Mưa lớn kéo dài, sẵn sàng sơ tán 370 nghìn người dân miền Trung
Mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Các địa phương cần khẩn trương rà soát các khu vực không bảo đảm an toàn để chủ động sơ tán dân. Đặc biệt, khi lũ trên báo động 3 (BĐ), các địa phương cần đưa 260 nghìn người tại vùng nguy cơ ngập úng và hơn 110 nghìn người tại vùng nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên đề nghị các địa phương chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ trong 1 tuần tới.
Sáng 9/11, tại cuộc họp ứng phó mưa lũ tại miền Trung, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, khu vực Trung Bộ đang có mưa to, đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Một số trạm có lương mưa đặc biệt lớn như: Huế (T.T.Huế) 256mm; Hồ Khe Ngang (T.T.Huế) 220mm; Thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) 397mm; Trà Giáp (Quảng Nam) 389mm; Trà Kót (Quảng Nam) 385mm; Ba Điền (Quảng Ngãi) 403mm; Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) 372mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 353mm; An Nghĩa (Bình Định) 213mm; Trong Thượng (Bình Định) 198mm.
Theo ông Lâm, dự báo từ ngày 9-14/11, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, phía Bắc Quảng Nam và Khánh Hòa mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 400mm; khu vực từ phía Nam Quảng Nam đến Phú Yên mưa phổ biến 350-650mm, có nơi trên 800mm.
Từ ngày 15/11, mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai mực nước lúc 5h ngày 9/11 của một số sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã đạt mức BĐ1. Riêng sông Vệ đạt mức trên BĐ3.
Từ ngày 9 -15/11, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ; đỉnh lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2. Các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai nhận định diễn biến mưa lũ tại khu vực miền Trung còn rất phức tạp; nhất là khi các tỉnh vừa trải qua đợt mưa lũ hồ tháng 10/2021. Do đó các địa phương cần chủ động ứng phó cao nhất trên tinh thần không chủ quan, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ trong 1 tuần tới.
Lãnh đạo ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh miền Trung khẩn trương rà soát các khu vực không bảo đảm an toàn, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán dân.
Theo đó, khi lũ trên BĐ3, các địa phương cần sơn tán 65.729 hộ/258.444 khẩu tại vùng nguy cơ ngập úng, và 26.743 hộ/110.560 khẩu tại vùng nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Ông Trần Quang Hoài đề nghị khi thực hiện sơ tán, các địa phương cần phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, các địa phương có thể xem xét trích kinh phí từ quỹ phòng, chống thiên tai để trang bị đồ dùng sinh hoạt tại nơi sơ tán, phân bố nhu yếu phẩm bảo đảm đầy đủ cho người dân trong trường hợp ngập lụt kéo dài…