Một năm sau cú lội ngược dòng từ vụ ám sát của ông Trump

Một năm sau vụ ám sát hụt tại Butler, hình ảnh ông Trump giơ nắm đấm đầy máu đã trở thành biểu tượng chính trị, khơi dậy phong trào MAGA và xoay chuyển toàn bộ cuộc đua 2024.

Ngày 13/7 đánh dấu một năm kể từ vụ âm mưu ám sát hụt ông Trump tại buổi mít tinh ở Butler, bang Pennsylvania.

Vụ việc làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng: trong vòng 10 ngày, ông Trump xuất hiện đầy khí thế tại Đại hội Đảng Cộng hòa với tai băng bó; Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua tái cử; và Phó Tổng thống Kamala Harris được chọn làm người kế nhiệm.

Tại Đại hội đảng Cộng hòa ở Detroit, mục sư Lorenzo Sewell gọi khoảnh khắc ông Trump thoát chết là một “phép màu chỉ cách tử thần đúng một centimet”.

Nhà báo Chris Whipple thì nhận định: “Cho đến tận hôm nay, những người ủng hộ trung thành vẫn tin rằng đó là kế hoạch của Chúa. Và chính niềm tin ấy đã tiếp thêm cho Trump một sự gan góc mới, thậm chí là liều lĩnh. Nó không chỉ thay đổi ông, mà còn làm nước Mỹ thay đổi theo”.

Từ hỗn loạn đến kỳ tích

Trong bộ suit quen thuộc, khi ông Trump nghiêng đầu sang phải để xem biểu đồ về số vụ vượt biên qua biên giới Mỹ - Mexico thì tiếng nổ súng vang lên.

Ông Trump kịp cúi xuống né đạn khi những phát súng vang trời khiến hàng nghìn người hoảng loạn. Các đặc vụ Mật vụ lập tức lao lên che chắn. Khi an toàn được xác nhận, thay vì lặng lẽ rút lui, ông bất ngờ đứng dậy, máu dính trên tai, giơ nắm đấm và hô vang ba lần “Fight!” - hành động khiến đám đông vỡ òa trong tiếng hô "U-S-A!", Fox News miêu tả lại.

Hình ảnh ông Trump đầy máu, giơ cao nắm đấm, áo sơ mi nhăn nhúm nhanh chóng trở thành biểu tượng mang tính quyết định của cuộc đua 2024, còn khẩu hiệu “Fight! Fight! Fight!” (Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!) trở thành lời hiệu triệu cho phong trào MAGA.

Chỉ trong vài ngày, hình ảnh ấy và khẩu hiệu "Fight!" xuất hiện trên áo phông, cốc, biển hiệu và được in tràn ngập tại các buổi vận động. Trong hàng chục cuộc mít tinh sau ngày 13/7, không nơi nào thiếu vắng hình ảnh đó, từ quần áo người ủng hộ đến phông nền sân khấu, theo CNN.

Và khẩu hiệu “Fight!” vẫn xuất hiện trong nhiều sự kiện riêng của tổng thống.

Henry Olsen, chuyên gia tại Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công (Washington), nhận định: “Ông ấy đã thể hiện bản lĩnh và khí phách; mọi người vốn nghĩ phản ứng đầu tiên là bỏ chạy, nhưng ông đứng vững như một thủ lĩnh thời trung cổ, thúc giục binh sĩ quanh ngọn cờ, dứt khoát tiếp chiến”.

Ngày 17/7, ông Biden gọi điện thăm hỏi và bày tỏ lời chia buồn. Nhưng chỉ hai ngày sau đó, ông nhận kết quả xét nghiệm dương tính với Covid‑19. Trong khi đó, ông Trump mang băng tai xuất hiện tại Đại hội Đảng Cộng hòa ở Milwaukee trong bài diễn văn kéo dài 90 phút - một số đại biểu còn đeo băng tai cầu hòa.

 Ông Trump đeo băng ở tai phải tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa năm 2024 ở Milwaukee, Wisconsin, vài ngày sau vụ ám sát hụt. Ảnh: CNN.

Ông Trump đeo băng ở tai phải tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa năm 2024 ở Milwaukee, Wisconsin, vài ngày sau vụ ám sát hụt. Ảnh: CNN.

“Tôi lẽ ra không nên có mặt ở đây đêm nay”. Đám đông đồng thanh đáp lại: “Ngài phải ở đây!”

“Đó là khoảnh khắc thiên định, có lẽ là như vậy”, ông nói. “Khi tôi đứng dậy, đám đông nghĩ tôi đã chết. Tôi thấy sự đau đớn trong ánh mắt họ. Nhưng họ không biết tôi đang nhìn họ. Và tôi biết mình phải làm gì, tôi giơ tay phải, nhìn vào hàng nghìn người đang nín thở và hét lên: ‘Fight! Fight! Fight!’”.

Ngày 21/7, ông Biden bất ngờ tuyên bố không tiếp tục tranh cử, sau màn tranh luận đáng thất vọng tháng trước. Những lãnh đạo như Nancy Pelosi và Chuck Schumer đã thúc giục ông rút lui từ lâu. Và cuối cùng, ông đồng ý.

“Trong lịch sử chiến dịch Tổng thống Mỹ, không có gì giống như tám ngày chấn động đó”, giáo sư Larry Sabato (Đại học Virginia) nhận định với Guardian.

Di sản từ... một cú sốc

Ngày 13/7/2024 nhanh chóng trở thành một trong những bước ngoặt lớn nhất trong toàn bộ chiến dịch tranh cử của ông Trump. Những ngày sau đó không chỉ thay đổi cục diện cuộc bầu cử tổng thống mà còn định hình lại cả phong trào MAGA.

Chưa đầy 48 giờ sau vụ xả súng ở Butler, ông Trump tuyên bố chọn Thượng nghị sĩ JD Vance làm ứng viên phó tổng thống.

Chiến thắng mang tính biểu tượng, được Trump 'thiết kế' chỉ trong vài phút sau vụ ám sát hụt, đã ngay lập tức tạo ra làn sóng hậu thuẫn mạnh mẽ. Elon Musk - tỷ phú công nghệ - không chần chừ công khai ủng hộ, sau đó chi hơn 280 triệu USD để hỗ trợ Trump và các ứng viên Cộng hòa, đồng thời dẫn đầu chiến dịch cải tổ toàn diện bộ máy liên bang - cho đến khi mối quan hệ giữa hai người rạn nứt.

CEO Meta Mark Zuckerberg cũng không giấu sự thán phục, gọi phản ứng của Trump khi giơ nắm đấm máu là “một trong những khoảnh khắc ngầu nhất tôi từng thấy”.

Zuckerberg dự lễ nhậm chức của ông Trump và nhanh chóng triển khai hàng loạt thay đổi lớn trong chính sách nội dung của Meta: chấm dứt kiểm duyệt bên thứ ba, gỡ bỏ giới hạn với các chủ đề như nhập cư hay bản dạng giới, đưa nội dung chính trị quay trở lại bảng tin người dùng.

 Lần ám sát hụt cũng khởi đầu cho liên minh Trump - Musk quyền lực sau đó. Ảnh: Reuters.

Lần ám sát hụt cũng khởi đầu cho liên minh Trump - Musk quyền lực sau đó. Ảnh: Reuters.

Sự kiện ngày 13/7/2024 không chỉ định hình lại chiến dịch tranh cử mà còn để lại dấu ấn sâu đậm trong tư duy điều hành của Trump. Ông trở nên vội vã, quyết liệt, kiểm soát dòng tin tức với tốc độ chóng mặt, đẩy đối thủ rơi vào thế bị động và sẵn sàng "chiến đấu đến cùng" mà không thỏa hiệp.

“Ông Trump đã tăng âm lên 11 điểm vào lễ nhậm chức, phần lớn là do ông ấy sống sót kỳ diệu. Giờ ông ấy làm việc không ngơi nghỉ, không ưu tiên theo lối cũ, mà là thúc đẩy tất cả mọi thứ cùng lúc”, nhà phân tích Henry Olsen nhận xét.

Bất chấp hàng loạt rắc rối pháp lý, ông Trump vẫn tự tin đối đầu giới tinh hoa và theo cảm nhận của ông, đã nhiều lần giành chiến thắng.

“Tôi không nghĩ Trump cho rằng mình là bất khả chiến bại, nhưng ông ấy tin rằng mình là người được chọn. Cảm giác vừa được bảo vệ, vừa mong manh khiến ông ấy càng muốn tận dụng từng giây phút còn lại để hành động theo điều ông tin là đúng”, Olsen kết luận.

Sau một năm và... một "ông Trump khác"

Sau vụ việc, Mật vụ Mỹ đã trải qua một cuộc cải tổ sâu rộng. Báo cáo của Bộ An ninh Nội địa công bố tháng 10/2024 cho rằng nếu không có thay đổi mạnh mẽ, khả năng tái diễn một vụ như tại Pennsylvania là rất cao.

“Mật vụ đã trở nên cồng kềnh, tự mãn và trì trệ, trong khi các mối đe dọa ngày càng tinh vi và công nghệ không ngừng phát triển”, báo cáo nhận định.

Kể từ đó, cơ quan này đã thực hiện một loạt cải cách an ninh then chốt, bao gồm đình chỉ công tác 6 đặc vụ liên quan đến vụ Butler.

Tuy nhiên sau một năm, thứ thay đổi không chỉ là Mật vụ Mỹ. Sau khi thoát chết chỉ trong gang tấc, theo bạn bè và các trợ lý, ông Trump vẫn là “Trump như xưa”.

Nhưng họ cũng nhận thấy những thay đổi nhất định: ông thận trọng hơn khi lên sân khấu, chú tâm hơn, biết ơn nhiều hơn và công khai bày tỏ niềm tin rằng Chúa đã cứu sống ông để ông có thể “cứu nước Mỹ” và hoàn thành nhiệm kỳ thứ hai - một niềm tin khiến ông càng kiên định theo đuổi các mục tiêu lớn lao.

“Tôi nghĩ chuyện đó luôn lẩn khuất trong tâm trí ông ấy”, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh lâu năm, chia sẻ. Ông cho biết đã liên lạc chặt chẽ với ông Trump ngay sau vụ nổ súng và còn đến gặp ông tại New Jersey vào đêm đó, sau khi Trump được điều trị tại bệnh viện Pennsylvania.

“Trump vẫn là người mạnh mẽ, không phải kiểu giác ngộ như thiền sư gì đâu. Nhưng ông ấy biết trân trọng hơn. Quan tâm đến bạn bè nhiều hơn”, Graham nói, tiết lộ Trump vừa gửi lời chúc sinh nhật ông trong tuần.

 Bạn bè tiết lộ, sau một năm, dù vẫn là một ông Trump như xưa nhưng ông đã thận trọng và đặt nhiều đức tin hơn. Ảnh: Reuters.

Bạn bè tiết lộ, sau một năm, dù vẫn là một ông Trump như xưa nhưng ông đã thận trọng và đặt nhiều đức tin hơn. Ảnh: Reuters.

Trái với nhiều người từng trải qua biến cố và cố gắng xóa sạch ký ức, ông Trump lại chọn cách giữ kỷ niệm ấy quanh mình. Ông trang trí Nhà Trắng và các câu lạc bộ golf bằng những tác phẩm nghệ thuật tái hiện khoảnh khắc ông đứng dậy sau vụ nổ súng, giơ nắm đấm lên cao và hô vang: “Fight! Fight! Fight!”

Một bức tranh mô tả cảnh đó hiện được treo trang trọng tại tiền sảnh tầng chính Nhà Trắng, gần lối cầu thang dẫn lên nơi ở của tổng thống. Đầu năm nay, ông còn đặt một bức tượng đồng thu nhỏ cùng chủ đề ngay bên cạnh bàn làm việc Resolute Desk trong Phòng Bầu dục.

Roger Stone, cố vấn không chính thức và bạn lâu năm của ông Trump, cho biết ông thấy ông Trump “bình thản hơn và quyết tâm hơn” sau vụ việc.

“Trump từng thoát chết vài lần, như vụ ông đổi ý không lên chiếc trực thăng rơi năm 1989, hay lần một tay súng bị mật vụ phát hiện khi chĩa súng qua hàng rào lúc Trump đang chơi golf, chỉ 2 tháng sau vụ Butler”, Stone kể.

“Trump nói với tôi rằng ông tin mình được Chúa cứu sống để phục hưng đất nước, và giờ ông tin mình luôn được Chúa che chở”.

Ralph Reed - Chủ tịch tổ chức Faith and Freedom Coalition - cũng đồng tình.

“Tôi nghĩ bất cứ ai hiểu rõ ông ấy đều thấy điều đó thay đổi Trump. Làm sao không thay đổi được? Hãy tưởng tượng bạn là ông ấy, và nếu hôm đó không quay đầu đúng lúc... Ông ấy biết mình may mắn sống sót”, Reed nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/mot-nam-sau-cu-loi-nguoc-dong-tu-vu-am-sat-cua-ong-trump-post1568499.html
Zalo