Một cách đồng hành cùng con

Có lần, nhìn dòng người xe ngược xuôi lúc tan tầm, một người bạn đang đi bộ cùng tôi trên hè phố đã chia sẻ: 'Cậu thấy không, nếu dùng đồ họa để mô phỏng sẽ thấy mỗi người có một hướng đi, một đích đến, vậy có phải là giữa phố đông mà cô đơn lắm?'. Tôi cười và khen anh có một sự so sánh thú vị nhưng nếu bảo cô đơn, đơn độc thì không hẳn bởi mỗi người tuy có những mục tiêu khác nhau nhưng luôn đồng hành trên hành trình xây dựng cuộc sống hạnh phúc.

Nhưng, liệu có phải lúc nào giữa mỗi chúng ta đều tìm thấy sự đồng điệu; thậm chí, ngay cả trong bản thân mỗi gia đình, giữa các thế hệ đã và đang gắn bó và kế thừa, cùng vun đắp hạnh phúc cũng đâu dễ tìm ra tiếng nói chung ấy. Bởi thế, việc đồng hành với người trẻ cũng chính là sự chủ động kiến tạo tương lai cho cho xã hội...

Cần có sự đối thoại bình đẳng giữa cha mẹ và con cái trong định hướng nghề nghiệp.

Cần có sự đối thoại bình đẳng giữa cha mẹ và con cái trong định hướng nghề nghiệp.

Khi viết những dòng này, ở ngoài khung cửa sổ, phía cổng trường đối diện căn nhà của tôi hôm nay khá tấp nập. Các bậc phụ huynh đang chờ đợi trong sự lo lắng để đón con em mình bước ra từ phòng thi với một câu hỏi muôn thuở: “Làm được bài không con?”.

Đây là một câu hỏi nghe quen lắm bởi hơn hai mươi năm trước, cũng ở cổng trường này, không ít người trong số các phụ huynh đó cũng từng chạy ùa ra từ phòng thi với nụ cười rạng rỡ của tuổi học trò. Chúng ta từng là thí sinh và giờ đây lại “đi thi” cùng con, chỉ khác chăng là cảm xúc và sự lo âu nhiều hơn cái thuở vô lo, vô nghĩ ấy... Sự lo lắng, căng thẳng, sự quan tâm và cả những áp lực mà ta vô tình tạo ra cho con mình có là quá mức. Cái gọi là “thi cùng con” có phải là vòng tròn luẩn quẩn mà không thể thoát ra được?

Người viết nghĩ rằng, sự lo lắng ấy là một sự quan tâm của gia đình và xã hội, là nguồn động viên tinh thần đúng lúc cho người trẻ nếu như được thể hiện đúng cách. Trên Báo Dân trí, tác giả Trần Phú Dũng đã viết: “Nhưng, đồng hành không chỉ là sự có mặt. Đồng hành còn là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, là sự sát sao ở từng chi tiết nhỏ, từ lịch thi, giấy tờ, đồng hồ báo thức, đến cả việc con đã ăn sáng chưa, ngủ đủ chưa và tâm trạng hôm nay thế nào. Mấy hôm trước, cộng đồng mạng xôn xao và xót xa trước hình ảnh một thí sinh ở TP Hồ Chí Minh bật khóc nức nở vì nhớ nhầm lịch thi vào lớp 10. Em đến điểm thi khi cổng đã đóng gần tiếng rưỡi. Một sai sót nhỏ nhưng hậu quả lớn. Đọc thông tin này, tôi chợt giật mình nghĩ: nếu đó là con mình thì sao? Nếu chỉ vì một phút chủ quan, một lời hờ hững “con tự lo được”, liệu chúng ta - những người làm cha, làm mẹ - đã thật sự làm tròn trách nhiệm?”.

Hai chữ “đồng hành” mà tác giả Trần Phú Dũng nêu thật xác đáng. Đồng hành chứa đựng sự đồng điệu, đồng cảm và thậm chí cả “đồng cam cộng khổ”. Rõ ràng, áp lực thi cử không hề nhẹ và mỗi người trưởng thành đều đã nếm trải nhưng đó còn là hành trình nhận thức lại. Đồng hành cùng con để chính bản thân mình nhận ra mỗi thế hệ lại có những thử thách riêng.

Người viết xin được góp bàn từ những góc nhìn khác. Sau mỗi kì thi, báo chí lại đăng tin về những tấm lòng nhân ái giúp đỡ thí sinh. Đơn cử như chuyện vợ chồng anh Nguyễn Văn Hà (37 tuổi) và chị Hà Thị Thúy (31 tuổi) ở tỉnh Phú Thọ. 3 năm nay, anh chị đã nấu cơm và hỗ trợ ăn nghỉ miễn phí cho học sinh vào mùa thi, trong khi hoàn cảnh gia đình anh còn vất vả bởi có 3 con còn nhỏ và mẹ già đã nằm liệt giường suốt 12 năm nay.

Cha mẹ cần tư vấn và luôn đồng hành cùng con trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Cha mẹ cần tư vấn và luôn đồng hành cùng con trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Điều mà người viết bài này muốn bàn đến lại không chỉ ở tấm lòng của vợ chồng anh Hà mà ở chính câu nói mộc mạc mà đáng suy ngẫm của anh: “Thương thì thương cho trót, vót thì vót cho nhọn, đủ thì không đủ nhưng thiếu thì cũng không thiếu. Đồng tiền mình làm ra được, chứ đâu phải đồng tiền làm ra mình. Cứ sống tử tế với nhau, mọi thứ sẽ ổn cả thôi” (theo: Nguyễn Hinh - Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh).

Người đàn ông 37 tuổi này tuy không phải một triết gia nhưng điều mà anh chỉ ra thật chí lí: “Cứ sống tử tế với nhau, mọi thứ sẽ ổn cả thôi”. Để có được chữ “ổn” như anh nói đâu có dễ, đó phải là sự nỗ lực, là sự hy sinh chia sẻ, là những mục tiêu của mỗi chúng ta. 3 mùa thi qua, 3 thế hệ học sinh đã trưởng thành, cũng là 3 lần vợ chồng anh Hà cùng các bậc phụ huynh và toàn xã hội vượt khó để đem đến những điều tốt nhất cho con trẻ. Đó là thử thách, là chiến thắng âm thầm của người lớn mà có thể ngay lúc này người trẻ chưa thể nhận ra.

Ở một góc nhìn khác, chúng ta vừa là chủ thể đang tác động và vừa chịu sự tác động trong một xã hội mà sự gắn kết ngày càng cao. Khi xuất hiện mạng xã hội, sự tương tác ấy mang một màu sắc mới, đó là “sự kết nối tương hỗ giữa các cá nhân”. Bởi thế, người viết tin rằng, đôi khi từng ý kiến, sự chia sẻ và phân tích như những câu nói trên cũng giúp ích cho việc nâng cao nhận thức về cơ cấu ngành nghề trong tương lai của thế hệ trẻ.

Nếu chúng ta tận tâm với nghề sẽ khích lệ được nhiều bạn trẻ theo nghề như điều mà PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa (đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội) đã phân tích trên Báo Dân trí: “Tôi tin, mùa tuyển sinh năm nay, nhiều bạn trẻ sẽ vẫn chọn thi vào ngành báo chí. Còn nếu số thí sinh có hao hụt một chút thì chọn lọc tự nhiên cũng là cần thiết. Ai chưa yêu cái nghề khó khăn này thì đừng chọn vội, ai học nghề khác, làm nghề khác rồi mà thấy thích nghề báo, có khả năng thì cánh cửa làm nghề vẫn luôn rộng mở...”.

Quả thật: “Ai chưa yêu cái nghề khó khăn này thì đừng chọn vội”. Ngẫm lại, thấy nhiều khi chúng ta luôn vội vã lựa chọn bởi muốn sở hữu một tấm vé để bước lên “con tàu” lập nghiệp đầy hy vọng đó mà quên rằng: nghề phải chọn mình chứ đâu chỉ cần mình chọn nghề. Nói đến đây, chợt thấy một câu hỏi thú vị lóe lên trong đầu: Liệu có bao giờ cha mẹ yêu nghề cùng con hay chỉ yêu con và muốn con có nghề. Liệu sự ủng hộ của chúng ta có phải là sự tỉnh táo?

Còn nhớ, nhà giáo dục Virender Kapoor chỉ ra 2 điều bất cập trong việc lựa chọn ngành nghề thời thượng: Thứ nhất, cái gì mang tính xu hướng sẽ không tồn tại lâu dài - thông thường, vòng đời của một xu hướng kéo dài khoảng 5 đến 10 năm. Thứ hai, mỗi người có rất nhiều lựa chọn, nếu suốt đời cứ nhất nhất giới hạn mình trong một lĩnh vực thì có thể sẽ gây hạn chế đối với tiềm năng của chính mình.

Hóa ra, để yêu được sự lựa chọn của con đâu chỉ cần sự tôn trọng mà còn cần sự khách quan, sự phản biện. Hay, nói cách khác, bạn cần dạy cho con mình một thói quen chung sống với sự phản biện chứ không chỉ là ước mơ xuôi chiều. Cha mẹ luôn chăm sóc, quan tâm và ủng hộ và cha mẹ có thể phản biện (với tư cách bình đẳng như một người cùng lứa tuổi, thế hệ), liệu việc đó có là quá khó? Nếu bạn thực sự yêu con và muốn đi cùng con đến tương lai thì hãy chọn một cách đồng hành cùng con như thế...

Thu Trang

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/mot-cach-dong-hanh-cung-con-i773625/
Zalo