May mới hàng trăm bộ trang phục trong phim điện ảnh 'Ký ức Nam Xuân'
Đó là tiết lộ của đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum về dự án phim điện ảnh khai thác đề tài chiến tranh Cách mạng 'Ký ức Nam Xuân'. Phim do Công ty CP Phim Giải Phóng sản xuất với kinh phí đặt hàng từ ngân sách Nhà nước.

"Ký ức Nam Xuân" là dự án phim điện ảnh về đề tài chiến tranh Cách mạng do Nhà nước đặt hàng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những thước phim lấy cột mốc thời gian bắt đầu tự trận Tổng tiên công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 tại miền Nam và sẽ được lồng ghép với yếu tố nghệ thuật đờn ca tài tử - loại hình văn hóa nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum chia sẻ, cái khó lớn nhất khi bắt tay vào thực hiện dự án phim này là đề tài chiến tranh, đặc biệt là phải xử lý câu chuyện gắn kết giữa những người chiến sĩ quân Giải phóng trong cuộc sống, cuộc chiến, được lồng ghép với đờn ca tài tử Nam bộ thời điểm cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 và sau khi đất nước hòa bình.
Về phục trang, nhà thiết kế tên tuổi Trần Phong Cảnh đã phải may mới hơn 300 bộ trang phục. Trong đó, phục trang thường thấy ở bối cảnh năm 1968 là quần Tây, áo sơ mi, áo dài, bà ba và váy bầu cho các diễn viên chính, thứ chính cùng đội ngũ diễn viên quần chúng. Đặc biệt là quân phục cho bộ đội Giải phóng quân và lính, sĩ quan phía ngụy quân ngụy quyền, tất cả hơn 200 bộ. Riêng ở thời kỳ những năm 1990 thì phải may mới hơn 100 bộ.

Chính vì khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, nên khi quay và dựng, êkip đã phải sử dụng kỹ xảo trong phim rất nhiều. Cùng với đó, khi quay tại địa phương, do không cho thực hiện các cảnh cháy nổ, bắn nhau, mà các bối cảnh thực tại đây lại hiện đại quá, né sao cũng chẳng đặng. Vì vậy, kỹ xảo được thực hiện chiếm hơn một phần ba trong phim.
Cũng theo đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum, phim "Ký ức Nam Xuân" có 2 tuyến chính, một là tuyến chiến tranh và hai là tuyến đờn ca tài tử. Ý tưởng sáng tạo dùng các giai điệu, bài ca của nghệ thuật đờn ca tài từ được dựng ẩn dụ thành các thông điệp tín hiệu liên lạc trong cuộc chiến khốc liệt, khi hoạt động bí mật nội thành, ở dưới hầm, hay cuộc sống của người dân. Tất cả đều được thể hiện qua tiếng đàn của nhân vật và nhạc nền đặc trưng Nam Bộ trong phim. Và bản "Nam Xuân" chuyển tải thông điệp ý nghĩa nhất, đó là sự bình an trong mọi tình huống.

Phim có 3 nhân vật nữ do Thiên Thư, Hồng Điểm, Chi Na thể hiện, cả ba đều được đánh giá là diễn xuất khá tốt. Minh Luân trong vai nam chính chia sẻ, vai diễn lần này khiến anh gặp rất nhiều khó khăn. Do chưa từng trải qua cuộc chiến, giai đoạn lịch sử thời đó, nên anh đã phải nghiên cứu rất nhiều tư liệu, tìm hiểu tác phong, cách sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ, cán bộ địa phương, cố gắng hóa thân vào nhân vật một cách trọn vẹn cả trong thời chiến và sau khi hòa bình lập lại. Cũng theo nam diễn viên, tuy vất vả trong quá trình quay, song hầu như các diễn viên đều có chung cảm xúc là được đọc một kịch bản chiến tranh, tâm lý xã hội khá hay.