Miền Trung: Mưa lũ gây sạt lở, chia cắt nhiều nơi

Lũ lên nhanh do mưa lớn cùng với các hồ thủy điện điều tiết xả nước từ thượng nguồn khiến nhiều người dân tại Thừa Thiên Huế không kịp trở tay. Ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định mưa ngớt dần nhưng người dân lại đang đối mặt với tình trạng sạt lở núi và biển xâm thực diễn ra trên diện rộng.

Từ đầu giờ sáng 25-11, nhiều tuyến đường ở TP Huế ngập sâu trong nước, không thể đi lại. Tại khu vực thành nội và các phường An Cựu, Xuân Phú, Vỹ Dạ, lũ sông Hương lên nhanh khiến nhiều người dân không kịp trở tay, phải lội bộ đi mua thức ăn dự trữ. Các tỉnh lộ 25B, 8B, 12D… đi qua các huyện Phú Lộc, Quảng Điền và thị xã Hương Trà nhiều điểm ngập hơn 1m nên lực lượng chức năng đã rào chắn, cảnh báo nguy hiểm đối với người và phương tiện tham gia giao thông.

Trong ngày 25-11, tỉnh Thừa Thiên Huế cho tất cả học sinh nghỉ học tránh lũ, đồng thời tổ chức di dời khẩn cấp hơn 100 hộ dân ở xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) và các xã Lộc Tiến, Lộc Trì và Lộc Điền của huyện Phú Lộc đến nơi ở an toàn.

 Lối ra đường cao tốc La Sơn - Túy Loan xuống thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt trượt taluy dương. Ảnh: NGUYỄN TRỌNG

Lối ra đường cao tốc La Sơn - Túy Loan xuống thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt trượt taluy dương. Ảnh: NGUYỄN TRỌNG

Tối 25-11, lãnh đạo UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, mưa lớn đã khiến taluy dương đường cao tốc La Sơn - Túy Loan qua địa bàn huyện bị sạt trượt tại Km29 và lối ra cao tốc tại Km13+250 (đường nhánh 1) đoạn xuống thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông. Đường nhánh 1 sạt trượt dài khoảng 30m, cao khoảng 10m. Tại hiện trường, từng lớp bê tông kèm theo đất đá trượt xuống khỏi mái taluy.

 Nhà của gia đình ông Trần Văn Khưa (thôn Liên Hiệp, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) có nguy cơ bị chôn vùi vì sạt lở núi. Ảnh: VÕ TIẾN

Nhà của gia đình ông Trần Văn Khưa (thôn Liên Hiệp, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) có nguy cơ bị chôn vùi vì sạt lở núi. Ảnh: VÕ TIẾN

Trước đó, khoảng 19 giờ 45 tối 24-11, do mưa lớn nên nhà ông Trần Văn Khưa (sinh năm 1973, trú tại thôn Liên Hiệp, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) xảy ra hiện tượng sạt lở đồi đất phía sau xuống nhà. Khi xảy ra sạt lở, trong nhà có 8 người là các thành viên trong gia đình. Hậu quả, ông Khưa và vợ bị thương, được lực lượng chức năng đưa đi sơ cứu tại Trạm y tế Đoàn Kinh tế quốc phòng 92; 6 người còn lại trong gia đình an toàn và được đưa đến trú tại nhà người thân.

Chiều 25-11, ông Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam thông tin, đơn vị vừa có thông báo phân luồng giao thông do sự cố mặt cầu Đắk Mi 1 trên QL 14E bị hư hỏng. Theo đó, mưa lớn cục bộ làm mái taluy dương tại vị trí cầu Đắk Mi 1 sạt xuống, kéo theo đất đá làm ách tắc cục bộ. Lực lượng chức năng huy động nhân lực dọn đất đá, tạm thời cho các phương tiện nhỏ lưu thông trên cầu.

Cùng ngày, huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) tổ chức di dời khẩn cấp 138 hộ dân với 523 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Tại bờ biển thôn Tuyết Diêm 1 (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) triều cường, sóng lớn đã đánh sạt lở thêm hàng chục mét, sâu gần 4m vào nhà dân, uy hiếp tuyến đường giao thông vào Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Dung Quất.

Trong khi đó, tại Bình Định, mưa lũ gây sạt lở vùi lấp cả tuyến đường độc đạo từ trung tâm huyện An Lão vào xã An Vinh, chia cắt 2.044 người dân. Ông Đinh Văn Mẩy, Chủ tịch UBND xã An Vinh cho biết, huyện đã huy động thiết bị, nhân lực đến mở đoạn núi, đào đường tạm cho người dân đi lại bằng xe máy, xe thô sơ.

VĂN THẮNG - NGUYỄN CƯỜNG - NGỌC OAI - NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-trung-mua-lu-gay-sat-lo-chia-cat-nhieu-noi-post770041.html
Zalo