Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.
Dù chưa kết thúc năm 2024, song tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đã vượt kỷ lục 732 tỷ USD của năm 2022 đạt 747,13 tỷ USD tính đến ngày 15/12.
Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã ghi nhận kim ngạch kỷ lục hơn 10 năm là gạo với 5,5 tỷ USD (tăng 21,4%); cà phê với 5,19 tỷ USD (tăng 32,3%) và hạt điều với 4,15 tỷ USD (tăng 19,7%).
Cùng với đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã về đích như mục tiêu đề ra. Cụ thể, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây cũng tổ chức "Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024".
Ngành gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng trưởng ngoạn mục khi ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt trên 16,2 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023 và vượt 13,1% so với kế hoạch năm 2024.
Trong khi đó, thay vì phải đi tìm kiếm đơn hàng hàng tuần, hàng tháng như năm trước, xuất khẩu ngành dệt may dự kiến về đích 44 tỷ USD trong năm như đề ra, tăng 11,26% so với năm ngoái.
Tổng cục Hải quan dự báo đến hết năm 2024, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt trên 782 tỷ USD – một mốc kỷ lục mới. Với mốc kỷ lục dự kiến này, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng hơn 2 lần trong 10 năm.
Nhìn nhận kết quả này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, từ việc thiếu đơn hàng trong năm 2023, các doanh nghiệp trong nước đã thay đổi, thích ứng và tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu để có thể ký kết được các đơn hàng với các quốc gia mà Việt Nam có các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Do đó, việc xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục nằm trong dự báo của các cơ quan quản lý khi mà từ đầu năm tỷ lệ các đơn hàng hàng ký kết được cao hơn so với với năm trước.
“Quá trình xanh hóa và số hóa trong doanh nghiệp vừa tiết kiệm được chi phí, vừa đáp ứng yêu cầu cao hơn của thị trường, từ đó mở rộng được thị trường xuất khẩu”, ông Thịnh nêu rõ.
Đồng tình với quan điểm ngày, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong bối cảnh hết sức khó khăn từ môi trường bên ngoài và sự phục hồi kinh tế thế giới diễn ra chưa đủ mạnh, kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục với mức tăng mạnh mẽ 14 - 15% là một động lực góp phần cho mục tiêu tăng trưởng cao trên dưới 7%.
“Cùng với các ngành chế biến chế tạo phục hồi tích cực, nông sản Việt Nam cũng đã tiếp tục tạo ra mức giá trị tốt với mức xuất khẩu đạt kỷ lục”, ông Thành nhấn mạnh.
Những vấn đề “cố hữu”
Tuy vây, vị chuyên gia này cũng cho rằng, xuất khẩu Việt Nam vẫn đối mặt với những vấn đề “cố hữu” liên quan đến năng lực cạnh tranh như giá trị gia tăng chưa cao của nghiều ngành hàng chưa cao hay đóng góp vào xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn còn thấp.
Ngoài ra, dù đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua việc ký kết nhiều các FTA, song thời gian gần quá trình này bị trường yếu đi và các sản phẩm xuất khẩu lại tập trung vào một vài thị trường lại tăng lên.
Đáng quan ngại, những khó khăn này sẽ có thể gia tăng trong năm 2025, khi nhiều nền kinh tế thế giới - những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.
Do đó, ngay cả việc đặt mục tiêu xuất khẩu năm tới là 12% - dù thấp hơn con số của năm nay nhưng cũng phải nỗ lực rất lớn.
“Bên cạnh khai thông thị trường, tiếp tục vượt qua khó khăn, nâng cao nâng lực cạnh tranh, khéo léo trong quan hệ đối tác cho xuất khẩu thì Chính phủ cần hỗ trợ cho lực lượng doanh nghiệp nội địa để có thể ứng phó với những rủi ro có thể có liên quan đến yếu tố bên ngoài mà đã góp phần quan trọng trong tăng trưởng trong 2024”, ông Thành lưu ý.
Ở góc nhìn tích cực, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lại cho rằng, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.
Ngay cả khi ông Donald Trump thực hiện lời hứa khi tranh cử là sử dụng thuế quan để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, với mức thuế lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 20% đối với nhập khẩu từ các nước khác, vị chuyên gia này cũng cho rằng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, linh phụ kiện điện tử, máy tính, … vẫn có lợi thế khi có giá thành thấp hơn Trung Quốc, do đó có thể chiếm lĩnh một phần thị phần tại đây.
Ngoài ra, kinh tế thế giới đã phục hồi tốt hơn so với dự báo trước đó, lạm phát cũng đã giảm về gần mục tiêu mà nhiều Chính phủ đặt ra. Vì vậy, nhiều nước cũng đã hạ lãi suất cơ bản, như Mỹ hạ lãi suất liên tiếp hai lần về 4,5 - 4,75%, hay Liên minh châu Âu (EU) cũng ba lần hạ lãi suất trong năm về mức 3,25%.
“Việc lãi suất giảm đồng USD, EURO vẫn có xu hướng trong năm tới, đồng nghĩa với việc các nhà nhập khẩu Mỹ, EU có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, hỗ trợ mạnh cho xuất khẩu của Việt Nam”, ông Thịnh nhìn nhận.