Miễn viện phí: Chuyện thật tại nhiều quốc gia

Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các mô hình bảo hiểm y tế toàn dân, giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh với chi phí thấp hoặc miễn phí hoàn toàn.

Từ ngày 1/7, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi chính thức có hiệu lực, kỳ vọng góp phần giảm gánh nặng viện phí cho người dân, nhất là với những ca bệnh nặng, điều trị kéo dài. Việc mở rộng quyền lợi và phạm vi chi trả của bảo hiểm không chỉ giúp người bệnh yên tâm điều trị, mà còn là bước tiến trong nỗ lực đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế, hướng đến mục tiêu miễn viện phí toàn dân.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai các mô hình khác nhau nhằm giảm hoặc miễn chi phí điều trị, tất cả đều hướng tới mục tiêu chung: không để người dân phải từ bỏ việc chữa bệnh vì không đủ khả năng chi trả.

Chính phủ chi trả toàn bộ

Tại một số quốc gia như Anh, Thụy Điển hay Canada, nhà nước đảm nhận vai trò trung tâm trong việc chi trả chi phí y tế cho người dân. Mô hình này được gọi là “single-payer”, tức chính phủ là bên chi trả duy nhất, dùng ngân sách công để vận hành toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe.

 Tỷ lệ chi tiêu công cho y tế của các quốc gia.

Tỷ lệ chi tiêu công cho y tế của các quốc gia.

Ở Anh, hệ thống y tế quốc gia (NHS) được thành lập từ năm 1948 với cam kết cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, miễn phí tại điểm sử dụng cho toàn bộ cư dân. Mỗi năm, chính phủ Anh chi khoảng 150 tỷ bảng Anh cho NHS, tương đương gần 10% GDP, theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế năm 2023.

Người dân không cần trả phí khi khám bệnh, điều trị, sinh con hay phẫu thuật, trừ một số khoản nhỏ như tiền thuốc kê đơn (tại Anh khoảng 9,65 bảng/lần, nhưng miễn phí cho trẻ em, người cao tuổi, người có thu nhập thấp).

Tương tự, Thụy Điển vận hành hệ thống y tế công thông qua ngân sách từ các hội đồng vùng. Người dân được chăm sóc y tế với chi phí thấp, phần lớn dịch vụ như sinh con, phẫu thuật, điều trị ung thư đều miễn phí.

Riêng đối với khám ngoại trú, người dân sẽ phải đóng một khoản cố định, tối đa là 1.200 SEK/năm (tương đương 120 USD). Phần vượt ngoài số này sẽ được nhà nước chi trả. Chi tiêu công cho y tế chiếm đến 11% GDP quốc gia này.

 Các chính sách bảo hiểm y tế giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị. Ảnh: Shutterstock.

Các chính sách bảo hiểm y tế giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị. Ảnh: Shutterstock.

Còn với Canada, nước này tổ chức hệ thống bảo hiểm y tế công theo từng tỉnh bang, tuân theo khung pháp lý chung là Đạo luật Y tế Canada (Canada Health Act).

Mỗi tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức, vận hành và chi trả dịch vụ y tế cho người dân trong vùng, trong khi chính phủ liên bang hỗ trợ tài chính thông qua các khoản chuyển giao. Hơn 70% chi phí y tế ở Canada do nhà nước chi trả, còn lại do người dân đồng chi trả hoặc mua bảo hiểm bổ sung cho dịch vụ ngoài phạm vi công (như nha khoa, thuốc không kê đơn, kính mắt...).

Đóng góp song song

Một số quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản, Pháp và Hàn Quốc lựa chọn triển khai hệ thống bảo hiểm y tế xã hội bắt buộc, với nguyên tắc mọi người dân đều phải tham gia, không phân biệt thu nhập hay nghề nghiệp. Mô hình này thường dựa trên cơ chế đóng góp song song giữa người lao động và người sử dụng lao động, trong khi nhà nước đóng vai trò điều tiết và hỗ trợ cho nhóm yếu thế như người thất nghiệp, hưu trí hoặc có thu nhập thấp.

Tại Đức, người dân có quyền được lựa chọn tham gia bất kỳ trong 100 quỹ bảo hiểm công. Ảnh: DPA.

Tại Đức, người dân có quyền được lựa chọn tham gia bất kỳ trong 100 quỹ bảo hiểm công. Ảnh: DPA.

Pháp được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thống y tế tốt nhất thế giới, phần lớn nhờ vào cơ chế bảo hiểm y tế xã hội hiệu quả. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tại Pháp gần như toàn dân, với nguồn tài chính chủ yếu từ đóng góp của người lao động và chủ doanh nghiệp.

Nhà nước hỗ trợ chi phí cho nhóm yếu thế và đồng thời chi trả phần lớn chi phí điều trị qua hệ thống “bảo hiểm cơ bản” (Assurance Maladie). Người dân thường chỉ đồng chi trả khoảng 20-30% chi phí, nhưng nếu có mua thêm bảo hiểm bổ sung (mutuelle), thì gần như được chi trả toàn bộ.

Ở Nhật Bản, hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia được tổ chức thành hai nhóm: người lao động (được công ty đăng ký tham gia) và người không có việc làm hoặc tự doanh (tự đăng ký tại địa phương).

Hơn 98% dân số được bảo hiểm, với mức đồng chi trả 20-30% chi phí khám chữa bệnh, tùy theo độ tuổi và hoàn cảnh cá nhân. Ở người lớn tuổi, mức chi trả rơi vào khoảng 10-20%. Hệ thống này cho phép người bệnh được tự do lựa chọn cơ sở khám chữa, đồng thời kiểm soát giá dịch vụ y tế thông qua biểu phí cố định toàn quốc.

 Phần lớn chi phí điều trị được chính phủ Pháp chi trả qua hệ thống “bảo hiểm cơ bản” (Assurance Maladie). Ảnh: Nicolas Zaugra/actu Lyon.

Phần lớn chi phí điều trị được chính phủ Pháp chi trả qua hệ thống “bảo hiểm cơ bản” (Assurance Maladie). Ảnh: Nicolas Zaugra/actu Lyon.

Tại Đức, hệ thống bảo hiểm y tế xã hội có lịch sử hơn 140 năm, hiện bao phủ hơn 90% dân số thông qua khoảng 100 quỹ bảo hiểm công (Krankenkassen). Mỗi người tham gia đóng khoảng 14,6% lương tháng, chia đều cho người lao động và chủ sử dụng lao động, cộng thêm một phần phụ phí do quỹ bảo hiểm tự xác định.

Người dân có thể lựa chọn tham gia bất kỳ trong các quỹ bảo hiểm công khác nhau và vẫn được hưởng gói quyền lợi tương đối đồng nhất. Khi đi khám bệnh, người dân gần như không phải trả tiền trực tiếp, hoặc chỉ đóng phí rất thấp, thường là 10 euro cho ba tháng đầu điều trị tại một cơ sở y tế.

Mô hình tổng hợp

Với mô hình hỗn hợp, nhiều nước đã dung hòa giữa ngân sách nhà nước, tiết kiệm cá nhân và bảo hiểm để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu mà không phải lo lắng quá nhiều về chi phí.

Tại Thái Lan, mô hình “30 baht chữa mọi bệnh” là một bước ngoặt lớn trong lịch sử y tế công cộng. Chính sách này cho phép người dân chỉ phải trả khoảng 20.000 vnđ cho mỗi lần khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công, phần còn lại do nhà nước chi trả thông qua ngân sách.

Kể từ khi được triển khai vào năm 2002, chương trình đã giúp hơn 99% dân số Thái Lan có bảo hiểm y tế. Tỷ lệ các hộ gia đình phải chi trả chi phí y tế vượt quá khả năng giảm mạnh, từ 6% xuống chỉ còn 0,4% trong vòng chưa đầy hai thập niên. Không chỉ giảm gánh nặng tài chính, chính sách này còn khuyến khích người dân tiếp cận y tế sớm hơn, nâng cao hiệu quả điều trị và phòng bệnh.

 Mô hình "30 baht chữa mọi bệnh" của Thái Lan có độ bao phủ cao. Ảnh: Bangkok Post.

Mô hình "30 baht chữa mọi bệnh" của Thái Lan có độ bao phủ cao. Ảnh: Bangkok Post.

Trong khi đó, Singapore chọn cách kết hợp giữa tiết kiệm cá nhân bắt buộc và hỗ trợ từ nhà nước. Hệ thống y tế của nước này xoay quanh ba chương trình: MediSave, MediShield và Medifund. Mỗi người dân đều trích một phần thu nhập hàng tháng vào tài khoản MediSave (quỹ tiết kiệm y tế cá nhân) để chi trả chi phí khám chữa bệnh.

Những chi phí lớn hơn, như phẫu thuật hoặc nằm viện dài ngày, được bảo hiểm MediShield hỗ trợ. Với các trường hợp khó khăn, quỹ Medifund do nhà nước lập ra sẽ can thiệp. Nhờ cơ chế này, Singapore duy trì được chi tiêu y tế ở mức thấp (khoảng 3,5% GDP) nhưng vẫn đạt hiệu quả cao, với tuổi thọ trung bình thuộc hàng cao nhất thế giới.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/mien-vien-phi-chuyen-that-tai-nhieu-quoc-gia-post1566948.html
Zalo