Một chút cẩn trọng, cả hành trình bình an
Một vụ chìm tàu vừa xảy ra ở Quảng Ninh cướp đi sinh mạng của nhiều người, gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Không chỉ là câu chuyện của riêng một địa phương ven biển, bài học ấy cũng rất cần được nhìn nhận nghiêm túc ở những nơi tưởng như 'bình yên' hơn như Thái Nguyên, với những tuyến sông, hồ phục vụ du lịch và dân sinh đang tiềm ẩn không ít rủi ro.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc đảm bảo các điều kiện an toàn của tàu chở khách du lịch trên hồ Núi Cốc. Ảnh T.L
Vụ lật tàu chở khách xảy ra ngày 19-7 tại vịnh Hạ Long là lời cảnh tỉnh đắt giá về việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy - lĩnh vực đang tồn tại không ít lỗ hổng từ quản lý đến thực thi. Thảm kịch không chỉ gây tổn thất về người và tài sản mà còn khiến dư luận lo ngại về sự chủ quan trong vận hành, thiếu trang thiết bị cứu sinh và việc hành khách không mặc áo phao khi di chuyển.
Tỉnh Thái Nguyên tuy không giáp biển nhưng có mạng lưới sông, hồ dày đặc như sông Cầu, sông Công, hồ Núi Cốc… Đây là những tuyến đường thủy nội địa quan trọng, vừa phục vụ sinh hoạt vừa là không gian phát triển du lịch. Trong đó, hồ Núi Cốc là điểm đến nổi bật, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm với đủ loại hình tàu thuyền, ca nô, phương tiện vận tải nhỏ lẻ.
Song thực tế cho thấy, công tác quản lý hoạt động đường thủy tại đây vẫn tồn tại nhiều bất cập. Không ít phương tiện hoạt động tự phát, chưa được đăng kiểm đầy đủ, thiếu thiết bị an toàn tối thiểu như phao cứu sinh, dụng cụ cứu hộ… Một số chủ phương tiện thậm chí vì lợi ích kinh tế mà lơ là quy trình kiểm tra trước khi xuất bến.
Thái Nguyên cũng từng xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc về đường thủy. Năm 1986, vụ lật tàu trên hồ Núi Cốc khiến 23 người thiệt mạng. Gần đây nhất, tháng 7-2024, một người đàn ông tử vong khi chèo thuyền trên hồ. Những mất mát ấy đều là lời nhắc nhở đắt giá rằng không được phép chủ quan dù chỉ một lần.
Bài học từ vụ tai nạn ở Quảng Ninh không chỉ đến từ yếu tố thời tiết mà còn từ cách con người vận hành, quản lý và ứng phó.
Để tránh lặp lại những bi kịch tương tự, chính quyền Thái Nguyên cần khẩn trương rà soát, kiểm định toàn bộ phương tiện thủy đang hoạt động; kiên quyết đình chỉ phương tiện không đảm bảo an toàn; siết chặt quản lý tại các điểm du lịch trọng điểm. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm, tổ chức tập huấn kỹ năng cứu hộ và tuyên truyền cho người dân về an toàn đường thủy.
Một chiếc áo phao được mặc đúng lúc, một bước kiểm tra kỹ lưỡng trước giờ khởi hành, hay chỉ đơn giản là một buổi tuyên truyền ngắn gọn nhưng thiết thực về kỹ năng phòng tránh rủi ro… đôi khi lại chính là ranh giới giữa một chuyến đi trọn vẹn niềm vui và một bi kịch không thể cứu vãn.
Không ai mong chờ những tai nạn xảy ra, nhưng sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thái độ không chủ quan sẽ giúp giảm thiểu tối đa hậu quả khi rủi ro xuất hiện.
Hãy hành động từ những điều nhỏ nhất để không còn nước mắt rơi sau mỗi chuyến đi, không còn nỗi ám ảnh mỗi khi bước lên một con thuyền du lịch. Bởi lẽ, sự an toàn không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng hay chủ phương tiện, mà còn là lựa chọn của từng người dân, trong mỗi hành động và mỗi quyết định của mình.