Mua, thuê nhà ở xã hội: Vẫn là điều không dễ
Được ở trong những căn hộ sạch sẽ, khang trang, đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, có không gian vui chơi cho con trẻ, gần các tiện ích trường học, trạm y tế... là mong muốn của hầu hết công nhân, người lao động (CN, NLĐ) thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở ổn định để 'an cư lạc nghiệp'. Tuy nhiên, việc mua, thuê nhà ở xã hội với nhiều CN, NLĐ vẫn là điều không dễ. Cùng với đó, ngay cả với các doanh nghiệp đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cũng gặp không ít khó khăn.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (quê xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc) xuống TP Thanh Hóa lập nghiệp đã được 12 năm. Anh làm nhân viên cho một cửa hàng xăng dầu, vợ làm công nhân trong Khu Công nghiệp (KCN) Tây Bắc Ga. Thu nhập 2 vợ chồng mỗi tháng được gần 15 triệu đồng. Gia đình có hai con nhỏ, cháu lớn học lớp 6, cháu nhỏ học lớp 1. Mỗi tháng, trừ mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống, tiền học của con, số tiền tiết kiệm của gia đình anh chỉ còn được dăm triệu. Sau nhiều năm thuê trọ, mới đây do điều kiện khó khăn, gia đình anh được người họ hàng cho mượn căn nhà đã cũ rộng chừng 35m2 trong một hẻm nhỏ ở phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) để ở nhờ.
“Đợt nào chẳng may con ốm thì tiền thuốc men có khi hết luôn cả tháng để dành tiết kiệm. Mấy năm trước, từ số tiền tiết kiệm ít ỏi, cộng với bố mẹ, anh em cho vay, vợ chồng tôi cố mua được mảnh đất trong ngõ nhỏ diện tích hơn 50m2, đến cuối năm ngoái mới trả hết nợ. Nhưng với tình hình kinh tế như hiện nay, nếu vay mượn để xây nhà thì e chừng khó. Mới đây, tôi cũng có tham khảo một số dự án nhà ở xã hội trong thành phố nhưng thấy giá bán từ 6, 700 triệu cho đến cả tỷ. Còn giá cho thuê cũng dao động từ 3 - 5 triệu đồng/căn/tháng, số tiền này quả thực là lớn so với thu nhập hiện tại của gia đình tôi. Trong khi đó, cuộc sống vẫn còn nhiều thứ phải lo”.
Tương tự, vợ chồng anh Lê Văn Tiến chị Nguyễn Thị Oanh (quê xã Thanh Thủy, thị xã Nghi Sơn) cũng đã ra TP Thanh Hóa lập nghiệp gần 10 năm. Suốt nhiều năm, gia đình anh chị với 4 người phải thuê trọ tại căn phòng rộng hơn 10m2 tại phường Đông Hải. Chị Nguyễn Thị Oanh, chia sẻ: “Tôi làm CN tại KCN Lễ Môn, thu nhập hiện tại tính cả tăng ca và các khoản phụ cấp, mỗi tháng được gần 10 triệu đồng, còn chồng là lao động tự do, thu nhập không ổn định, hai con đều đang nhỏ. Làm một phép tính đơn giản, với giá nhà ở xã hội như hiện nay khoảng trên 700 triệu cho một căn diện tích khoảng 60m2 thì số tiền tiết kiệm đủ để mua sẽ phải hàng chục năm. Tính là vậy, nhưng vợ chồng lấy nhau đã 10 năm rồi, dù ăn tiêu dè sẻn cũng chưa thể để dành được một khoản nào đáng kể. Còn nếu đi thuê nhà ở xã hội, chỗ giá cả vừa phải, hợp túi tiền thì không còn, chỗ còn thì giá lại cao. Với một gia đình CN lao động thu nhập thấp, việc bỏ ra khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng để thuê căn hộ nhà ở xã hội cũng là điều phải tính toán”.
Câu chuyện của gia đình anh Thắng, anh Tiến cũng là nỗi lòng của nhiều gia đình CN, NLĐ ước mong sở hữu nhà ở hiện nay. Ông Lê Trung Văn, Trưởng Ban Tổ chức Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, cho biết: “Theo thống kê, nắm bắt của LĐLĐ tỉnh, trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có khoảng 400.000 CN, viên chức, NLĐ thuộc các cơ quan, doanh nghiệp (có tổ chức công đoàn), trong đó, số lượng CN, NLĐ làm việc tại các công ty, doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao, tập trung đông ở các KCN lớn quanh khu vực TP Thanh Hóa, như: KCN Hoàng Long; KCN Tây Bắc Ga; KCN Lễ Môn... Nhu cầu nhà là khá lớn, song việc tiếp cận, mua, thuê nhà ở xã hội của CN, NLĐ hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, giá nhà bán và cho thuê phần nhiều vẫn còn khá cao so với thu nhập của CN, NLĐ”.
Đồng quan điểm, ông Vũ Trần Thanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh cũng cho rằng: “Bên cạnh một số doanh nghiệp có mức lương khá thì phần đa CN, NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp giày da, may mặc trên địa bàn tỉnh có thu nhập bình quân trong khoảng từ 6 đến trên 8 triệu đồng/người/tháng. Trừ đi các khoản chi phí thì NLĐ ở xa không còn bao nhiêu. Vì vậy, CN, NLĐ có thu nhập thấp không có nhiều lựa chọn về việc mua, thuê nhà”.
Dự án nhà ở xã hội cho CN KCN Lễ Môn với 2 tòa nhà 5 tầng là một trong những dự án nhà ở xã hội dành cho CN sớm đi vào sử dụng trên địa bàn tỉnh. Trong tổng số 136 căn có 9 căn cho thuê, 127 căn đã bán hết. Diện tích mỗi căn dao động từ 28,5m2 đến 60m2, giá cho thuê dao động từ 1,5 đến khoảng gần 3 triệu đồng/tháng/căn; giá bán trung bình gần 8 triệu đồng/m2. Với giá bán và cho thuê như vậy, dự án nhà ở xã hội cho CN KCN Lễ Môn phù hợp với nhiều đối tượng CN, NLĐ có thu nhập thấp, tuy nhiên số lượng căn hộ lại không nhiều, ông Vũ Hồng Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Thanh Hóa, đại diện chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho CN KCN Lễ Môn cho biết.
Cũng theo ông Vũ Hồng Sơn, nhà ở xã hội, nhà ở cho CN là một trong những vấn đề về an sinh xã hội được Nhà nước quan tâm. Đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho CN cần được khuyến khích, tạo điều kiện. Thực tế, đối với một dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho CN hiện nay cần khá nhiều thời gian, doanh nghiệp phải trải qua nhiều thủ tục hành chính. Chưa kể, giá bán nhà ở xã hội cũng là một trong những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà. Ví dụ như việc định giá bán căn cứ vào thời điểm hình thành dự án, tuy nhiên thời gian dự án hoàn thành, đi vào sử dụng mất khá lâu (thường là trên 5 năm). Nếu như lúc đó doanh nghiệp tăng giá bán thì sẽ vi phạm các thỏa thuận, nếu không tăng giá thì sẽ phải đối diện với bài toán lợi nhuận. Chưa kể “sức ép” từ các khoản vay từ các ngân hàng khiến các chủ đầu tư gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay, ưu đãi từ cả phía chủ đầu từ và người vay mua nhà ở xã hội đều không dễ dàng.
Và thực tế, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ khi triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở CN, cải tạo chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội được chấp thuận cho vay vốn: Dự án nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa), số tiền đã giải ngân là 10 tỷ đồng.
Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, CN KCN giai đoạn 2021-2030” của Thủ tướng Chính phủ, Thanh Hóa được giao chỉ tiêu phải hoàn thành ít nhất 13.787 căn hộ nhà ở xã hội. UBND tỉnh đã đề ra kế hoạch với 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2021-2025) xây dựng khoảng 6.287 căn hộ; giai đoạn 2 (2026-2030) là 7.500 căn hộ. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện có 13 dự án đang triển khai thực hiện và 14 dự án thực hiện lựa chọn chủ đầu tư mới. Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành 1.817 căn hộ/tổng 13.787 căn hộ theo chỉ tiêu.
Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả. Trong đó, đã có 14 dự án nhà ở xã hội, nhà ở CN được đưa vào sử dụng với khoảng 5.478 căn hộ. Có một số dự án nhà ở xã hội cho CN làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài các KCN, như: nhà ở xã hội cho CN KCN Lễ Môn; khu nhà ở CN Công ty Delta tại xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa; nhà ở CN KCN và đô thị Hoàng Long, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa...
Vấn đề đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua được Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm. Song thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại không ít khó khăn đối với chủ đầu tư dự án và cả người mua nhà.
Thanh Hóa là một trong những địa phương “đi trước, làm trước” trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở CN. Bên cạnh những kết quả đạt được, cho đến thời điểm hiện tại, việc hiện thực hóa “giấc mơ” có nhà của nhiều CN, NLĐ có thu nhập thấp, thực tế vẫn còn không ít khó khăn.