Mệnh lệnh từ trái tim
Tại TPHCM, những năm qua, công tác xác nhận liệt sĩ và trao bằng 'Tổ quốc ghi công' được triển khai bài bản, nhân văn, nhất là đối với những trường hợp chưa xác lập hồ sơ từ nhiều năm trước.
Mỗi tấm bằng “Tổ quốc ghi công” không chỉ ghi công người đã mất, mà còn xoa dịu nỗi đau, hoàn tất lời hứa còn dang dở của những người thân, những đồng đội còn ở lại.
Lời tri ân khắc sâu trong tim người ở lại
Một trong những câu chuyện xúc động là hành trình ngược xuôi Nam - Bắc gần một thập niên không mỏi bước của bà Trần Thị Lới (sinh năm 1952, ngụ phường Tân Bình, TPHCM) để hoàn thành tâm nguyện thiêng liêng, xin cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho anh trai - liệt sĩ Trần Kim Lai.

Ông Đinh Ngọc Châu, em trai liệt sĩ Đinh Hoàng Hoa từ tỉnh Nghệ An vào dâng hương cho anh trai (hy sinh ở Campuchia) tại Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Hưng - Tân Hưng. Ảnh: THU HOÀI
Trong ký ức của bà Trần Thị Lới, người em út duy nhất còn lại trong gia đình có ba anh em, hình ảnh người anh cả, liệt sĩ Trần Kim Lai, vẫn luôn hiện hữu như một phần máu thịt. Cha mẹ mất sớm, người anh thứ hai cũng qua đời vì tai nạn lao động, bà lớn lên trong sự đùm bọc của hai người anh.
Liệt sĩ Trần Kim Lai (sinh năm 1940) là con trưởng trong gia đình, lên đường nhập ngũ khi vừa 23 tuổi, tham gia chiến dịch Trường Sơn thuộc đoàn 559 công binh. Những năm tháng chiến đấu liên tục khiến sức khỏe ông suy kiệt, phải tạm lui về quê điều trị trước khi tiếp tục trở lại chiến trường rồi mãi mãi nằm lại nơi đó vào năm 1967.
Biết tin anh hy sinh, bà Lới, khi đó là nữ sinh được Nhà nước tạo điều kiện học dự bị đại học, đã xin đi bộ đội, tiếp bước người anh cả. Cuộc đời bà là chuỗi những tháng năm thầm lặng, gắng gượng giữ gìn ký ức gia đình chỉ còn sót lại nơi mình.
Năm 2016, khi hay tin về việc cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho các liệt sĩ, bà bắt đầu hành trình từ TPHCM trở về quê hương miền Bắc, lần theo hồ sơ, địa chỉ, đơn vị cũ… nhưng đều nhận được câu trả lời: không có hồ sơ liệt sĩ Trần Kim Lai. Về sau, tuổi cao sức yếu, bà đành tạm gác lại hành trình này.
Mãi đến năm 2024, gần 10 năm sau, bà nhận được thông báo từ chính quyền địa phương về việc cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho anh trai. Cuối năm đó, bà Lới xúc động nhận tấm bằng thay anh trai trong buổi lễ trang trọng do TPHCM tổ chức.
“Ba mẹ mất sớm, anh chưa kịp lấy vợ đã hy sinh. Tôi là đảng viên, là người thân duy nhất còn lại. Tôi chỉ nghĩ, nếu không làm được chuyện này thì tôi chưa hoàn thành bổn phận với anh. Giờ cầm tấm bằng trong tay, tôi thấy mình đã an lòng. Dù sau này có mất, thì tấm bằng này vẫn còn, vẫn được con cháu đời sau gìn giữ và tự hào về lịch sử của ông bà mình”, bà Lới chia sẻ.
Trong làn khói hương nghi ngút giữa khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP TPHCM (xã Long Chữ, tỉnh Tây Ninh), bà Võ Thị Ngọc Thanh (sinh năm 1970, ngụ TPHCM) lặng lẽ cúi đầu trước tượng đài khắc tên chị gái mình. Mỗi năm, bà đều trở lại nơi này để thăm người chị đã hy sinh.
Bà Thanh kể, chị bà tên Võ Thị Ngọc Mai, là con gái lớn trong gia đình. Năm 1976, khi vừa tròn 17 tuổi, chị Mai nhiều lần xin gia đình cho đi TNXP nhưng bị từ chối.
“Lần đầu, chị giấu má đi đăng ký. Má biết được, bắt chị về ngay. Nhưng lần thứ hai, chị năn nỉ, khóc lóc mấy ngày. Cuối cùng, má tôi đành gật đầu. Má nói: thôi thì đi vì non sông đất nước, rồi cũng sớm về lại”. Nhưng chị mãi mãi không trở lại.
Bà Thanh nhớ mãi lần cuối chị mình về phép thăm nhà: “Đơn vị cấp cho chị một dải vải nhưng nhà nghèo, chị không có tiền may áo. Tôi đập heo đất, góp được mấy đồng đưa chị đi may. Trước lúc đi, chị ôm tôi, nói chuyến này chị đi, không biết bao giờ mới được về”. Lời nói ấy linh nghiệm khi vài tuần sau, giấy báo tử gửi về nhà.
Bà Thanh kể, trong đợt hy sinh năm ấy, có 24 liệt sĩ TNXP ngã xuống nơi tuyến biên giới Tây Nam. Chị Mai là một trong số đó, ngã xuống khi mới 19 tuổi. Nhưng hơn 40 năm sau, chị vẫn sống trong lòng gia đình, đồng đội và những người ở lại.
Ngày về trong vòng tay đồng đội
Nếu bằng “Tổ quốc ghi công” là minh chứng cho giá trị hy sinh của người chiến sĩ cách mạng, thì công việc miệt mài đi tìm hài cốt đồng đội để đưa về với đất mẹ yêu thương là một mệnh lệnh từ trái tim những người đồng đội may mắn còn sống sót.
Những tưởng đến khi nhắm mắt, ông Nguyễn Văn Thách, ngụ TP Hải Phòng, không thể tìm được phần mộ để thắp cho con trai nén nhang. Thế nhưng ở tuổi 90, ông Thách đã an lòng khi con trở về quê hương trong vòng tay đồng đội.
Nhà ông Thách có 3 liệt sĩ, trong đó có 2 em trai và con trai cả là liệt sĩ Nguyễn Văn Thử hy sinh vào tháng 3-1978 ở chiến trường Tây Nam. Sau hàng chục năm nằm lại chiến trường, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thử được đưa về quê nhà trong niềm vui vô bờ bến.
Từng là người lính bộ binh (thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 24, Trung đoàn 210, Sư đoàn 7 miền Đông Nam bộ), ông Vũ Đức Hân, hiện là Phó Ban Liên lạc Hội đồng hương Hải Phòng tại TPHCM - người trực tiếp cùng các cựu chiến binh tìm và đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thử cùng nhiều đồng đội về quê nhà - chia sẻ: “Mỗi hài cốt được đưa về quê nhà, mỗi cái tên được trả lại cho đồng đội là một niềm hạnh phúc lớn lao của chúng tôi”.

Ông Vũ Đức Hân xem lại từng tấm hình của đồng đội và những ngày lặn lội rừng sâu tìm hài cốt đồng đội mình
Hơn 30 năm cùng đồng đội lặn lội trong rừng sâu, sang đất nước bạn Campuchia để tìm hài cốt đồng đội, ông Hân đã góp phần đưa hơn 340 hài cốt liệt sĩ về quê nhà trong vòng tay và nước mắt hạnh phúc của người thân. Tuy nhiên, ông Hân vẫn trăn trở, bởi còn đó nhiều đồng đội chưa được trả lại đúng tên và quê quán.
Ông Hân đưa chúng tôi xem quyển sổ ghi kỹ lưỡng thông tin các liệt sĩ. Lật đến trang về liệt sĩ Hoàng Văn Lương, chúng tôi thấy ông Hân ghi chú rất đầy đủ: sinh năm 1948, nhập ngũ năm 1966, hy sinh ngày 25-3-1968, đơn vị chiến đấu: Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Đã xác minh được 47 tỉnh không có tên Hoàng Văn Lương (còn 16 tỉnh - theo thông tin 63 tỉnh, thành phố cũ - PV). Quê quán: xã Minh Đức, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng (nay là xã Tiên Lãng, TP Hải Phòng).
10 năm nay, ông Hân miệt mài đi các nơi tìm hiểu để trả đúng tên cho liệt sĩ Hoàng Văn Lương.
“Ngày thấy bia mộ đồng chí Hoàng Văn Lương ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Bến Cầu chỉ có tên, không địa chỉ, quê quán, tôi đã lên kế hoạch và tìm kiếm suốt 10 năm qua. Đến nay, với con số các tỉnh, thành phố hồi âm không có tên, chỉ có tại TP Hải Phòng có tên đồng chí này thì tôi chắc đến 99% liệt sĩ Hoàng Văn Lương quê ở Hải Phòng. Tôi mong dịp 27-7 năm nay, đồng chí sẽ được về với quê nhà”, ông Hân tâm sự.
Ông Hân là người thoát khỏi tay tử thần 2 lần. Một lần là trong trận đánh ngày 29-4-1975 ở cầu Suối Máu (Biên Hòa, Đồng Nai), ông Hân bị thương ở đầu, bất tỉnh. Đồng đội trong lúc lau thi thể để đưa đi chôn cất thì thấy ông thở lại.
Lần thứ 2, ông thoát chết vì sau khi đưa đoàn thanh niên xung phong (TNXP) đến nơi đóng quân ở chiến trường Campuchia vào năm 1978, ông trở về sở chỉ huy. Sau đó ông hay tin 24 đồng chí hy sinh trong một trận càn quét thảm khốc.
“Đồng đội đã hy sinh để chúng tôi được sống, chính vì thế, dù thế nào tôi cũng cố gắng tìm và đưa đồng đội mình về với quê hương. Đó là mệnh lệnh từ trái tim”, ông Hân khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Tuyết bồi hồi nhớ về đồng đội ngày nào
Cũng là người thoát chết trong trận càn vào năm 1978 ở Campuchia nhờ được điều đi tập văn nghệ, bà Nguyễn Thị Tuyết bùi ngùi nhớ lại lúc hay tin cả liên đội hy sinh vào ngày 22-7-1978.
“Sau này, anh Hân, tôi cùng nhiều đồng đội đã quay về điểm các đồng chí hy sinh và thực hiện được điều ước là xây một nhà tưởng niệm để ghi nhớ nơi các đồng chí đã nằm xuống. Nơi đây cũng trở thành điểm để chúng tôi tổ chức lễ giỗ các đồng chí”, bà Tuyết xúc động.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM tiếp nhận 33 hồ sơ xác minh thông tin, hỗ trợ đưa 11 hài cốt liệt sĩ về quê, đính chính thông tin 25 mộ liệt sĩ, phát hiện 7 trường hợp còn sống nhưng có bia mộ tại nghĩa trang, đồng thời ghi nhận 95 mộ liệt sĩ tại các địa phương.
Hội tổ chức khánh thành Bia ghi nhớ chiến công Trung đoàn 174 tại tỉnh Long An (cũ), tri ân liệt sĩ tại Đền Long Khốt và triển khai dựng Bia tưởng niệm 800 liệt sĩ Trung đoàn 16 tại tỉnh Tây Ninh.
Hội cũng phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác tìm kiếm thông tin liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ và mộ liệt sĩ, hỗ trợ đưa hài cốt liệt sĩ về quê. Công tác tri ân liệt sĩ, chăm lo gia đình liệt sĩ và thương binh tiếp tục được hội quan tâm, nhất là vào các dịp lễ, tết.
Trong giai đoạn XXIV (mùa khô 2024-2025), với sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ từ cấp ủy, chính quyền, ban chuyên trách, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh Svay Rieng, Battambang, Pailin cùng Bộ Tư lệnh Quân khu Đặc biệt (Vương quốc Campuchia), Đội K73 đã tổ chức quy tập được 156 bộ hài cốt liệt sĩ là các quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia.