Muối ớt Tây Ninh - Từ món ăn dân dã đến di sản văn hóa quốc gia

Tây Ninh là tỉnh giáp biên giới Campuchia, không chỉ được biết đến với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, các di tích văn hóa, tôn giáo đặc sắc như Tòa Thánh Cao Đài, núi Bà Đen,… mà còn nổi tiếng với nền ẩm thực dân dã, đậm đà bản sắc địa phương. Bên cạnh bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, muối ớt Tây Ninh - hay còn gọi là muối tôm đã trở thành một đặc sản mang tính định danh của vùng đất đầy nắng gió này.

Quy trình sản xuất muối ớt Tây Ninh vẫn giữ nguyên tính thủ công, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và gìn giữ hương vị truyền thống của địa phương

Quy trình sản xuất muối ớt Tây Ninh vẫn giữ nguyên tính thủ công, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và gìn giữ hương vị truyền thống của địa phương

Hương vị từ hậu phương thời chiến

Nghề làm muối ớt ở Tây Ninh không đơn thuần là một nghề truyền thống, mà còn gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc. Theo lời kể của nhiều nghệ nhân lớn tuổi, muối ớt Tây Ninh ra đời trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khi ấy, ở hậu phương, các bà, các mẹ đã chế biến muối ớt, muối tôm để gửi ra chiến trường tiếp tế cho chồng con. Những hũ muối đơn sơ ấy không chỉ góp phần làm phong phú bữa ăn nơi chiến trận mà còn là biểu tượng của tình cảm, sự kết nối giữa hậu phương và tiền tuyến đầy xúc động.

Sau ngày đất nước thống nhất, muối ớt tiếp tục được duy trì và cải tiến về hương vị cũng như cách chế biến. Từ một sản phẩm làm trong gia đình, muối ớt dần trở thành món quà quê dân dã, thường được khách hành hương mang về sau mỗi lần viếng núi Bà Đen, thăm Tòa Thánh… Vị cay nồng của ớt tỏi, vị mằn mặn của muối, cùng hương thơm béo bùi từ tôm khô… đã chinh phục khẩu vị của thực khách khắp mọi miền.

Từ món ăn kèm đến thương hiệu ẩm thực

Muối ớt Tây Ninh có thể dùng để chấm hoa quả, ăn kèm bánh tráng cuốn, hoặc làm gia vị ướp cho các món nướng, kho, chiên… Sự linh hoạt trong cách sử dụng khiến loại gia vị này dần trở thành "người bạn đồng hành" quen thuộc trong căn bếp của nhiều gia đình, không chỉ ở Nam Bộ mà còn lan rộng ra khắp cả nước.

Điều đặc biệt làm nên sự khác biệt của muối ớt Tây Ninh chính là quy trình chế biến công phu. Thành phần chính gồm muối hột, tôm khô, ớt tươi, tỏi, đường và một số gia vị khác được lựa chọn kỹ lưỡng, sau đó chế biến theo bí quyết riêng, tạo nên hương vị hài hòa, đậm đà mà không nơi nào có được. Mỗi cơ sở sản xuất có công thức riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho thị trường muối ớt, nhưng điểm chung vẫn là giữ gìn hương vị truyền thống của quê hương.

Hiện nay, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh có 37 cơ sở sản xuất muối ớt đã đăng ký thương hiệu và hoạt động chính thức, tập trung chủ yếu tại các địa phương như Gò Dầu, Trảng Bàng, Hòa Thành và phường Tây Ninh… Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở nhỏ lẻ hoạt động theo hình thức hộ gia đình, góp phần tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho hàng trăm lao động địa phương.

Vinh danh một di sản văn hóa

Với những giá trị đặc trưng về văn hóa, lịch sử và kinh tế, nghề làm muối ớt Tây Ninh đã chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 230/QĐ-BVHTTDL do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 14/2/2023. Đây là sự ghi nhận xứng đáng đối với công lao của nhiều thế hệ người dân Tây Ninh trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống.

Muối ớt Tây Ninh không đơn thuần là một loại gia vị. Đó là kết tinh của lao động cần cù, của sự sáng tạo không ngừng, và cả những lớp ký ức thấm đẫm tình nghĩa hậu phương thời chiến. Trải qua nhiều biến động, muối ớt vẫn giữ được bản sắc riêng, trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân Tây Ninh mà còn là một nét đột phá đặc sắc trong bản đồ ẩm thực Việt Nam.

Trà Bình

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/muoi-ot-tay-ninh-tu-mon-an-dan-da-den-di-san-van-hoa-quoc-gia-a29545.html
Zalo