Một số món ăn khiến cơ thể giảm khả năng chống ung thư
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tìm ra cơ chế tiềm ẩn khiến một số món ăn làm tăng nguy cơ ung thư cũng như khiến việc điều trị kém hiệu quả hơn.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học Gut của Hiệp hội Tiêu hóa Anh cho thấy sự mất cân bằng giữa omega-6 và omega-3 trong cơ thể do cách ăn uống có thể cản trở khả năng tự nhiên của cơ thể trong việc chống lại khối u của bệnh ung thư ruột kết.
GS-TS-BS Timothy Yeatman từ Đại học Nam Florida và Viện Ung thư Bệnh viện Đa khoa Tampa (Mỹ), đồng tác giả, giải thích rằng đột biến là thứ thường xuyên xảy ra trong đường tiêu hóa.
Thông thường chúng sẽ bị hệ miễn dịch tiêu diệt ngay lập tức với sự trợ giúp của các phân tử hoặc chất trung gian từ omega-3.
"Nhưng nếu cơ thể bạn phải chịu đựng nhiều năm trong môi trường viêm mãn tính do mất cân bằng omega-6, đột biến sẽ dễ xảy ra hơn và cơ thể sẽ khó chống lại hơn" - GS Yeatman nói với CNN.
Nhiều loại axit béo omega-6 vốn có lợi cho sức khỏe, kích thích sự phát triển của tóc và da, điều chỉnh quá trình trao đổi chất, tăng cường sức khỏe xương và trong một số trường hợp thậm chí có thể chống viêm.
Tuy nhiên, một số loại omega-6 cũng có thể được chuyển đổi thành các phân tử như prostaglandin báo hiệu sự khởi đầu của tình trạng viêm.
Đó không phải là điều xấu khi cơ thể bạn đang cố gắng nhanh chóng đẩy lùi kẻ xâm lược hoặc khối u, nhưng sẽ rất tàn phá nếu để tình trạng này âm ỉ trong thời gian dài mà không có cách giải quyết.
Omega-6 vốn có nhiều trong các thực phẩm siêu chế biến (UPF), nên nếu bạn ăn chúng quá nhiều, thường xuyên, tình trạng dư thừa các loại omega-6 bất lợi có thể xảy ra.
Tác động này sẽ đáng kể nếu đi kèm với sự thiếu hụt omega-3, vốn dồi dào trong các chế độ ăn khỏe mạnh, giàu thực phẩm tươi sống.
Các món ăn giàu omega-3 nhất có thể kể đến nhóm cá dầu (còn gọi là cá béo, như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá trích...), một số hải sản, các loại đậu và hạt, rau lá xanh.
Để đưa ra kết luận này, các nhà nghiên cứu Mỹ đã sử dụng mô ung thư đại tràng lấy từ 80 bệnh nhân ở Mỹ và so sánh khối u với mô đại tràng bình thường lấy từ cùng một bệnh nhân.
Một loạt quá trình liên quan đến 2 nhóm axit béo nói trên đã được ghi nhận và chỉ ra vấn đề nêu trên.
Kết quả phân tích cũng cho thấy việc thiếu omega-3 đến mức gây ra sự mất cân bằng mới là nguyên nhân cốt lõi, chứ lỗi chính không nằm ở omega-6.
Tuy nhiên một người ăn nhiều thực phẩm chứa omega-6 - ví dụ hay "qua bữa" bằng các UFP tiện lợi - cũng sẽ ít khi thưởng thức những bữa ăn tươi và lành mạnh giàu omega-3, nên khả năng xảy ra mất cân bằng là rất lớn.