Một cửa - Nhiều niềm tin
Ngày 1/7/2025, khi Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã chính thức vận hành, hàng loạt thủ tục được đưa về tận thôn, bản, đánh dấu bước đột phá trong cải cách hành chính và chuyển đổi số ở cấp cơ sở. Tuy nhiên, sau hơn 2 tuần vận hành, bên cạnh những đổi thay tích cực về thái độ phục vụ và giảm bớt gánh nặng đi lại cho người dân, mô hình 'một cửa gần dân' vẫn còn nhiều khó khăn - từ hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, đến năng lực tiếp cận dịch vụ công số - đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để cùng có biện pháp tháo gỡ.
Một quy trình thống nhất
Kết luận số 160-KL/TW của Bộ Chính trị đã xác lập danh mục 1.060 nhiệm vụ, thẩm quyền được đề xuất chuyển giao về cấp xã, phường, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như hộ tịch, đất đai, tài chính, giáo dục, y tế, xây dựng, an sinh xã hội, hòa giải, đô thị, văn hóa, tư pháp-hộ tịch... Khối lượng công việc lớn chưa từng có đòi hỏi Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã hoạt động cần chuyên nghiệp và bài bản. Qua hơn 2 tuần vận hành, bước đầu đã có những thay đổi không chỉ ở tốc độ xử lý hồ sơ, mà cả ở thái độ phục vụ và khả năng giải quyết công việc ngay tại địa phương.
Tại xã biên giới Minh Tân, mô hình một cửa bước đầu đã tạo ra những thay đổi rõ rệt. Mỗi ngày từ rất sớm đều có hàng chục người dân từ các thôn bản xa xôi đã có mặt tại Trung tâm để thực hiện các thủ tục hành chính. Anh Thào Chần Dương, thôn Tân Sơn lần đầu tiếp cận mô hình mới hết sức ngạc nhiên: Tôi đến xin cấp lại Giấy khai sinh cho con. Do không sử dụng điện thoại thông minh, không biết đăng nhập cổng dịch vụ công để gửi hồ sơ khiến anh Dương khá lúng túng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh thăm hỏi, động viên các đoàn viên hỗ trợ người dân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số tại xã Chiêm Hóa. Ảnh: Văn Nghị
Nhưng cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã Minh Tân đã tận tình hỗ trợ anh Dương làm thủ tục nhanh chóng. Anh Dương chia sẻ: “Trước đây nhiều thủ tục phải lên huyện làm, đường xa đi lại mất cả ngày, giờ xã mới, cách làm mới, thuận lợi cho dân, giấy hẹn trả kết quả ghi rõ ngày, không còn phải đi lại nhiều lần hỏi nữa”.
Không khí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Bình Xa cũng diễn ra rất khẩn trương. Để vận hành chính quyền thông suốt, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Giám đốc Trung tâm, Nông Văn Việt thường xuyên trực tiếp kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ tại trung tâm, trò chuyện, đối thoại với người dân để giúp dân hiểu hơn về mô hình chính quyền mới.
Anh Nông Văn Việt chia sẻ: “Với rất nhiều nhiệm vụ mới được chuyển từ cấp huyện trước đây về xã đã tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân, rút ngắn khoảng cách, thời gian, tiết kiệm chi phí. Chúng tôi chỉ đạo đội ngũ cán bộ xã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành trả kết quả cho người dân đúng và trước hạn”.
Tại phường Minh Xuân - nơi dân số sau sáp nhập vượt 70.000 người, khối lượng công việc phát sinh rất lớn. Chỉ trong 10 ngày đầu vận hành, Trung tâm đã tiếp nhận khoảng 3.000 lượt công dân, có ngày lên tới 400 lượt. Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “14 cán bộ, công chức được sắp xếp phù hợp chuyên môn, 2 bàn hướng dẫn được bố trí ngay tại cửa ra vào để hỗ trợ người dân phân loại thủ tục, kiểm tra hồ sơ từ sớm, nhờ đó giảm đáng kể thời gian xử lý”.
Vừa làm vừa xếp hàng
Dù tạo thuận lợi bước đầu, song thực tế triển khai mô hình “một cửa” cấp xã vẫn còn nhiều vướng mắc. Hệ thống mới phải vận hành trong điều kiện cơ sở vật chất chưa đồng bộ, hạ tầng công nghệ còn yếu, nhân lực chưa được đào tạo bài bản… Đúng như cách nói của nhiều cán bộ cơ sở: “Vừa làm vừa xếp hàng, vướng đâu gỡ đấy”.
Xác định rõ những khó khăn ban đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 22 đoàn kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị sau hợp nhất tại các xã, phường, trong đó có nội dung kiểm tra về hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã.
Theo ghi nhận từ đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại xã Yên Nguyên, nhiều phòng làm việc tại Trung tâm còn chật hẹp, hệ thống điện, mạng thường xuyên quá tải. Máy móc thiết bị như máy in, máy scan, màn hình hiển thị số thứ tự còn thiếu hoặc hỏng hóc. Nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực mới như đất đai, tư pháp, hộ tịch… nên việc tiếp cận nhiệm vụ mới còn nhiều lúng túng.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, kiểm tra vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Sơn Vĩ. Ảnh: Ma Hưng
Tại xã Hồng Thái, một số phần mềm chuyên ngành chưa liên thông; thiết bị công nghệ thông tin cũ, lỗi thời, khiến tiến độ xử lý hồ sơ bị ảnh hưởng. Đây cũng là thực tế tại xã Chiêm Hóa khi việc kết nối thông tin, dữ liệu với dữ liệu chung quốc gia hoặc phần mềm chưa cập nhật tên xã, dữ liệu; lãnh đạo, cán bộ, công chức chưa được cấp tài khoản định danh, chữ ký số để thực hiện nhiệm vụ; trình độ kỹ năng số của một số cán bộ, công chức còn hạn chế; trang thiết bị cấu hình còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu công việc trên môi trường mạng…
Nói thêm về những khó khăn trên, anh Nguyễn Sơn Tùng, chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Minh Xuân khẳng định: Có nhiều trường hợp người dân đến làm thủ tục về đất đai, nhưng hồ sơ gốc chưa được bàn giao, hoặc thông tin không trùng khớp giữa các hệ thống, nên không thể xử lý ngay. Hệ thống liên thông quốc gia lại chưa ổn định, có lúc tê liệt.
Thêm một khó khăn khác đang hiện hữu tại các xã vùng cao, biên giới là trình độ hiểu biết của người dân về dịch vụ công, công nghệ số còn rất hạn chế. Nhiều người không biết tiếng phổ thông, không biết chữ, không thể tự thực hiện các thủ tục qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Chị Giàng Thị Lía (thôn Phìn Lò, xã Sơn Vĩ) bối rối: “Tôi không nói được tiếng phổ thông, giấy tờ thì không hiểu, nên phải nhờ cán bộ xã làm giúp”. Tình trạng này khiến cán bộ xã vừa phải hướng dẫn, vừa phải làm hộ người dân, dẫn đến quá tải công việc. Một số nơi chưa kiện toàn được tổ công nghệ số cộng đồng - lực lượng nòng cốt giúp người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến - nên càng khó khăn hơn.
Đồng bộ từ chính sách đến hành động
Những khó khăn phát sinh trong quá trình vận hành mô hình mới đã được hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhanh chóng ghi nhận và vào cuộc tháo gỡ.
Ngay trong tuần đầu thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, UBND tỉnh Tuyên Quang đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, hỗ trợ giải đáp thủ tục hành chính. Cụ thể, mọi phản ánh, thắc mắc liên quan đến thủ tục hành chính và dịch vụ công được tiếp nhận qua Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Tuyên Quang theo số: 0219.1022 và qua Zalo Official Account: 1022 Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang.
Công an tỉnh bố trí 36 điểm cấp căn cước và định danh điện tử tại các xã, phường để người dân dễ dàng tiếp cận, giảm thiểu di chuyển. Tỉnh đoàn Tuyên Quang cũng triển khai hơn 140 đội hình thanh niên tình nguyện, với 2.000 đoàn viên hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, khai thác ứng dụng VNeID, tư vấn công nghệ tại chỗ, tập huấn kỹ năng số cho cán bộ cấp xã - nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Riêng trong lĩnh vực đất đai - lĩnh vực khó và nhạy cảm - Sở Nông nghiệp và Môi trường thành lập 4 tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ các xã vận hành cơ sở dữ liệu đất đai và giải quyết thủ tục hành chính. Phó Giám đốc Sở, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết: “Các tổ công tác sẽ duy trì thường xuyên, sẵn sàng xuống xã bất cứ lúc nào để hỗ trợ chuyên môn, đồng thời tập huấn lại quy trình cho cán bộ địa chính. Sở đã chính thức triển khai phần mềm trợ lý ảo (AI) với tên miền https://trolyaocanbocongchuc.dx.gov.vn/ phục vụ hỏi đáp, hỗ trợ cán bộ và người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp”.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành “Sổ tay quản lý đất đai trong chính quyền hai cấp” - một tài liệu chuyên ngành có giá trị hướng dẫn cụ thể cho cán bộ địa phương. Theo đó, UBND cấp xã có tới 45 nhiệm vụ, Chủ tịch UBND xã có 44 nhiệm vụ riêng liên quan đến lĩnh vực đất đai. Đây là căn cứ quan trọng để các xã thực hiện đúng thẩm quyền, tránh chồng chéo, sai sót trong giải quyết thủ tục.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hà Giang 2, một chiếc máy tính kết nối internet được bố trí ngay gần cửa, người dân có thể tự đăng nhập, gửi hồ sơ trực tuyến, trong trường hợp cần thiết đều có cán bộ hỗ trợ thực hiện. Bên cạnh đó, 2 chiếc bàn được kê ngay khu vực ghế chờ để người dân thuận lợi trong việc kê khai thủ tục.
Chị Phạm Thị Nguyệt, chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hà Giang 2 chia sẻ: “Để khắc phục những khó khăn ban đầu, chúng tôi phải thường xuyên tự học hỏi, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, xem mỗi người dân là một “khách hàng đặc biệt” và lấy sự hài lòng của các vị khách “đặc biệt” làm thước do cho mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi số, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Anh Phàn Văn Dùi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Minh Tân cho biết: “Phần lớn người dân trong xã là đồng bào dân tộc thiểu số, không nói được tiếng phổ thông, đời sống khó khăn, không sử dụng điện thoại thông minh, ít hiểu biết về dịch vụ công trực tuyến. Khắc phục khó khăn này chúng tôi cũng đến từng nhà hỗ trợ, tiến tới để người dân có thể tự thực hiện các dịch vụ công”.
Với những giải pháp đồng bộ, kịp thời, tin rằng những khó khăn trong hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã sẽ sớm được khắc phục. Đúng như chỉ đạo của đồng chí Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tại Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định về hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tuyên Quang, ngày 30-6-2025: Tất cả các công việc theo thẩm quyền của 2 cấp (tỉnh, xã) phải được thực hiện thông suốt, không để chậm trễ, không để sót việc, tinh thần là để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn; giữ gìn hình ảnh, tác phong của người cán bộ “từ phục vụ hành chính sang phục vụ Nhân dân”.
Đối với các xã thiếu cán bộ chuyên môn, tỉnh phải bố trí, tăng cường kịp thời, đầy đủ, hỗ trợ, giúp đỡ bảo đảm công việc thông suốt, hiệu quả. Với các xã biên giới, miền núi đến trung tâm tỉnh rất xa, có nơi đến hơn 300 km; do vậy cần quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để thay đổi tư duy, phương pháp quản lý điều hành, không để có khoảng cách giữa chính quyền cấp tỉnh với cấp xã và Nhân dân.