Mưa lớn kéo dài, lũ ở Quảng Bình - Quảng Nam lên nhanh

Với lượng mưa lớn trút xuống trong thời gian ngắn, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam được dự báo lên nhanh vào đêm 17/10 gây nguy cơ lũ quét, sạt lở, ngập lụt nhiều nơi.

Chiều 17/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát đi tin lũ khẩn cấp, cảnh báo lũ trên các sông đang lên nhanh từ phía nam Quảng Bình đến Bình Định và các sông ở Kon Tum, Gia Lai.

Tối nay, lũ trên các sông Vu Gia (Quảng Nam), các sông ở Quảng Ngãi và sông Đakbla (Kon Tum) sẽ đạt đỉnh, sau xuống dần. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức 9,4 m, trên báo động 3 là 0,4m. Lũ trên sông Trà Khúc ở mức 5,6 m, trên báo động 2 là 0,6 m.

Trong khi đó, đỉnh lũ trên sông Vệ đạt 4,5 m, tương đương báo động 3 và sông Đăk Bla tại Kon Tum đạt 520,8 m, trên báo động 3 là 0,3 m.

Đêm nay và rạng sáng mai (18/10), lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế và sông Thu Bồn (Quảng Nam) tiếp tục lên, dao động ở mức cao. Các sông còn lại ở Quảng Nam và Quảng Ngãi tiếp tục xuống.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng, thấp ven sông, khu đô thị các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.

 Mưa lớn trút xuống Thừa Thiên - Huế trong ngày 16-17/10 khiến nhiều tuyến đường ngập nặng. Ảnh: Điền Quang.

Mưa lớn trút xuống Thừa Thiên - Huế trong ngày 16-17/10 khiến nhiều tuyến đường ngập nặng. Ảnh: Điền Quang.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến 18h ngày 17/10, lượng mưa trong ngày ghi nhận được ở các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi dao động 150-350 mm. Một số nơi mưa đặc biệt lớn trên 600 mm chỉ trong hai ngày qua.

Cập nhật ban đầu từ các địa phương cho thấy mưa lũ ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã khiến 3 người chết, trong đó 2 người ở Nghệ An và 1 người ở Hòa Bình. Một người ở Quảng Trị bị mất tích.

Về giao thông, mưa lớn gây ngập cục bộ, sạt lở gây ách tắc một số vị trí đường tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum… Tổng số 705 hộ dân phải sơ tán ra khỏi khu vực ngập lụt và có nguy cơ lũ quét, sạt lở.

 Nhiều nhà dân thuộc xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), ngập sâu trong nước lũ ngày 17/10. Ảnh: Phạm Trường.

Nhiều nhà dân thuộc xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), ngập sâu trong nước lũ ngày 17/10. Ảnh: Phạm Trường.

Cùng ngày, Thủ tướng ban hành công điện gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng các bộ, ngành, địa phương từ Hà Tĩnh đến Bình Định và Tây Nguyên, yêu cầu tập trung ứng phó với mưa lũ tại khu vực.

Công điện nêu rõ theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa lớn còn tiếp diễn từ nay đến hết ngày 18/10 với tổng lượng mưa nhiều nơi dao động 150-300 mm, có nơi trên 350 mm. Mưa lớn gây nguy cơ lũ quét, sạt lở và ngập lụt nhiều nơi.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng người dân, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động rà soát, huy động lực lượng để sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là nơi bị ngập sâu, chia cắt, vùng thấp trũng ven sông suối.

Ngoài ra, người dân sống tại khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã từng xảy ra sạt lở đất, ngập lụt năm 2020 cũng cần được sơ tán. Địa phương phải bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ, không để người dân bị thiếu đói, rét.

Lực lượng chức năng thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu. Địa phương hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

Thủ tướng cũng yêu cầu bộ, ngành phối hợp các tỉnh, thành phố chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-lon-keo-dai-lu-o-quang-binh-quang-nam-len-nhanh-post1271369.html
Zalo