Mưa lớn làm chia cắt nhiều vùng ở miền Trung
Mưa lũ làm chia cắt nhiều bản, làng tại tỉnh Quảng Bình và ngập lụt tại vùng hạ du sông Bồ, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trưa ngày 2/12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình (Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm PTDS tỉnh) cho biết, từ 0h ngày 1/12 đến 10h ngày 2/12, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to như Hồ Thác Chuối 285,2 mm, TV Trường Sơn 242 mm.
Mực nước lúc 10h ngày 2/12 tại sông Kiến Giang 8,06 m trên báo động 1 khoảng 0,06 m, Lệ Thủy 1,71 m trên báo động 1 khoảng 0,51 m, Đồng Hới 1,14 m trên BĐI 0,14 m. Mực nước các sông còn lại đang dưới báo động I.
Về tình hình ngập lụt, chia cắt, cập nhật đến 10h hôm nay tại huyện Bố Trạch, Quốc lộ 15 xã Hưng trạch, đường vào ngầm Bùng Km562+200 ngập 1÷1,2 m, mặt ngầm ngập khoảng 0,4÷0,6 m, đơn vị chức năng đã đóng chốt barie cấm người và phương tiện qua lại.
Tại ngầm Cà Roòng xã Thượng Trạch nước dâng cao khoảng 0,5 m; đường vào thôn Hà Môn, xã Cự Nẫm ngập 0,5 m; tại ngầm Bến Tróc, xã Phúc Trạch ngập 1 m. Lực lượng chức năng đã đặt biển và cử người chốt chặn tại các điểm.
Tại huyện Quảng Ninh: Đường vào các bản Ploang, Zin Zin, Dóc Mây, Trung Sơn xã Trường Sơn huyện Quảng Ninh nước dâng cao từ 0,5 – 0,8 m; làm chia cắt 4 bản; người và phương tiện không qua lại được.
Đường vào thôn, bản Khe Dây, Hàng Chuồn-Nà Lâm, Trường Nam xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh bị chia cắt; người và phương tiện không qua lại được.
Về thiệt hại, tại Km 34+500 trên đường 16, đoạn đi qua bản Mít Cát/xã Kim Thủy xảy ra sạt lở khoảng 30 m3 đất đá, đã khắc phục được một phần, người và phương tiện qua lại được (địa bàn Đồn Biên phòng Làng Mô).
Đường tỉnh 558C, tại Km10+600, đá từ mái taluy dương sụt trượt xuống mặt đường gây ách tắc giao thông. Đơn vị đang bố trí nhân lực hốt dọn đảm bảo giao thông. Tuyến đường liên xã Mai Hóa - Ngư Hóa bị sạt lở, hiện tại đang xử lý hót dọn đảm bảo giao thông.
Một diễn biến khác, lúc 22h ngày 29/11 tàu QNg-98024-TS/03TV do ông Nguyễn Sỹ Bảy (1969) ở xã Phổ Thạnh/huyện Sa Huỳnh/ tỉnh Quảng Ngãi là chủ tàu, khi đang trên hành trình vào Cảng La do thời tiết gió mạnh kết hợp với sương mù không quan sát được nên đã đâm vào rạn đá sau đảo La; hậu quả tàu bị phá và chìm.
Đồn Biên phòng Roòn triển khai lực lượng (5 người/1 tàu) phối hợp với ngư dân Quảng Đông tổ chức cứu nạn tàu QNg-98024-TS với 3 thuyền viên. Kết quả đã cứu được 3 thuyền viên đảm bảo an toàn.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN kiêm PTDS tỉnh Quảng Bình thông tin, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 153 hồ chứa thủy lợi, bình quân đạt hơn 95,2% dung tích thiết kế.
Hiện các địa phương, đơn vị tại khu vực bị ngập tổ chức lực lượng túc trực chốt chặn ở các tuyến đường/ngầm bị ngập sâu; tổ chức khắc phục nhanh các điểm bị sạt lở đất đá.
Lũ sông Bồ lên báo động 3 gây ngập vùng hạ du
Sáng 2/12, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ 7h ngày 1/12 đến 7h ngày 2/12, tại huyện A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc đã có mưa rất to với lượng mưa từ 130 đến 300 mm, riêng Tà Lương 316,8 mm; các nơi khác có mưa vừa, mưa to, có nơi rất to, phổ biến từ 20-150 mm.
Mưa lớn khiến lượng nước đổ về hồ thủy điện Hương Điền tăng nhanh, lúc 4h sáng 2/12, lưu lượng lớn nhất đến hồ là trên 2.500 m3/s, lưu lượng lớn nhất về hạ du trên 2.500 m3/s; đến 7h sáng 2/12, lưu lượng đến hồ 1.988 m3/s, lưu lượng về hạ du 1.988 m3/s. Hiện hồ đã đạt mực nước dâng bình thường +58m không còn khả năng tham gia giảm lũ cho hạ du sông Bồ.
Lũ trên sông Bồ đã đạt đỉnh với đỉnh lũ lúc 7h10' ngày 2/12 là 4,42 m, dưới báo động 3 là 0,08 m, hiện tại đang xuống chậm. Cập nhật đến 13h ngày 2/12, mực nước trên sông Bồ giảm còn dưới báo động 2, sông Hương dưới báo động 1.
Trong sáng sớm ngày 2/11, nước lũ sông Bồ lên nhanh đã làm ngập lụt tại một số địa phương vùng hạ du như Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà….
Nước ngập nhiều khu dân cư, gây ách tắc giao thông một số tuyến như tỉnh lộ, đường liên xã ở Quảng Phú, Quảng Phước (Quảng Điền); Phong An, Phong Sơn (Phong Điền) và tại một số địa phương của thị xã Hương Trà.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, Ban Chỉ huy đã yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, ven sông suối, vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, mưa lũ. Phân công lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt. Bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực ngầm tràn khi xảy ra mưa lũ.