Mở rộng cánh cửa học nghề ngành thương mại - dịch vụ
Đào tạo nghề cho ngành thương mại - dịch vụ là lời giải nhân lực chiến lược, mở rộng cơ hội cho thanh niên vùng sâu, vùng xa tiếp cận giáo dục nghề hiện đại.
“Khoảng trống” nhân lực ngành ngành thương mại - dịch vụ hiện đại
Sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực thương mại - dịch vụ bán lẻ đang góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tạo việc làm và gia tăng giá trị cho nền kinh tế. Các siêu thị, chuỗi cửa hàng, sàn thương mại điện tử mọc lên khắp nơi không chỉ ở đô thị, mà đang lan rộng về các tỉnh, vùng nông thôn và miền núi. Thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân đang dần trở thành “sân nhà” đầy tiềm năng cho hàng hóa Việt.
Tuy nhiên, đằng sau gam màu sáng ấy là một “khoảng trống” lớn về nhân lực chất lượng. Phần lớn lao động ngành thương mại - dịch vụ bán lẻ hiện nay vẫn là lao động phổ thông, thiếu kỹ năng, yếu nghiệp vụ dịch vụ và không được đào tạo bài bản. Nhiều doanh nghiệp than phiền về tình trạng phải “đào tạo lại từ đầu” cho nhân viên mới vì không thể đáp ứng yêu cầu công việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Chương trình giáo dục nghề nghiệp cho ngành thương mại - dịch vụ bán lẻ được xem là “mảnh ghép còn thiếu” để phát triển thị trường lao động nội địa một cách bền vững. Ảnh: HITC
Tình trạng thiếu hụt nhân lực không chỉ diễn ra ở các trung tâm thương mại lớn mà còn bộc lộ rõ tại vùng nông thôn, miền núi nơi thị trường tiêu dùng đang mở rộng nhưng thanh niên lại thiếu định hướng nghề nghiệp, kỹ năng số và kỹ năng dịch vụ cơ bản. Đây là rào cản khiến lực lượng lao động trẻ, nhất là ở các địa phương vùng khó chưa thể tiếp cận hiệu quả với các ngành có giá trị gia tăng cao như thương mại - dịch vụ.
Trong khi đó, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn dạy nặng lý thuyết, thiếu môi trường thực hành, ít gắn kết với doanh nghiệp. Thực tiễn đòi hỏi người học phải biết vận hành phần mềm bán hàng, sắp xếp trưng bày, livestream giới thiệu sản phẩm, chăm sóc khách hàng trực tiếp và trực tuyến, hay xử lý tình huống trong ngành dịch vụ. Khó khăn càng chồng chất với thanh niên vùng sâu khi nhiều em không biết “học nghề là gì”, không hình dung được nghề nghiệp nào phù hợp với điều kiện địa phương, và cũng không đủ điều kiện tài chính để theo học xa nhà.
Trong bối cảnh đó, chương trình giáo dục nghề nghiệp cho ngành thương mại - dịch vụ bán lẻ được xem là “mảnh ghép còn thiếu” để phát triển thị trường lao động nội địa một cách bền vững. Đây không chỉ là lời giải cho nhu cầu doanh nghiệp, mà còn là cơ hội lớn cho hàng triệu thanh niên tại vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa những nơi đang dư thừa lao động trẻ nhưng thiếu định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Tuyên truyền giáo dục nghề cho thanh niên vùng khó đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình phát triển thị trường trong nước giai đoạn tới. Mục tiêu không chỉ là “dạy để có việc”, mà là tạo dựng đội ngũ nhân lực tại chỗ, phục vụ chính thị trường tiêu dùng bản địa, nơi đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đào tạo nghề: “Bệ đỡ” nhân lực vùng khó khăn
Nắm bắt xu hướng này, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động mở các ngành đào tạo mới trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Các trường đào tạo thuộc Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt mô hình đào tạo gắn với thực tiễn doanh nghiệp, kết hợp kiến thức chuyên môn với kỹ năng mềm, nghiệp vụ số và trải nghiệm thực tế.
Đặc biệt, HITC được đánh giá là một trong những cơ sở đào tạo phù hợp với nhiều đối tượng sinh viên, nhất là các em đến từ vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với phương châm đào tạo bao trùm, nhà trường đã thiết lập một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện giúp sinh viên yên tâm học tập, rèn luyện và phát triển nghề nghiệp.

Sau khi hoàn thành kỳ thực tập thực tế tại doanh nghiệp, sinh viên Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh được trao chứng chỉ nghề chuyên ngành thương mại - dịch vụ. Ảnh: HITC
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, với triết lý giáo dục “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhà trường luôn đặc biệt quan tâm đến sinh viên vùng sâu, vùng xa, những em có hoàn cảnh khó khăn.
“Chúng tôi triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực: miễn, giảm học phí theo quy định cho sinh viên diện chính sách; trao hàng trăm suất học bổng vượt khó mỗi năm từ nguồn xã hội hóa; hỗ trợ ký túc xá với mức phí ưu đãi và giới thiệu việc làm thêm phù hợp để các em trang trải chi phí học tập. Đặc biệt, ở các ngành như Quản trị doanh nghiệp, Thương mại điện tử, Logistics…, sinh viên được đưa đi thực tập tại doanh nghiệp ngay từ sớm để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, từ đó tự tin hơn khi bước vào thị trường lao động", ông Tuân nói.
Theo ông Tuân, chính nhờ hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện này mà HITC đã trở thành địa chỉ tin cậy của hàng ngàn bạn trẻ, nhất là sinh viên đến từ vùng khó, giúp các em tiếp cận nền giáo dục nghề nghiệp hiện đại và vững vàng kiến tạo tương lai bằng chính tay nghề và ý chí vươn lên của mình.
Giáo dục nghề nghiệp nếu được đầu tư bài bản và định hướng đúng đắn không chỉ là giải pháp tạo việc làm trước mắt, mà còn là con đường xóa nghèo bền vững cho hàng triệu thanh niên nông thôn, miền núi. Việc đào tạo kỹ năng nghề trong các lĩnh vực dịch vụ có giá trị cao như thương mại, logistics, bán lẻ… sẽ không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn góp phần chuyên nghiệp hóa thị trường tiêu dùng ngay tại địa phương, nơi lâu nay vốn thiếu lực lượng lao động được đào tạo chính quy.
Các chuyên gia cho rằng để phát huy hiệu quả hệ sinh thái giáo dục nghề cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng mở và linh hoạt. Trước tiên là thiết kế chương trình đào tạo bám sát thực tiễn thị trường, tích hợp kỹ năng số như vận hành sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng, sử dụng phần mềm quản lý bán lẻ, kho vận. Tiếp đến là thúc đẩy mô hình đào tạo kép, với sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp từ khâu giảng dạy đến đánh giá đầu ra. Cuối cùng và quan trọng không kém là tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới học sinh phổ thông, phụ huynh và chính quyền địa phương về vai trò, giá trị và cơ hội phát triển từ học nghề, từ đó dần xóa bỏ định kiến “học nghề là lựa chọn hạng hai”.
Trong chiến lược phát triển thị trường nội địa, lao động ngành thương mại - dịch vụ không đơn thuần là người “bán hàng”, mà đang trở thành lực lượng chăm sóc trải nghiệm tiêu dùng, giữ chân người tiêu dùng Việt bằng sự chuyên nghiệp, thân thiện và hiệu quả. Mỗi sinh viên vùng khó nếu được tiếp cận giáo dục nghề đúng cách, sẽ không chỉ có được việc làm ổn định mà còn có thể làm chủ cửa hàng, doanh nghiệp, chuỗi dịch vụ nhỏ của riêng mình. Họ chính là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nội địa, là nhân tố giúp đưa hàng Việt về làng, về bản và ngược lại, đưa sản phẩm vùng khó đến với thị trường rộng lớn hơn.
Đào tạo nghề ngành thương mại - dịch vụ bán lẻ, vì thế không chỉ là giải pháp nhân lực, mà là chiến lược phát triển thị trường, phát triển con người. Một chiến lược nhân văn, dài hạn và mang lại lợi ích lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Với thị trường nội địa ngày càng lan tỏa về nông thôn, miền núi và khu vực biên giới, các mô hình thương mại - dịch vụ như du lịch cộng đồng, cửa hàng đặc sản vùng cao, điểm bán hàng lưu động, dịch vụ hậu cần, giới thiệu sản phẩm OCOP… đang mở ra nhu cầu lớn về nhân lực có kỹ năng. Không chỉ riêng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống mà cả hoạt động phân phối, bán hàng, chăm sóc khách hàng, vận hành gian hàng số cũng cần người trẻ được đào tạo bài bản. Điều này cho thấy giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ không chỉ dành cho đô thị, mà đang trở thành lực đẩy thực chất để phát triển kinh tế tại chỗ và khai thác hiệu quả tiềm năng vùng.