Metro số 2: Hứa hẹn hiệu quả từ cách làm mới

Việc sử dụng nguồn vốn ngân sách TP HCM thay vì vốn ODA để xây dựng metro số 2 được kỳ vọng đưa tuyến đường sắt đô thị này vào vận hành năm 2030 hoặc sớm hơn

Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM vừa có thông báo kết luận phương án triển khai tuyến tàu điện Bến Thành - Tham Lương (metro số 2).

Dùng vốn ngân sách

Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM thống nhất chủ trương sử dụng ngân sách thành phố để triển khai các phần việc tiếp theo của dự án thay vì dùng vốn ODA từ nhiều ngân hàng như tính toán trước đây. Ngoài ra, bổ sung công trình kết nối tuyến đường sắt đô thị này với metro số 1 tại ga Bến Thành, quận 1.

Chính quyền thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) phối hợp các bên liên quan hoàn thiện phương án thực hiện. Trong đó, các đơn vị cần đánh giá tác động toàn diện về những vấn đề phát sinh liên quan pháp lý, tài chính, ngoại giao; nghiên cứu, bổ sung cơ chế EPC (tổng thầu - thực hiện các công việc từ thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử, nghiệm thu, bàn giao cho bên giao thầu) vào Đề án phát triển đường sắt đô thị theo Kết luận 49/2023 của Bộ Chính trị…

Các gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật đang triển khai tại công trường metro số 2

Các gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật đang triển khai tại công trường metro số 2

Để chuẩn bị cho việc triển khai, Ban Cán sự Đảng thành phố giao Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án huy động vốn phù hợp và báo cáo lại UBND TP HCM trước ngày 30-11.

Tránh lặp lại vướng mắc

Tuyến metro số 2 được phê duyệt từ năm 2010 có tổng chiều dài 11,3 km đi qua địa bàn 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với 11 nhà ga, tổng mức đầu tư 47.890 tỉ đồng, trong đó tổng số vốn vay 37.486 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng ngân sách thành phố. Dự án quan trọng này từng được xác định hoàn thành vào năm 2026, song do nhiều khó khăn nên thời gian được lùi đến năm 2030.

Theo TS Dương Như Hùng, thành phố nên tính toán huy động vốn bằng phát triển quỹ đất xung quanh các tuyến metro để từ đó hình thành những khu đô thị TOD. Tuy nhiên, cần tránh việc các nhà đầu cơ "nhảy" vào mua đất khi có quy hoạch và nếu được, thành phố nên mua luôn các khu đất này từ sớm.

Việc sử dụng vốn ngân sách thành phố cũng như nghiên cứu hình thức tổng thầu EPC để thực hiện tuyến metro số 2 được các chuyên gia kỳ vọng mang lại hiệu quả, rút ngắn thời gian triển khai so với tuyến metro số 1.

TS Phạm Viết Thuận - Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM - tâm đắc hình thức tổng thầu EPC.

Ông cho rằng để hạn chế những hệ lụy và đội vốn cho dự án, tránh những điểm khó từng xuất hiện tại tuyến metro số 1, các cơ quan liên quan cần xem xét khuyến khích sử dụng liên danh nhà thầu trong nước và quốc tế trong tư vấn, thiết kế đến thi công và ưu tiên sử dụng hình thức trên. Tổng thầu sẽ quản lý dự án từ khâu thiết kế đến thi công và chịu trách nhiệm toàn bộ về công trình; trong khi đó, việc sử dụng liên danh nhà thầu giúp tăng tính chủ động, không phụ thuộc nhà thầu nước ngoài.

Trường hợp nhà thầu nước ngoài chấm dứt hợp đồng, theo TS Phạm Viết Thuận, cũng không ảnh hưởng lớn đến quá trình thi công vì tổng thầu sẽ điều phối, chịu trách nhiệm.

Tính kỹ phương án huy động

TS Dương Như Hùng - Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP HCM - quan tâm đến phương án huy động vốn của thành phố. Theo ông, với yêu cầu của Ban Cán sự Đảng thì UBND TP HCM cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng về các phương án huy động vốn và nên có sự góp ý của nhiều chuyên gia để làm rõ mọi tình huống, tạo sự công bằng, minh bạch… khi thực hiện dự án.

Việc huy động vốn bằng nhiều phương pháp như phát triển quỹ đất dọc metro, phát hành trái phiếu, kêu gọi đầu tư PPP… nên được phối hợp hài hòa, có thể một số hạng mục huy động nguồn này, một số hạng mục huy động nguồn khác để hướng tới sự hiệu quả.

Bởi các phương án huy động vốn đều tiềm ẩn một số rủi ro, có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân nên cần linh hoạt, uyển chuyển, tính toán kỹ càng.

Ông Dương Như Hùng lấy ví dụ khi sử dụng tiền ngân sách trung ương hoặc địa phương để xây dựng metro thì phải chuyển dòng tiền từ nơi khác cân đối về nên nơi dòng tiền rời đi sẽ chịu tác động; hoặc để cân đối ngân sách, nhà nước phải tăng thuế, ảnh hưởng đến thu nhập người dân...

Dù vậy, TS Dương Như Hùng khẳng định việc dùng ngân sách thành phố làm tuyến metro số 2 giúp TP HCM chủ động, không phụ thuộc vốn tài trợ, vốn vay cũng như điều khoản ràng buộc. "Bên cạnh đó, sẽ chủ động công nghệ, nâng cao năng lực của các nhà thầu trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành đường sắt và hạn chế ảnh hưởng tiến độ khi thay đổi nhà thầu" - TS Hùng nêu ý kiến.

Ngày khởi công đang gần

Đại diện MAUR cho biết đến nay, tỉ lệ bàn giao mặt bằng cho dự án đạt 98,6% (577/585 trường hợp). Hiện UBND quận 3 và quận Tân Bình đang tiếp tục thu hồi đất các trường hợp để cuối năm 2024 bảo đảm 100%.

Đến cuối năm 2024, metro số 2 sẽ có toàn bộ mặt bằng

Ngoài mặt bằng, từ tháng 3-2024, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đang được các nhà thầu triển khai thi công đồng loạt tại 12/12 vị trí nhà ga và đoạn đào hở. Các hạng mục di dời gồm điện, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, viễn thông dự kiến hoàn thành cuối quý II/2025.

Từ quý I/2025, các gói thầu chính để khởi công xây dựng được đấu thầu... Theo kế hoạch, metro số 2 dự kiến được xây dựng, lắp đặt thiết bị trong 5 năm và cần thêm 2 năm để khắc phục khiếm khuyết, bảo hành.

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/metro-so-2-hua-hen-hieu-qua-tu-cach-lam-moi-196241126215157569.htm
Zalo