Mua bán điện trực tiếp, không qua EVN thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh

Thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (Cơ chế DPPA) là bước tiến quan trọng để phát triển thị trường điện cạnh tranh.

Chiều 5-7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai, thực hiện Nghị định số 80 ngày 3-7-2024 quy định về cơ chế DPPA.

Toàn cảnh cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

Theo ông Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế/chính sách tiên tiến, công bằng, minh bạch, tạo động lực để thu hút nguồn vốn tư nhân trong đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như thúc đầy phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Trong khi đó, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khẳng định: "Chúng tôi cũng rất vui mừng vì Nghị định được Chính phủ ban hành rất sớm và đáp ứng được sự mong mỏi của các doanh nghiệp trong, ngoài nước. Đây là bước rất quan trọng để chúng ta có thể thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh Việt Nam".

Hiện, EVN đã tổ chức rà soát các quy trình nội bộ. Trong tháng 7 này, EVN sẽ hoàn thiện các chính sách để làm sao phù hợp với các quy định của Nghị định, cũng như các văn bản pháp luật liên quan, từ đó trong nội bộ tập đoàn, các đơn vị thành viên Tổng công ty, các Tổng công ty mua bán điện có thể triển khai được ngay.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu của đại diện một số cơ quan, đơn vị và tổ chức quốc tế đánh giá đây không chỉ là một cơ chế góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện, mà còn là cơ chế giúp khách hàng đạt được các mục tiêu sản xuất và tăng trưởng xanh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Điều tiết điện lực và Vụ Pháp chế chủ trì các đơn vị liên quan của của Bộ Công Thương ngay sau hội nghị rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các thông tư hướng dẫn thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Đồng thời, tham mưu cho các bộ ngành liên quan sửa đổi, ban hành mới các thông tư hướng dẫn, đảm bảo triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp mà Chính phủ mới ban hành không có vướng mắc và trở ngại lớn.

Cùng với đó, khẩn trương nghiên cứu đề xuất cơ chế thí điểm giá điện 2 thành phần và trình cấp có thẩm quyền ban hành trong tháng 8. Đặc biệt, nghiên cứu đề xuất cơ chế tách giá, phí truyền tải ra khỏi điện năng, vì đây là cơ chế quan hệ mật thiết với Cơ chế DPPA và phát triển điện mặt trời áp mái. Đây cũng là cơ chế quan trọng đảm bảo phát triển thị trường điện cạnh tranh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, EVN và các đơn vị trực thuộc, các bên mua bán điện cần chủ động rà soát các điều kiện về kỹ thuật để bảo đảm cơ chế này không ảnh hưởng đến an toàn lưới điện quốc gia và quá trình thực hiện Quy hoạch Điện 8.

Đồng thời, EVN cần khẩn trương tính toán các chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện trong Cơ chế DPPA, xây dựng quy trình kinh doanh, quản lý và tính toán thanh toán, hóa đơn cho Khách hàng khi tham gia cơ chế DPPA cũng như thực hiện tốt chức năng quản trị việc đăng ký tham gia và hướng dẫn các đơn vị trong việc tham gia cơ chế DPPA qua lưới điện quốc gia, kiểm tra, giám sát các yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn và liên tục.

Nghị định 80 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3-7-2024. Với phương án mua bán điện qua đường dây riêng, dự án không bị giới hạn công suất song phải đáp ứng quy định về giấy phép hoạt động. Người bán và khách hàng được thỏa thuận giá, phần điện dư thừa có thể bán lại cho EVN.

Đối với phương án mua bán trực tiếp qua lưới điện quốc gia, dự án phải có quy mô công suất trên 10 MW; giá được xác định bằng tổng của giá điện năng, công suất thị trường trên thị trường bán buôn và phải thông qua tổng công ty điện lực.

Đáng chú ý, cả 2 trường hợp đều đấu nối từ cấp điện áp 22 KV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân 200.000 KWh/tháng.

Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mua-ban-dien-truc-tiep-khong-qua-evn-thuc-day-phat-trien-thi-truong-dien-canh-tranh-196240705211021027.htm
Zalo