Miền Bắc nắng nóng gay gắt: Tránh sốc nhiệt cách nào?

Miền Bắc đang trong những ngày nắng nóng gay gắt, độ ẩm cao. Theo chuyên gia y tế, người lao động ngoài trời cần bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý tránh say nắng, say nóng, sốc nhiệt.

Những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời có thể vượt 400C, khiến nguy cơ say nắng, say nóng và sốc nhiệt tăng cao với những người phải làm việc ngoài trời trong thời gian dài. Trong thời gian qua, không ít trường hợp sốc nhiệt phải nhập viện cấp cứu.

Một ca sốc nhiệt do làm việc ngoài trời nắng nóng phải nhập viện cấp cứu.

Một ca sốc nhiệt do làm việc ngoài trời nắng nóng phải nhập viện cấp cứu.

Chia sẻ về nguyên nhân sốc nhiệt, ThS.BS Trương Tư Thế Bảo - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đó là hậu quả của tình trạng cơ thể bị tích tụ nhiệt do môi trường nắng nóng kéo dài, khi các cơ chế điều nhiệt tự nhiên không còn hoạt động hiệu quả.

Có 2 cơ chế hay gặp, thứ nhất do nắng chiếu trực tiếp vào đầu và cổ gáy, có thể gây rối loạn thần kinh trung ương, dẫn đến lơ mơ, ngất hoặc thậm chí tử vong. Thứ hai là môi trường nóng do tiếp xúc lâu với nhiệt độ môi trường cao khiến cơ thể không thể đào thải nhiệt kịp thời, dẫn đến rối loạn điện giải, suy tuần hoàn và tổn thương đa cơ quan như gan, thận, não.

Những triệu chứng ban đầu của sốc nhiệt bao gồm: Mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, thở nhanh, thân nhiệt tăng cao, lơ mơ và co giật. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể nhanh chóng rơi vào hôn mê sâu, suy gan cấp, hoại tử cơ, suy đa cơ quan và tử vong.

Để tránh tình trạng say nắng, nóng và sốc nhiệt trong mùa hè, BS Bảo khuyến cáo, người lao động ngoài trời cần được bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt tránh làm việc trong khung giờ nắng gắt từ 10h - 16h.

Khi làm việc, nên đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài tay, sử dụng khăn bảo vệ cổ gáy, đồng thời uống đủ nước và bổ sung điện giải đều đặn để tránh mất nước và rối loạn thân nhiệt.

Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như mệt lả, choáng váng hoặc đau đầu, cần lập tức dừng công việc, tìm nơi râm mát để nghỉ ngơi và theo dõi sát tình trạng sức khỏe.

"Với những người có bệnh mạn tính như xơ gan, suy thận… hoặc đang lạm dụng rượu, nguy cơ bị sốc nhiệt và các biến chứng nghiêm trọng sẽ cao hơn nhiều. Do đó, cần đặc biệt thận trọng khi làm việc trong điều kiện thời tiết oi bức.

Nếu nghi ngờ có người bị say nắng hoặc sốc nhiệt, cần nhanh chóng đưa nạn nhân vào nơi mát mẻ, hạ thân nhiệt bằng cách lau người bằng khăn ấm, quạt nhẹ, cho uống nước nếu còn tỉnh táo và nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời", BS Bảo lưu ý.

Riêng với trẻ nhỏ, ThS.BS Phạm Lê Lợi - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Hà Nội lưu ý, trong những ngày nắng nóng không nên để trẻ chơi ngoài trời lâu. Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu say nắng như người mệt lả, mặt đỏ, mắt lơ mơ… cha mẹ cần lưu ý xử trí kịp thời tránh dẫn đến trường hợp sốc nhiệt.

BS Lê Lợi cũng lưu ý khi trẻ say nắng, cha mẹ tuyệt đối không ngâm trẻ vào nước đá cho mát nhanh hoặc ép uống thật nhiều nước… bởi điều này có thể gây sốc nhiệt ngược, tổn thương thần kinh hoặc nguy hiểm tính mạng. Theo đó, cha mẹ nên làm mát cho trẻ bằng cách lau người, uống oresol và theo dõi nhiệt độ. Cần đưa trẻ đến viện nếu thấy trẻ lơ mơ, mất ý thức, nôn liên tục, da nóng đỏ, không giảm nhiệt, khó thở…

Vũ Vũ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/mien-bac-nang-nong-gay-gat-tranh-soc-nhiet-cach-nao-192250718143114789.htm
Zalo