Một kỷ lục của yêu thương

Nghiêm Thị Nhiệm và Nguyễn Dư Ba được trời yêu nên se duyên.

Bức hình kỷ niệm thầy Dư Ba và cô Nghiêm Thị Nhiệm lúc sinh thời dự ra mắt tập thơ 'Một thời tôi từng có' của học sinh cũ - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng tại Hà Nội (bên trái là nhà thơ Bằng Việt). Ảnh: NVCC

Bức hình kỷ niệm thầy Dư Ba và cô Nghiêm Thị Nhiệm lúc sinh thời dự ra mắt tập thơ 'Một thời tôi từng có' của học sinh cũ - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng tại Hà Nội (bên trái là nhà thơ Bằng Việt). Ảnh: NVCC

Nghiêm Thị Nhiệm và Nguyễn Dư Ba được trời yêu nên se duyên. Hai người có rất nhiều chữ đồng: Cùng yêu nghề dạy học, cùng học Trường Đại học Sư phạm Vinh, cùng ngành Toán, cả hai là mối tình đầu của nhau, cùng yêu thơ văn, cùng là tri âm tri kỷ khá đặc biệt…

Chính vì thế, Nhiệm không bao giờ quên ngày hai người nên vợ nên chồng, thật thiêng liêng ấy:

“Năm tư năm rồi anh nhớ không?

Năm 1968 tháng 8 ngày mồng 5

Hai ta lên thuyền cùng cập bến

Tình yêu sáng tựa ánh trăng Rằm”.

(Còn không)

Và hai người mãn nguyện với nghề mình đã chọn:

“Con đường ta chọn không nhầm phải không anh

Cây ta vun trồng trĩu quả trên cành”.

(Không nhầm)

Trời cho Nhiệm và Ba chung chăn gối bên nhau được hơn một nửa thế kỷ. Sau 54 năm sống bên nhau, Ba bị ốm và rồi đã bỏ Nhiệm, bỏ gia đình, người thân, bà con, bằng hữu, trò xưa… ra đi.

Thực ra, Nhiệm là một con người kiên cường có thừa, đã bị trọng bệnh khá dài ngày, rất lạc quan, làm thơ trào phúng, làm thơ tình, từng in thơ chỉ để tặng… Ba là người đọc đầu tiên, người bình thơ vợ mình đầu tiên… chăm sóc nhau như ngày xưa yêu nhau… Gặp bạn cũ, trò xưa, cả hai mở lòng vui cười, không một lời than… không một tiếc nuối…

Đôi khi Nhiệm còn đinh ninh mình sẽ ra đi trước:

“Em cứ nghĩ em “đi” trước cơ

Tuổi tác, bệnh tật, đau ốm, dật dờ

Ung thư đại tràng mau thăng hạng

Mổ, xạ, hóa trị - vẫn sống trơ trơ”.

(Lẽ ra)

Vậy nên, khi Ba ốm nặng phải vào viện, Nhiệm không thể nén lòng, cầm lòng được, đã viết nguyên một tập “Nhật ký người bệnh”, gần như ngày nào tình thơ cũng lai láng:

“Ông đau rất nặng ông già ơi

Ông thở oxi tôi rã rời

Xin ông yên đó đừng “đi” nhé

Có lẽ nào ông dừng cuộc chơi?”.

(Đừng đi. 4/3/2021)

“36 bài thơ viết cho anh

Trong những giờ khắc sự sống chẳng lành

Lo lắng, buồn, khổ đau lẫn lộn

Chỉ biết nguyện cầu “đấng cao xanh””.

(Viết cho anh. 20/3/2021)

 Cô Nghiêm Thị Nhiệm chia sẻ tâm tình với thầy Dư Ba trên trang Facebook cá nhân. Ảnh: NVCC

Cô Nghiêm Thị Nhiệm chia sẻ tâm tình với thầy Dư Ba trên trang Facebook cá nhân. Ảnh: NVCC

Từ ngày 4/3 - 20/3, Nhiệm đã viết cho Ba 36 bài thơ, nhiều hơn số trang nhật ký từng ngày, điểm qua tên đề một số bài thơ có thể cho ta biết thật nhiều tâm trạng đan xen: Dùng dằng (8/3), Bơ vơ (9/3), Hy vọng (11/3), Lại hy vọng (12/3), Lại buồn (13/3), Nguyện cầu (1, 2, 3 - 14/3), Thổn thức (14/3), Án treo (16/3), Mừng hụt (19/3)… Đến ngày 4/4 Nhiệm đã viết 64 bài thơ. Và đến khi Ba ra đi, Nhiệm đã viết 200 bài thơ, một kỷ lục của yêu thương:

“Hai trăm bài thơ viết cho anh

Trong năm mươi sáu ngày anh vào bệnh viện

Cái tình chao ôi! Sâu như đáy biển

Vời vợi cao như núi Thái Sơn!

Anh yêu ơi! Anh có thấu nguồn cơn?”.

(Bài thứ 200 - 4/4/2021)

Khi Ba sắp sửa một mình đi vào cõi cao xanh, Nhiệm đã nhận ra:

“Anh là người của thế giới khác

Giữa hai ta ngôn ngữ bất đồng”.

(Bị nhốt. 1/5/2021)

Đành phải đoạn trường ngậm ngùi đớn đau tiễn biệt:

“Mười một giờ 13 phút ngày 2/5/2021

Anh ra đi đột ngột

Khi hết oxi

Vĩnh biệt anh em chẳng nói được gì

Nước mắt chảy vào tim buốt nhói”.

(Vĩnh biệt. 2/5/2021)

Có hiểu hoàn cảnh của Nhiệm, mới thấy những vần thơ Nhiệm viết đúng là những lòng huyết lệ, vì Nhiệm có được ở gần Ba trong phút lâm chung đâu (các con lo sợ mẹ sẽ gục ngã, nên phải để mẹ ở bên dì, có dì chăm sóc; chỉ các con sức vóc nén đau thương vào trong mới lo hậu sự cho ba mình được trọn vẹn).

Nhiệm thấy mình hoàn toàn cô đơn:

“Em không ngủ được anh yêu ơi

Thiếu anh em thiếu cả bầu trời

Thiếu cả cỏ cây và hoa lá

Thiếu cả trái tim bổi hổi bồi hồi”.

(Không ngủ được, 27/5/2021)

Nhiệm luôn muốn đi tìm chồng, thật tội nghiệp nhưng cũng thật dễ thương:

“Chiều buồn em đi lang thang

Dọc sông Hương để tìm chàng chàng ơi

Khôn thiêng xin hãy nghe lời

Để hai ta lại trọn đời bên nhau”.

(Quanh quất, 5/6/2021)

Trong cô đơn, Nhiệm có một khát khao, khát khao không tưởng:

“Giá như em có một phép mầu

Chui vào mộ lạnh nằm bên nhau

Như những ngày chúng mình chung sống

Đỡ nhớ đỡ buồn đỡ thương đau”.

(Giá như, 6/7/2021)

Cầm trên tay, tập nhật ký thơ trên 400 bài, (chỉ đang là bản thảo, cũng chính là những trang nhật ký trên Facebook) rất nhiều giả thiết được cô giáo dạy Toán Nghiêm Thị Nhiệm tự đặt ra, tự ước mơ, khát vọng và tự chứng minh bằng tình yêu rất tròn đầy hai người dành cho nhau khi còn chung đôi, giờ một mình Nhiệm đơn côi nhớ nhung về ngày xưa hạnh phúc.

Và đếm thời gian trôi bằng những trang nhật ký bằng thơ như Nhiệm cũng là hiếm thấy trên đời. Có thể thấy qua tên đề trên 200 bài thơ nhật ký (dài, ngắn, sau ngày 4/4/2021) - một cô giáo Nhiệm đã về hưu, một bệnh nhân, một người vợ hiền luôn chờ đợi chồng về mòn mỏi từng ngày: Tròn một tháng (1/6), Ba mươi hai ngày cách xa (3/6), Cúng tuần 5 (5/6)…, Ngày thứ 49 (19/6)…, Một trăm ngày (9/8)…, Một trăm linh sáu ngày (15/8)…

Ai đọc thơ Nhiệm, cũng thông cảm với nàng, rõ ràng Nhiệm và Ba có một tình yêu trước sau luôn nồng nàn thiết tha sâu sắc. 54 năm Ba thật hạnh phúc được sống trong vòng tay yêu thương của vợ mình.

Tình yêu đẹp sẽ cho cuộc sống biết bao điều diệu kỳ. Tình yêu của Ba và Nhiệm cũng vậy, nên bây giờ cô đơn, nhiều khi không muốn chấp nhận sự thật Ba đã ra đi, Nhiệm vẫn thấy mình đã có một thời hạnh phúc.

Lúc nào Nhiệm cũng thấy hạnh phúc khi được sống bên chàng:

“Giá như em là một nàng tiên

Bay đến với anh chung nỗi niềm

Bầu trời núi Phụng xanh thăm thẳm

Chấp chới hai cánh chim Đỗ Quyên”.

(Giá như, 7/7/2021)

Mong rằng tình yêu và tình thơ giúp Nhiệm vượt qua bệnh tật, vượt qua nỗi mất mát đớn đau, trẻ trung tâm hồn mãi trong đời.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mot-ky-luc-cua-yeu-thuong-post709452.html
Zalo