Món đồ mà người Mỹ đang đổ xô tích trữ

Lo ngại giá cả tăng cao vì thuế quan, nhiều người ở Mỹ đã bắt đầu tích trữ một số sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc.

 Người mua sắm tại cửa hàng ở Seoul. Ảnh: Newsis

Người mua sắm tại cửa hàng ở Seoul. Ảnh: Newsis

Khi Esther Lee (32 tuổi), chủ công ty tiếp thị ở Los Angeles, nghe tin Mỹ sắp áp thuế lên hàng hóa từ Hàn Quốc, cô và chồng lập tức lên mạng mua bút kẻ mắt và kem chống nắng đủ dùng trong một năm.

Số lượng họ mua gấp 3 lần bình thường, trị giá hàng trăm USD.

Cặp đôi này nằm trong số những người tiêu dùng mỹ phẩm Hàn Quốc (còn được gọi là K-beauty) tại Mỹ đang tích trữ sản phẩm đề phòng giá cả tăng vọt.

Trên mạng xã hội, nhiều người có sức ảnh hưởng đã chia sẻ cảnh "gom hàng" của họ, theo New York Times.

“Tương lai còn chưa chắc chắn, nhưng có một điều tôi dám chắc. Tôi không thể mất đi các sản phẩm chăm sóc da Hàn Quốc mà mình yêu thích”, Taylor Bosman Teague, có nửa triệu người theo dõi trên TikTok, nói trong một video vào tháng 5 khi đang khui chai toner và kem dưỡng ẩm.

Cơn sốt mua sắm tích trữ này bắt đầu từ tháng 4, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế với hàng xuất khẩu từ Hàn Quốc nhưng sau đó tạm hoãn để đàm phán.

Đến đầu tháng 7, ông lại đe dọa áp thuế 25% lên gần như tất cả hàng hóa Hàn Quốc và Nhật Bản nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8.

Điều này gây chấn động trong ngành công nghiệp làm đẹp của Hàn Quốc, vốn đang bùng nổ nhờ sự lan tỏa của K-pop và K-drama.

Hành động trước khi thuế được áp dụng

Theo Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, xuất khẩu mỹ phẩm của nước này đạt mức kỷ lục 5,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2024.

Amorepacific, tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất Hàn Quốc, cho biết doanh số bán hàng nước ngoài tăng 40% trong năm qua.

Một số người Mỹ “đang hành động trước khi thuế được áp dụng”, và mua thêm hàng nhập khẩu, giáo sư Rob Handfield, nghiên cứu quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Bang North Carolina, cho biết.

Ông Handfield nói thêm đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, “khó có khả năng đạt được thỏa thuận” trước hạn chót vào ngày 1/8.

 Sản phẩm làm đẹp tại cửa hàng Olive Young ở Seoul vào tháng 4. Ảnh: Reuters.

Sản phẩm làm đẹp tại cửa hàng Olive Young ở Seoul vào tháng 4. Ảnh: Reuters.

Liah Yoo (36 tuổi), nhà sáng tạo nội dung ở New York và là người sáng lập KraveBeauty (thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc có trụ sở tại Mỹ), cho hay thuế quan sẽ có “tác động to lớn” đến toàn ngành mỹ phẩm. Các sản phẩm của thương hiệu cô được sản xuất tại Hàn Quốc.

“Thời điểm hiện tại thật rối ren vì chính sách thương mại thay đổi liên tục. Thật khó để các chủ doanh nghiệp lên kế hoạch trước”, Yoo chia sẻ với người theo dõi trên mạng xã hội.

Một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước từ lâu đã giúp mỹ phẩm Hàn Quốc được miễn thuế khi vào Mỹ, dẫn đến một trong những lợi thế của sản phẩm này là giá thành hợp lý, theo Yoo. Những thương hiệu phụ thuộc chủ yếu vào giá cả để duy trì khả năng cạnh tranh sẽ là bên bị ảnh hưởng nặng nhất.

Tuy vậy, cô nói mình “sẽ không vội vàng tăng giá” mà sẽ theo dõi tình hình trong 6 tháng tới.

Ở khía cạnh tích cực, Yoo cho rằng thuế quan có thể là “điều ngành cần” để chuyển từ cạnh tranh giá sang tập trung vào chất lượng và giá trị thực.

Trữ hàng

Người tiêu dùng K-beauty cho rằng sản phẩm Hàn Quốc có giá trị tốt, thường nhẹ dịu và ít gây kích ứng hơn các sản phẩm Mỹ. Thiết kế bắt mắt cùng sự quảng bá từ người nổi tiếng Hàn Quốc cũng góp phần làm tăng thêm sức hấp dẫn của chúng.

Trò chuyện qua Zoom, Esther Lee cho biết hiện cô đang dùng kẻ mắt của Clio, mascara kẻ mày của Espoir và mascara Etude House - tất cả đều là thương hiệu Hàn. Khoảng 80% đồ trang điểm và chăm sóc da của cô là sản phẩm Hàn Quốc.

Lee chia sẻ nếu giá mỹ phẩm tăng do thuế, cô sẽ tranh thủ mua hàng loạt khi về Hàn Quốc hoặc nhờ bạn bè mua hộ khi họ đến đó.

Sau khi ông Trump gửi thư cho Hàn Quốc về khả năng áp thuế vài tuần trước, Seoul đã cử nhà đàm phán hàng đầu, ông Yeo Han Koo, đến Washington gặp đại diện thương mại Mỹ, Jamieson Greer. Nhưng ông Yeo trở về mà gần như không đạt được kết quả gì.

“Chúng tôi đang cố gắng đạt một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên, nhưng đến giờ vẫn chưa thể xác định chính xác mỗi bên mong muốn điều gì từ phía bên kia”, Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung nói vào tháng 7.

Trong khi đó, một số người tiêu dùng cho biết họ sẽ tiếp tục trung thành với các thương hiệu Hàn Quốc yêu thích, ngay cả khi chúng trở nên đắt đỏ hơn.

Sophie He (27 tuổi), đến từ San Jose, California và đang học tiếng Hàn tại Đại học Yonsei (Seoul) trong mùa hè, cho biết toàn bộ mỹ phẩm cô dùng đều là hàng Hàn. Trước khi về Mỹ, cô sẽ mua đủ serum và kem dưỡng ẩm cho mình cùng bạn bè dùng trong nhiều tháng.

Cô yêu thích mỹ phẩm Hàn Quốc từ hồi trung học, sau khi thấy những người có sức ảnh hưởng dùng trên mạng xã hội. Cô nhận thấy sản phẩm Hàn Quốc có công thức và sắc tố nhẹ hơn, hợp với tông da của mình.

Tại một cửa hàng của Olive Young, chuỗi mỹ phẩm lớn, He chỉ vào hàng loạt sản phẩm, đọc thuộc lòng công dụng và thành phần của chíng.

“Làm đẹp kiểu Hàn Quốc vừa thú vị, vừa hợp thời và liên tục đổi mới”, cô nói. Khi hết hàng, cô sẽ không ngần ngại chi thêm tiền để mua tiếp.

“Với tôi, nó xứng đáng”, He cho hay.

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/mon-do-ma-nguoi-my-dang-do-xo-tich-tru-post1569489.html
Zalo