Một số đoạn đường hỏng có nguy cơ gây tai nạn: Sửa hay vá đường?

Đến hẹn lại lên, nhiều con đường tại TPHCM đang được cơ quan chức năng duy tu, sửa chữa, dặm vá trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không còn 'ổ gà', 'ổ trâu', chẳng còn những đoạn nhấp nhô, gợn sóng. Đi trên mặt đường phẳng lì, ai cũng yên tâm vì ít khi phải tăng giảm ga đột ngột hoặc đánh lái gấp để 'né' chỗ lõm.

Mặc dù vậy, có một số đoạn chỉ sau mùa mưa lại thấy mặt đường tái phát hư hỏng, lớp nhựa thảm trên cùng nhanh chóng bong tróc, "ổ gà” lần trước cũng lộ diện trở lại. "Điệp khúc" vá nữa, vá mãi cứ thế lặp lại năm này sang năm khác! Những người có nhà mặt tiền càng thấm thía hơn ai hết nỗi khổ do mặt đường năm sau nâng cao hơn năm trước, nguyên nhân một phần xuất phát từ "công nghệ" sửa đường áp dụng lâu nay. Thay vì đầu tư kỹ hơn, tốn kém một lần để bóc hẳn lớp nhựa cũ bên trên, gia cố phần dưới thật kỹ rồi mới thảm nhựa trở lại để tăng tuổi thọ con đường, thì lại áp dụng phương pháp dù ít tiền hơn nhưng không bền, đó là rải lớp nhựa mới lên trên. Kết quả đến ngay vì sau những trận mưa lớn, mặt đường nhanh chóng xói lở, tình trạng hư hỏng lại tái diễn.

Mặt đường lồi lõm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Mặt đường lồi lõm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Đây cũng là lý do khiến nhiều ngôi nhà lúc mới xây có nền cao hơn mặt đường đến nửa mét, song chỉ vài năm sau độ chênh này đã giảm hẳn, dần dần ngang bằng với nhau và dĩ nhiên, thời gian tiếp theo chuyện sửa đường theo cách trên vẫn được áp dụng dẫn đến tình trạng nền nhà "thụp" hẳn so với mặt đường trở nên phổ biến. Ban đầu gia chủ còn đối phó bằng nhiều giải pháp tình thế: chặn bao cát, tát nước, dùng máy bơm; nhưng vài năm sau phải nâng nền, cá biệt có người phải nâng nhiều lần. Những tòa nhà có tầng hầm càng lo lắng hơn khi nước mưa có nguy cơ tràn xuống dưới.

Đường hỏng thì phải sửa là chuyện đương nhiên, người dân chỉ mong sử dụng phương pháp hợp lý hơn, bởi lẽ nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này thì trong tương lai gần sẽ diễn ra cảnh nhà nhà đặt máy bơm nếu chưa có điều kiện nâng nền cao thêm và cũng không thể cứ nâng mãi.

Một đoạn đường ở TP.Thủ Đức được rào chắn để sửa chữa

Một đoạn đường ở TP.Thủ Đức được rào chắn để sửa chữa

Sang Thái Lan, Hàn Quốc, chúng tôi chứng kiến nước bạn sửa đường rất khoa học: Việc thi công được tiến hành vào ban đêm, họ cẩn thận cạo bỏ hết lớp nhựa cũ, gia cố thật kỹ phần móng rồi mới tiến hành thảm nhựa, vì vậy "hạn sử dụng" của con đường rất dài, điều này cũng được áp dụng cho các hẻm nhỏ. Không riêng gì cao tốc, đi trên các tuyến đường trong khu dân cư, hầu như xe không bị xóc vì "ổ gà”, thỉnh thoảng nếu có cũng được xử lý ngay.

Bên cạnh đó, những nắp cống, miệng hố ga thiếu an toàn cũng là chuyện cần bàn. Người đi đường rất dễ gặp nguy hiểm khi di chuyển vào buổi tối hoặc lúc mưa to trong trường hợp nắp cống xảy ra sự cố. Rất cần cơ quan chức năng quan tâm "thăm khám" thường xuyên, kể cả tuần tra phát hiện kẻ gian lấy trộm nắp hố bằng kim loại. Tai nạn chết người từng xảy ra, trong đó có nguyên nhân từ nắp cống bung vỡ, mất cắp...

Thành phố đang tiến hành sơn lại vạch kẻ đường, lắp gờ giảm tốc tại những đoạn cần thiết. Cùng với việc làm ý nghĩa này, mong rằng câu chuyện dặm vá đường cũng được đầu tư hợp lý nhằm tiết kiệm ngân sách và bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

AN HÒA - THANH BÌNH

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/giao-thong-24h/sua-hay-va-duong_170487.html
Zalo