tư cho người học có năng lực thực sự.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Quách Đức Cường – Trưởng khoa, Khoa Tự động hóa, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng: “Việc lựa chọn ngành học của sinh viên phần lớn chịu tác động từ thị trường lao động. Ngành nào có triển vọng việc làm cao thường thu hút đông đảo người học, thậm chí trở thành "trào lưu" trong một giai đoạn nhất định.

Bên cạnh đó, các yếu tố như sở trường, đam mê hay quan điểm cá nhân cũng góp phần định hướng ban đầu cho học sinh trong việc lựa chọn ngành học. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng thường chịu ảnh hưởng lớn từ triển vọng nghề nghiệp thực tế. Vì vậy, để thu hút người học theo đuổi các ngành kỹ thuật then chốt, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp. Bởi dù có đam mê đến đâu, các em vẫn phải cân nhắc khả năng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Việc đề xuất hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cho người học thuộc lĩnh vực kỹ thuật then chốt là bước đi tích cực, thể hiện nỗ lực của Nhà nước trong định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, khoản hỗ trợ này phần nào giúp giảm áp lực tài chính khi các em bước vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có chi phí sinh hoạt cao, mức hỗ trợ trên vẫn chưa đủ để sinh viên yên tâm theo đuổi việc học, nhất là những em điều kiện gia đình còn khó khăn.

Để người học thực sự yên tâm học tập và nghiên cứu, mức hỗ trợ cần được cân nhắc điều chỉnh lên khoảng 5–6 triệu đồng/tháng. Khi đó, chính sách mới có thể phát huy hiệu quả lâu dài, đồng thời tạo động lực rõ rệt hơn trong việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng”.

 Tiến sĩ Quách Đức Cường (ở giữa) – Trưởng khoa, Khoa Tự động hóa, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong một buổi thực hiện nghiên cứu phát triển sản phẩm khoa học công nghệ. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Quách Đức Cường (ở giữa) – Trưởng khoa, Khoa Tự động hóa, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong một buổi thực hiện nghiên cứu phát triển sản phẩm khoa học công nghệ. Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thế Vân – Trưởng khoa, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên nhìn nhận: “Đề xuất hỗ trợ sinh hoạt phí là chủ trương phù hợp, mang ý nghĩa thiết thực đối với người học. Nếu được triển khai hiệu quả, chính sách này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn tạo thêm động lực để sinh viên yên tâm theo đuổi ngành Kỹ thuật then chốt, góp phần vào phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, người học ngành Kỹ thuật then chốt phải đối mặt với khối lượng kiến thức lớn và yêu cầu học tập khắt khe hơn so với một số lĩnh vực khác. Ngoài lý thuyết, sinh viên cần thực hiện các đồ án, bài tập thực hành phức tạp khiến quá trình học tập trở nên áp lực, đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì trong suốt thời gian học.

Ngoài ra, chi phí đào tạo của khối ngành kỹ thuật cũng cao hơn so với mặt bằng chung. Sinh viên thường xuyên phải thực hành trong các phòng thí nghiệm với thiết bị chuyên dụng để mô phỏng, kiểm thử và vận hành hệ thống kỹ thuật nên học phí và các khoản chi phí liên quan luôn ở mức cao.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh e dè khi lựa chọn ngành học này vì môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp khá vất vả. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn yêu cầu kỹ sư trực tiếp tham gia sản xuất tại xưởng, nhà máy hoặc công trình với điều kiện làm việc khắt khe”.

 Sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ảnh: website nhà trường.

Sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ảnh: website nhà trường.

Chính sách hỗ trợ sinh viên nên theo hướng ưu tiên các ngành kỹ thuật truyền thống

Theo dự thảo, danh mục ngành được hưởng chính sách các ngành Kỹ thuật then chốtsẽ chọn 1 trong 2 phương án:

Phương án 1: Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Điện - Điện tử, Tự động hóa, Cơ khí chính xác, Kỹ thuật hàng không, Vật liệu mới.

Phương án 2: Kỹ thuật cơ khí (mã ngành: 7510201); Kỹ thuật điện, điện tử (mã ngành: 7510301); Kỹ thuật công nghiệp (mã ngành: 7510601); Kỹ thuật xây dựng (mã ngành: 7580201); Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (mã ngành: 7580202); Kỹ thuật công nghệ thông tin (mã ngành: 7480201); Kỹ thuật điện tử - viễn thông (mã ngành: 7510302); Kỹ thuật cơ điện tử (mã ngành: 7510202); Kỹ thuật hóa học (mã ngành: 7510401); Kỹ thuật môi trường (mã ngành: 7580301); Kỹ thuật phần mềm (mã ngành: 7480103); Kỹ thuật cơ khí động lực (mã ngành: 7510203); Kỹ thuật ô tô (mã ngành: 7510204); Kỹ thuật thực phẩm (mã ngành: 7540101); Kỹ thuật năng lượng (mã ngành: 7510604); Kỹ thuật tự động hóa (mã ngành: 7510305).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thế Vân - Trưởng khoa, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, để người học yên tâm theo đuổi các ngành kỹ thuật then chốt, mức hỗ trợ sinh hoạt phí cần được cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, nhất là tại các đô thị lớn. Mức 3,63 triệu đồng/tháng chỉ đáp ứng được một phần, chưa đủ để sinh viên yên tâm học tập và nghiên cứu. Vì vậy, có thể xem xét nâng mức hỗ trợ lên 4–4,5 triệu đồng/tháng nhằm tăng tính thiết thực của chính sách, đồng thời tạo thêm động lực thu hút người học theo đuổi lĩnh vực kỹ thuật.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ nên ưu tiên cho sinh viên theo học nhóm ngành thuộc phương án 2, bao gồm Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật điện – điện tử, Kỹ thuật công nghiệp… Đây là những ngành kỹ thuật truyền thống, đóng vai trò nền tảng trong sản xuất và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp của quốc gia.

Nhóm ngành này có yêu cầu cao về thực hành, môi trường đào tạo khắt khe và điều kiện học tập đặc thù. Việc hỗ trợ đúng và trúng đối tượng không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn bảo đảm nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về bản chất, trong phát triển khoa học - công nghệ, các lĩnh vực hiện đại như công nghệ thông tin, dữ liệu hay trí tuệ nhân tạo chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ, giúp tối ưu hóa quy trình hoặc nâng cao hiệu quả sản xuất. Để tạo ra sản phẩm vật chất và xây dựng hệ thống sản xuất thực tiễn như thiết kế, chế tạo, vận hành dây chuyền, nhà máy, nền tảng phải là các ngành kỹ thuật truyền thống như cơ khí, chế tạo máy, tự động hóa hay cơ điện tử. Đây là những ngành then chốt, giữ vai trò cốt lõi trong phát triển công nghiệp bền vững và nâng cao năng lực sản xuất quốc gia.

Không chỉ vậy, để thu hút người học vào các ngành kỹ thuật phải cho người học nhìn thấy rõ ràng cơ hội nghề nghiệp với vị trí và mức thu nhập tương xứng. Hiện nay, nhu cầu về nhân lực kỹ thuật rất lớn, nhưng mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường còn khá thấp, chỉ dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, nhiều ngành như kinh tế, thương mại, ngoại ngữ có thời gian đào tạo ngắn hơn (khoảng 4 năm), khối lượng học ít hơn, nhưng sinh viên ra trường có thể nhận mức lương từ 12-13 triệu đồng/tháng.

Sự chênh lệch này khiến các ngành kỹ thuật then chốt vốn có chương trình học nặng, yêu cầu thời gian đào tạo dài (4,5-5 năm), điểm đầu vào cao trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt thí sinh.

Vì vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ trong quá trình học, cần có các giải pháp đồng bộ hướng đến khối doanh nghiệp sử dụng nhân lực kỹ thuật. Cụ thể, cần khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động được đào tạo bài bản, đồng thời xây dựng cơ chế đãi ngộ hợp lý về tiền lương, thưởng, nhà ở và các phúc lợi khác nhằm tăng sức hút cho ngành kỹ thuật.

 Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang chế tạo Robocon phục vụ cuộc thi sáng tạo kỹ thuật. Ảnh: NTCC.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang chế tạo Robocon phục vụ cuộc thi sáng tạo kỹ thuật. Ảnh: NTCC.

Cùng quan điểm, Trưởng khoa, Khoa kỹ thuật Hóa học, Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ đánh giá, phương án 2 là lựa chọn phù hợp hơn với định hướng phát triển nhân lực quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Phương án này bao quát cả các ngành kỹ thuật truyền thống lẫn các ngành công nghệ mới, phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn về nhân lực cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều lĩnh vực công nghiệp trọng điểm vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ. Các ngành này giữ vai trò cốt lõi trong phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng, năng lượng và công nghiệp chế biến – chế tạo tại các địa phương và khu công nghiệp đang phát triển mạnh.

Ngoài ra, về chính sách học bổng, học viên cao học, nghiên cứu sinh có kết quả học tập loại xuất sắc được cấp học bổng 100% học phí, nhóm giỏi và khá, học bổng lần lượt là 70% và 50% cũng là bước tiến tích cực nhằm tạo động lực học tập và ghi nhận nỗ lực của người học. Tuy nhiên, để thực sự công bằng và hiệu quả trong việc thu hút, cần xem xét kỹ hơn cách đánh giá và áp dụng tiêu chí.

Hiện nay, việc phân loại học lực theo điểm số (xuất sắc, giỏi, khá) giữa các trường, các ngành trong cùng một trường, có sự chênh lệch nhất định về độ khó và tiêu chuẩn đánh giá. Do đó, nếu chỉ dựa trên thang điểm tuyệt đối, chính sách học bổng này có thể chưa phản ánh đúng thực lực và nỗ lực của sinh viên trong từng môi trường học tập cụ thể.

Vì vậy, nên cân nhắc áp dụng tỷ lệ học bổng dựa trên vị trí trong lớp học hoặc nhóm ngành, tức là xét theo thứ hạng tương đối của người học trong một tập thể. Cách làm này vừa đảm bảo công bằng, vừa tránh tình trạng chạy theo thành tích hoặc làm "đẹp điểm" để giành học bổng.

Bên cạnh đó, để tăng tính toàn diện và khuyến khích phát triển năng lực thực tiễn, chính sách học bổng nên mở rộng tiêu chí xét chọn như thành tích nghiên cứu khoa học; tham gia các cuộc thi học thuật, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; những đóp góp trong hoạt động cộng đồng, phát triển kỹ năng mềm hoặc hợp tác với doanh nghiệp.

Còn theo Tiến sĩ Quách Đức Cường, trong lĩnh vực kỹ thuật then chốt, mức hỗ trợ nên ưu tiên theo phương án 2. Đây là những lĩnh vực có sự liên ngành phục vụ trực tiếp thực tiễn sản xuất.

Thực tế cho thấy, đầu vào của các ngành này thường có điểm số cao, đồng nghĩa với chất lượng người học tương đối tốt. Việc ưu tiên hỗ trợ cho nhóm ngành có đầu vào chất lượng sẽ giúp nâng cao hiệu quả đầu tư về lâu dài. Đồng thời, nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực này đang tăng mạnh, nên việc tập trung nguồn lực không chỉ phù hợp với xu thế phát triển mà còn đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường lao động.

Ngoài hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt, để thực sự thu hút người học và tạo động lực bền vững cho việc theo đuổi các ngành trong lĩnh vực kỹ thuật then chốt, cần có thêm các chính sách đồng bộ và toàn diện hơn.

Cụ thể, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, tập đoàn lớn như VinGroup, Viettel... Những đơn vị này có thể tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo, hỗ trợ học bổng, thực tập cũng như định hướng nghề nghiệp cho người học.

“Sự đồng hành của doanh nghiệp với nhà trường ngay từ đầu giúp người học tiếp cận sớm với thực tiễn nghề nghiệp, từ đó hình thành động lực rõ ràng trong quá trình học tập. Mô hình này không chỉ tạo ra môi trường đào tạo sát với nhu cầu xã hội, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai”, thầy Cường nhấn mạnh.

Khánh Hòa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/muon-thu-hut-sv-hoc-ky-thuat-then-chot-can-nang-muc-ho-tro-thay-vi-363-trieuthang-post252343.gd
Zalo