Mùa dọn kèo ong giữa rừng U Minh

Mùa mưa đến cũng là lúc những người dân gác kèo ong ở vùng lâm phần rừng tràm U Minh tất bật vào vụ dọn kèo, để chuẩn bị đón mùa ong mới. Ở vùng đất mà rừng tràm bạt ngàn như Ấp 13, xã Khánh An, nghề Gác kèo ong không chỉ là sinh kế mà còn là nếp nghề truyền đời, gắn bó với bao thế hệ.

Người dân xứ rừng tràm U Minh Hạ đi xuồng vào những cánh rừng tràm, băng qua cỏ sậy mới tới được nơi dọn kèo ong.

Người dân xứ rừng tràm U Minh Hạ đi xuồng vào những cánh rừng tràm, băng qua cỏ sậy mới tới được nơi dọn kèo ong.

Ông Nguyễn Thanh Hiền có hơn 30 kèo ong, buổi chiều ông chuẩn bị một số dụng cụ như: đuốc, lưới bảo vệ, bao tay... bơi xuồng len lỏi đi dọn cỏ, cắt bớt những mảng ong già, chỉ chừa lại một phần để ong phát triển thành tổ mới. Riêng những tổ ong nhỏ sẽ cắt bỏ hết.

Người đi dọn kèo ong phải dùng đuốc, lưới bảo vệ, bao tay...

Người đi dọn kèo ong phải dùng đuốc, lưới bảo vệ, bao tay...

Bình quân mỗi ngày một người dọn từ 5-10 kèo ong. Một cây kèo thường dùng tối đa 3 mùa ong (3 năm), sau khi thu hoạch, người dân thay kèo mới (bằng cây tràm núi hoặc cây bình bát), gác lại vào chỗ cũ hoặc tìm thêm một số vị trí khác trong rừng để gác kèo.

Những ổ ong nhỏ, không phát triển bị cắt bỏ, để chuẩn bị đón ong mới về làm tổ.

Những ổ ong nhỏ, không phát triển bị cắt bỏ, để chuẩn bị đón ong mới về làm tổ.

Ông Hiền cho biết: “Vào mùa mưa, tranh thủ thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch phải đi dọn bỏ những ổ ong nhỏ, ong già. Mỗi năm dọn một lần để chuẩn bị đón ong về. Nghề truyền thống mà, mình đâu bỏ được. nếu với 30 kèo, ước lượng hết mùa ong (từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 Âm lịch năm sau), cho thu hoạch khoảng 150 lít mật, có khi nhiều hơn. Mỗi lít có giá bán khoảng 500 ngàn đồng”.

Kinh nghiệm nhiều năm gác kèo, ông Nguyễn Văn Đào (ấp 13, xã Khánh An) chia sẻ: “Thông thường đuôi kèo phải cách mặt đất khoảng 1,2 m; đầu kèo cách mặt đất khoảng 1,8 m, hướng về phía mặt trời mọc”.

Thưởng thức mật ong nguyên chất trên đường đi dọn kèo ong.

Thưởng thức mật ong nguyên chất trên đường đi dọn kèo ong.

Công việc gác kèo ong và dọn kèo ong không chỉ là chuyện mưu sinh của người dân sống dưới tán rừng tràm mà còn là nghề truyền thống của người dân U Minh qua bao thế hệ được giữ gìn, duy trì. Năm 2019, nghề Gác kèo ong đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Vùng đất rừng tràm U Minh Hạ là nơi tập trung nhiều ong mật.

Vùng đất rừng tràm U Minh Hạ là nơi tập trung nhiều ong mật.

Nhật Minh thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/mua-don-keo-ong-giua-rung-u-minh-a120748.html
Zalo