Mua sắm trực tuyến tăng mạnh dịp Black Friday năm nay

Chi tiêu trong dịp Black Friday năm nay tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống của Mỹ khá mờ nhạt, trái ngược với sự tăng trưởng mạnh mẽ của mua sắm trực tuyến.

Người tiêu dùng mua sắm dịp Black Friday tại New York, Mỹ ngày 29/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Người tiêu dùng mua sắm dịp Black Friday tại New York, Mỹ ngày 29/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo dữ liệu từ Mastercard và các nhà cung cấp dữ liệu khác, người tiêu dùng Mỹ săn hàng giảm giá đã “phớt lờ” các cửa hàng truyền thống để chuyển sang mua sắm trực tuyến qua điện thoại và máy tính xách tay.

Theo ước tính sơ bộ của công ty xử lý thanh toán Mastercard, doanh thu tại các cửa hàng truyền thống trong dịp này chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước và theo dữ liệu của công ty Facteus thì thậm chí còn thấp hơn. Trong khi đó, doanh thu thương mại điện tử của Mỹ tăng mạnh 14,6%, theo Mastercard SpendingPulse, một thước đo doanh số bán lẻ của Mỹ trên toàn mạng lưới thanh toán Mastercard kết hợp với thanh toán bằng tiền mặt và séc.

Công ty dữ liệu Facteus dự kiến rằng doanh thu bán hàng trực tuyến của Mỹ tăng 11,1% và doanh thu tại cửa hàng giảm 5,4%. Tuy nhiên, khi tính đến yếu tố lạm phát, con số doanh thu bán hàng trực tuyến tăng 8,5% và tại cửa hàng là 8%.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu Michelle Meyer tại Viện Kinh tế Mastercard lưu ý rằng mặc dù lạm phát chung đang ở mức trên 2%, nhưng các mặt hàng phổ biến liên quan đến kỳ nghỉ lễ như đồ gia dụng, quần áo, đồ thể thao, sản phẩm chăm sóc cá nhân và đồ trang sức… hoặc giảm giá hoặc chỉ tăng giá nhẹ.

Tại các chuỗi cửa hàng bách hóa như Macy's và Kohl's, cũng như nhà bán lẻ lớn Target, doanh số bán hàng có thể sụt giảm trong mùa mua sắm này, vì thời gian giữa Lễ Tạ ơn và Giáng sinh chỉ là 26 ngày. Theo Facteus, doanh số bán hàng tại Best Buy và Target tại thờ điểm này tương đối ổn định so với cùng kỳ năm trước.

Người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng mua sắm trực tuyến mạnh mẽ qua điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính để bàn và các thiết bị khác. Điều này đã mang lại lợi thế cho các “đại gia” thương mại điện tử như Amazon.com và Walmart. Walmart với hệ thống 4.700 cửa hàng tại Mỹ, đã đầu tư mạnh vào dịch vụ giao hàng tận nơi cho khách hàng mua sắm trực tuyến.

Theo Facteus, các nhà bán lẻ thương mại điện tử khác như Shein, Temu của PDD và TikTok Shop (thuộc ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh) cũng cho thấy mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ trong 7 ngày tính đến thứ Sáu (29/11) so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu của Mastercard SpendingPulse (không bao gồm doanh số bán ô tô và chưa điều chỉnh theo lạm phát), tổng chi tiêu của người Mỹ vào thứ Sáu (29/11) đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo chi tiêu tại các cửa hàng và trên nền tảng kinh doanh trực tuyến từ ngày 1/11 đến ngày 24/12 sẽ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Một thống kê của Adobe Inc vừa công bố cũng cho thấy người Mỹ đã chi khoảng 10,8 tỷ USD cho mua hàng trực tuyến vào thứ Sáu (29/11), tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ phẩm, loa Bluetooth và máy pha cà phê espresso là những mặt hàng bán chạy nhất, công ty cho biết. Adobe theo dõi các thiết bị sử dụng phần mềm của mình để hỗ trợ hơn 1.000 tỷ lượt truy cập vào các trang web bán lẻ của Mỹ.

Riêng công ty Salesforce, chuyên cung cấp dịch vụ phần mềm điện toán đám mây và phần mềm cho doanh nghiệp xã hội có trụ sở tại bang San Francisco ước tính rằng, doanh thu bán hàng trực tuyến của Mỹ tăng 7% vào thứ Sáu (29/11) lên 17,5 tỷ USD. Người tiêu dùng đã mua sắm nhiều đồ gia dụng và nội thất trên các nền tảng trực tuyến hơn. Công ty cho biết họ đã phân tích hoạt động của hơn 1,5 tỷ người mua sắm trên toàn cầu.

Vân Anh (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/mua-sam-truc-tuyen-tang-manh-dip-black-friday-nam-nay/355220.html
Zalo