Một số từ ghép thường bị nhận lầm là từ láy
Trong bài 'Một số từ ghép thường bị nhận lầm là từ láy' trên chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa số trước, chúng tôi đã nêu ra bốn từ ghép bị xem là từ láy là: bộp chộp, bù xù, bủn rủn, bung bét. Trong chuyên mục này, chúng tôi tiếp tục phân tích một số từ ghép mà nhóm biên soạn Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên - NXB Khoa học Xã hội - 2011) đã thu thập và giải nghĩa. (Phần sau gạch đầu dòng để trong ngoặc kép là nguyên văn của từ điển; phần xuống dòng là trao đổi của chúng tôi).
1- “BẢO BAN đgt. Chỉ bảo cho biết cái đúng, cái hay nói chung. Bảo ban con học tập. “Ngoài giờ học (...) ở nhà chẳng có ai kèm cặp bảo ban nó”.
Thực ra bảo ban là từ ghép đẳng lập [đồng đại]: bảo nghĩa là nói cho biết để theo đó mà làm; ví dụ: Bảo một đằng làm một nẻo; Gọi dạ, bảo vâng; ban nghĩa là trên truyền lệnh xuống; ví dụ: Lệnh trên đã ban xuống thì phải làm thôi; Vua ban chiếu chỉ; “Nhà riêng ông huyện cũng vang ầm những lệnh trên ban xuống, y như công đường” (Vũ Trọng Phụng).
Tham khảo: Sách Hình thái học trong từ láy tiếng Việt (Phan Ngọc) cho rằng, bảo ban là từ láy và giải thích: “Bảo ban (+ 0): “Bảo” là chính tố như trong chỉ bảo, dạy bảo. “Ban” là hậu tố nhấn mạnh chỉ lặp đi lặp lại. Cháu bé cần được bảo ban để thành một đứa con ngoan. “Ban” đồng âm với “ban” trong ban thưởng”.
Với những gì đã chứng minh ở trên, thì phân tích của Phan Ngọc là không chính xác.
2 - “BÀY BIỆN đgt. 1. Xếp đặt, trang hoàng (nói khái quát). Bày biện cỗ bàn. Bày biện bàn ghế trong hội trường. “...cơm thịt đã bày biện tươm tất trên năm mâm” (Hquyết-TCVBắc). 2. Bày đặt thêm ra cái không cần thiết, cốt để phô trương. Đừng bày biện ra lắm thứ làm lãng phí”.
Bày biện là từ ghép đẳng lập gốc Hán: bày biến âm của bài 排, mà Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng là bày xếp, như an bài 安排 = bày yên = sắp đặt đâu vào đấy (như bày cỗ; Tất cả hãy còn bày ra trước mắt)”; biện 辦 nghĩa là chuẩn bị (như biện lễ; liệu biện; Biện mâm cơm đãi khách; “Tưng bừng sắm sửa áo xiêm, Biện dâng một lễ, xa đem tấc thành” - Kiều).
Hán ngữ đại từ điển giảng “bài” là “sắp đặt; chuẩn bị” và “biện” là “tính toán, chuẩn bị”, “bài biện” nghĩa là “chuẩn bị; sắp đặt” [nguyên văn: chuẩn bị, an bài - 准備;安排]. Một số từ điển tiếng Việt hãy còn ghi nhận âm đọc vốn có của bày biện là bài biện.
Như vậy, bày biện hoàn toàn không phải từ láy.
3 - “BĂM BỔ pht. (Hoạt động, nói năng) nhằm thẳng vào đối tượng, không ngại ngần hay kiêng dè. Ăn nói băm bổ. Nói băm bổ vác cả bao tải thóc. “Một cậu tóc vàng hoe như lông bò băm bổ nói” (VNQĐ).
Băm bổ là từ ghép đẳng lập, miêu tả việc làm hoặc lời nói mạnh mẽ tựa như băm như bổ; vừa băm vừa bổ.
“Băm” là chặt liên tiếp và nhanh tay cho nát nhỏ ra, như băm rau lợn; băm thịt làm chả. Đêm đêm gọi những bớ Hai, Chờ dậy nấu cám, thái khoai băm bèo (Ca dao); “bổ” là giơ cao và giáng mạnh cho lưỡi sắc cắm sâu xuống, hoặc lấy lưỡi dao cắt cho tách ra, vỡ ra. Khi hợp nghĩa, băm bổ tạo nên nghĩa khái quát, mà Từ điển từ láy tiếng Việt giảng là: “(Hoạt động, nói năng) nhằm thẳng vào đối tượng, không ngại ngần hay kiêng dè”:
Cấu tạo đẳng lập của băm bổ cũng giống như băm vằm. Sở dĩ băm vằm và băm bổ khác nhau về nghĩa, do hai thành tố: một đằng là bổ (chặt, bửa từng nhát mạnh) và một là vằm (băm nhanh và liên tiếp cho nát vụn ra). Ví dụ: Nói như băm vào mặt mà cứ trơ ra; Loại ấy phải bổ thẳng vào mặt chứ nói nhẹ nhàng không ăn thua!; Nói như băm như bổ vào mặt mà cũng không sửa được!
Đáng chú ý, mục băm vằm, Việt Nam tự điển còn lấy ví dụ “chém bổ băm vằm”, trong đó chém, bổ, băm, vằm, đều là những từ độc lập trong hành chức. Nếu coi băm vằm là từ ghép đẳng lập, thì không lý do gì lại xem băm bổ là từ láy.
4 - “BẬY BẠ tt. Sai trái, bừa bãi, không kể gì lề lối, khuôn phép. Nói năng bậy bạ. Làm những việc bậy bạ. Viết bậy viết bạ. “Không hiểu ăn uống bậy bạ những gì (...) thành nhiễm trùng đường ruột” (NNThành-Btôi)”.
Bậy bạ cũng là từ ghép đẳng lập: bậy nghĩa là càn bậy (như nói bậy; làm bậy; bậy quá; Khi say đánh bậy nhau rồi, Tỉnh ra mới biết là người anh em - Ca dao); bạ nghĩa là tùy tiện, bừa, bừa bãi, gặp đâu hay đó (như bạ đâu bỏ đó; làm bậy làm bạ; nói bậy nói bạ).
5 - “BÊ BẾT tt. 1. Bị dây dính nhiều và bết lại thành từng vệt, từng đám ở khắp mọi chỗ. Bùn đất bê bết dầu mỡ. Chiếc áo bê bết máu. 2. (Công việc) kéo dây ra nhiều ngày, tiến triển chậm chạp, ít hiệu quả. Việc làm ăn ngày càng bê bết. Công việc bê bết”.
Bê bết là từ ghép đẳng lập: bê có nghĩa là lôi thôi, bề bộn, không gọn gàng (như: lấm bê lấm bết; Bỏ bê công việc; Để bê ra đó không chịu làm; Chân mình những lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc mà rê chân người - Ca dao); bết nghĩa là dính sát vào, trông rất bẩn thỉu (như dính bết; đôi giày bết bùn).
Như vậy, các từ: bảo ban, bày biện, băm bổ, bậy bạ, bê bết, mà Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ thu thập và giải nghĩa, thực chất đều là những từ ghép đẳng lập, bởi bản thân các yếu tố cấu tạo từ đều có khả năng độc lập trong hành chức.