Một thợ xây mắc bệnh lý nguy hiểm do nhiễm liên cầu lợn
Sau khi nhiễm liên cầu lợn, bệnh nhân C.T sốt 38 độ C, bị ban sung huyết, xuất huyết rải rác vùng cẳng chân, vành tai, hoại tử khô đầu ngón tay. Qua các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm màng não mủ do liên cầu lợn.
Chiều 13/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa ghi nhận thêm một trường hợp người dân ở trên địa bàn tỉnh bị nhiễm liên cầu lợn, nâng số ca bệnh liên quan đến liên cầu lợn từ đầu năm đến nay lên 3 ca.
Bệnh nhân mắc bệnh là ông C.T (SN 1965, trú ở phường Hương Sơ, TP Huế), làm nghề thợ xây. Trước đó ông T xuất hiện triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế kiểm tra và được chẩn đoán ban đầu sốc nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Sau 4 giờ, bệnh nhân T xuất hiện tử ban trên da, rối loạn đông máu, nghi ngờ bệnh liên cầu lợn và được lấy máu xét nghiệm, cấy máu, điều trị tích cực chống nhiễm trùng.
Ngày 6/12, bệnh nhân T có kết quả xét nghiệm cấy máu dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis II (liên cầu lợn). Xác định bệnh nhân mắc liên cầu lợn, các bác sĩ đã tích cực triển khai điều trị bệnh theo phác đồ của Bộ Y tế. Nhờ vậy nên tình trạng bệnh nhân T dần ổn định và được chuyển về khoa Nội Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế điều trị tiếp.
Tuy nhiên, từ ngày 9/12, bệnh nhân T sốt 38 độ C, bị ban sung huyết, xuất huyết rải rác vùng cẳng chân, vành tai, hoại tử khô đầu ngón tay. Qua các xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân viêm màng não mủ do liên cầu lợn. Tiếp đó bệnh nhân T được chuyển sang điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục điều trị theo đúng chuyên khoa.
Qua điều tra yếu tố dịch tễ, cơ quan chức năng xác định, trước thời điểm khởi phát bệnh 2 ngày, bệnh nhân T có ăn cơm trưa ở quán cơm (người nhà không biết địa chỉ quán) và có ăn thịt lợn luộc. Nhà bệnh nhân không nuôi lợn, không có tình trạng lợn mắc bệnh và không có người mắc bệnh tương tự. Sau khi ghi nhận ca bệnh, ngành y tế tiến hành phun khử trùng bằng dung dịch Cloramin B 25% tại nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh.
Theo các bác sĩ, liên cầu lợn là bệnh do vi khuẩn Streptococcus suis II gây ra. Con người có thể nhiễm liên cầu lợn nếu tiếp xúc với lợn bị bệnh mang vi khuẩn liên cầu lợn hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh, máu, thịt, lòng.
Để phòng tránh bệnh, người dân cần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Lợn bị bệnh không được giết mổ mà cần tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.