Mua bán sáp nhập nhộn nhịp trở lại

Hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đã sôi động trở lại và dự báo sẽ 'nở hoa' rực rỡ vào năm 2025.

Diễn đàn "Mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam lần thứ 16 - 2024, với chủ đề "Nhộn nhịp thương vụ" vừa diễn ra chiều nay tại TP HCM do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo số liệu của Công ty Dealogic, các thương vụ M&A được công bố trên toàn cầu tính tới ngày 25-9-2024 đạt 846,8 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị thương vụ M&A tại châu Á - Thái Bình Dương tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, đạt 273 tỉ USD nhờ một số thương vụ giá trị lớn.

Riêng Việt Nam, tổng hợp từ Tập đoàn KPMG cho thấy thị trường M&A vẫn đạt tổng giá trị giao dịch 3,2 tỉ USD, với hơn 220 thương vụ, tăng 45,9%. Trong đó, giá trị trung bình của thương vụ 56,3 triệu USD và giá trị cao nhất của thương vụ là 982 triệu USD. 88% giá trị giao dịch đến từ ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp.

Theo KPMG, thị trường M&A sẽ "nở hoa" vào năm 2025, ngành bất động sản, hàng tiêu dùng, sản xuất, công nghệ sẽ rất "hot" vào năm 2025. Đặc biệt ngành tài chính sẽ trở lại, với sự tham gia nhiệt tình ngành chăm sóc sức khỏe, giáo dục. Nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ, vốn từng dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam dự kiến sẽ quay trở lại từ năm 2025.

Các diễn giả tại diễn đàn M&A

Các diễn giả tại diễn đàn M&A

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết thị trường M&A Việt Nam đang có xu hướng chậm lại. 10 tháng qua, chỉ có 2.669 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỉ USD, tương ứng giảm 10,4% về số lượt và giảm 29% về giá trị so với cùng kỳ.

"Sự trầm lắng này chỉ là vấn đề mang tính thời điểm do xu hướng chung của thị trường toàn cầu, kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch và biến động địa chính trị trên thế giới… Năm 2025,nền kinh tế Việt Nam có thể tạo đột phá, tăng tốc để về đích. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để chúng ta có thể tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, đầu tư thông qua hình thức M&A nói riêng" - Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhận định.

Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Kim Oanh Group, cho biết năm 2024, đơn vị đã hợp tác với 4 tập đoàn của Nhật Bản. Khi hợp tác với 4 đối tác Nhật Bản thì cũng gặp khó hơn, vì họ yêu cầu rất nhiều việc chi tiết, yêu cầu khó khăn mà thị trường Việt Nam chưa có.

Ông Phạm Duy Khương, luật sư điều hành, Công ty Luật ASL, cho biết may mắn khi có 70% làm việc bên mua, 30% làm việc bên bán, nên hiểu tâm tư của 2 bên. Không chỉ khách hàng Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, mà 15% khách hàng đến từ Nhật Bản.

"Sự khắt khe, chặt chẽ pháp lý của nhà đầu tư Nhật Bản là đặc trưng… Vì vậy, bên bán cần chuẩn chỉnh hồ sơ nếu có đối tác bên mua của Nhật Bản" - ông Khương nhận định.

Tin-ảnh: Sơn Nhung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mua-ban-sap-nhap-nhon-nhip-tro-lai-196241127181606295.htm
Zalo