Mức đóng, hưởng BHYT tăng giảm thế nào sau tăng lương cơ sở từ 1-7

Từ 1-7-2024, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/ tháng kéo theo mức đóng và mức hưởng BHYT cũng được điều chỉnh theo.

Mức đóng BHYT hộ gia đình điều chỉnh tăng

Với BHYT hộ gia đình, theo điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018, mức đóng hằng tháng sẽ căn cứ theo mức lương cơ sở mới.

Theo đó, người thứ 1 đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ 1. Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ 1.

 Mức đóng BHYT hộ gia đình tăng sau khi tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2024.

Mức đóng BHYT hộ gia đình tăng sau khi tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2024.

Về giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định được thực hiện ngay từ người thứ 2 trở đi, có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú, hoặc tạm trú tại TP.HCM theo Luật Cư trú 2020, tham gia BHYT hộ gia đình, hoặc trong danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo, cơ sở bảo trợ xã hội quy định cùng tham gia trong năm tài chính.

Về phương thức đóng BHYT, người dân có thể đóng 1 lần cho 3 tháng, 6 tháng, hoặc 12 tháng tại nơi có dịch vụ thu BHXH, BHYT.

Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia không phải đóng bổ sung, không hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT.

Mức hưởng BHYT tăng theo

Từ 1-7, người có BHYT vào viện hoặc bắt đầu đợt điều trị trước ngày 1-7 nhưng ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị từ ngày 1-7, đi khám chữa bệnh đúng quy định của Luật BHYT có chi phí cho một lần dưới 351.000 đồng (15% mức lương cơ sở) thì được BHYT chi trả 100%.

 Mức thanh toán BHYT trực tiếp trước và sau tăng lương cơ sở từ ngày 1-7 với các trường hợp cụ thể.

Mức thanh toán BHYT trực tiếp trước và sau tăng lương cơ sở từ ngày 1-7 với các trường hợp cụ thể.

Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở, tức 105,3 triệu đồng thay vì 81 triệu đồng như trước 1-7. Trường hợp người bệnh vào viện từ ngày 1-7 thì không vượt quá 105,3 triệu đồng.

Người bệnh vào viện hoặc bắt đầu đợt điều trị trước ngày 1-7 nhưng ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị sau ngày 1-7 thì mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật được xác định tại ngày kết thúc. Chi phí được tính theo hai thời điểm, trước 1-7 là 81 triệu đồng và sau 1-7 là 105,3 triệu đồng.

G.THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/muc-dong-huong-bhyt-tang-giam-the-nao-sau-tang-luong-co-so-tu-1-7-post798836.html
Zalo