Mặt hàng giả âm thầm giết chết tri thức, sáng tạo
Sách giả, sách lậu đang tồn tại nhức nhối trên thị trường, phá hoại nền xuất bản chân chính và triệt tiêu nguồn sống của những người làm sáng tạo.
Về phía các nhà xuất bản, hậu quả của sách giả không chỉ là sụt giảm doanh thu mà còn là tổn hại thương hiệu, mất niềm tin bạn đọc. “Chúng tôi từng ghi nhận trường hợp bạn đọc cầm sách giả đến buổi ký tặng tác giả, nhưng không được ký. Với nhiều người trân trọng bản quyền, đó là một cú sốc”, đại diện Nhà xuất bản Trẻ kể.
Tại một hội nghị về xuất bản diễn ra ngay đúng dịp lực lượng chức năng cả nước đang rốt ráo đẩy mạnh truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng và quảng cáo sai sự thật, có ý kiến: “Đến những mặt hàng nhu yếu phẩm, ảnh hưởng trực tiếp và cấp bách đến sức khỏe như thực phẩm, sữa, thuốc mà còn bị làm giả, thì loại hàng hóa ‘món ăn tinh thần’ như sách làm sao tránh được”.
Mang sách giả đến buổi ký tặng của tác giả
Câu chuyện sách giả, sách lậu không phải mới, nhưng trong bối cảnh công nghệ số và mua sắm online bùng nổ, vấn nạn này đang diễn biến ngày càng tinh vi, khó kiểm soát và để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho toàn ngành xuất bản. Theo đại diện Nhà xuất bản Trẻ, thị trường hiện tồn tại nhiều hình thức sách phát hành không đúng quy định pháp luật.
Trong đó, sách giả, sách lậu là bản sao chép gần như y nguyên sách gốc (bìa, ruột), thường xuất hiện ngay sau khi sách thật bắt đầu bán chạy. Sách giả là những bản in hoàn toàn trái phép, tự in ấn, tự gắn logo của một nhà xuất bản uy tín nào đó để đánh lừa người mua.




Theo đại diện First News, những cuốn sách hot của đơn vị, đơn cử gần đây có Chia sẻ từ trái tim (Sa môn Thích Pháp Hòa) bị làm giả tinh vi, liên tục. Đơn vị làm riêng những bộ nhận diện sách thật - sách giả để cảnh báo độc giả. Ảnh: First News.
“Thực trạng này từng tồn tại chủ yếu ở các sạp sách vỉa hè, nhưng hiện nay sách lậu, sách giả lan rộng trên không gian mạng, len lỏi vào các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, TikTok… Người bán chỉ cần vài cú click để lập trang bán hàng, nếu bị khiếu nại thì xóa đi, tạo mới rất nhanh”, đại diện Nhà xuất bản Trẻ chia sẻ.
Không chỉ xuất hiện dưới dạng sách in, sách giả còn đội lốt ebook hoặc audiobook, thậm chí thu phí như hàng chính thống. Nhiều bạn đọc trả tiền để tải sách hoặc nghe sách trên các website, ứng dụng dùng sản phẩm vi phạm bản quyền mà không biết mình đang tiếp tay cho hành vi phi pháp.
Sách lậu, sách giả lan rộng trên không gian mạng, len lỏi vào các sàn thương mại điện tử, Facebook, TikTok… Người bán chỉ cần vài cú click để lập trang bán hàng, nếu bị khiếu nại thì xóa đi, tạo mới rất nhanh.
Theo luật sư Lê Trung Phát, thành viên Hội Luật gia TP.HCM, Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 (hiệu lực ngày 1/7/2008) quy định: “Hàng hóa là sản phẩm được đưa vào thị trường, tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán, tiếp thị”. Như vậy, sách được xem là hàng hóa. Đồng thời, sách còn được xem là “tác phẩm” theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Theo đó, pháp luật cho phép bảo hộ “quyền tác giả” và “ tác phẩm”.
Vì vậy sách in ấn, phát hành mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan thì được xem là “hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ”, cụ thể là “hàng hóa sao chép lậu” theo quy định tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.
Theo ông Vũ Phương - Giám đốc điều hành First News (Trí Việt), hiện tượng sách giả không còn là cá biệt. “Các đầu sách best-seller (bán chạy) của hầu hết đơn vị đều bị làm giả. Sách giả thường xuất hiện sau 6 tháng, khi đã xem được phản ứng của thị trường với cuốn sách; có những cuốn bị làm giả chỉ sau 1-2 tháng. Người bán thậm chí cài mã QR vào đơn hàng, mời bạn đọc tham gia các nhóm chat riêng - quy tụ hàng nghìn người để tiếp tục giao dịch sách giả ngoài nền tảng chính thức”.
Một số đơn vị xuất bản như Tao Đàn, Phanbook, Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, Nhã Nam,... thời gian qua phải đăng tải thông tin trên mạng xã hội, “kêu cứu” khi nhiều tác phẩm vừa phát hành chính thức thì không lâu sau đã có sách giả rao bán tràn lan trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Thiệt hại cho toàn xã hội
Các đơn vị xuất bản cay đắng chia sẻ rằng một bộ phận độc giả lúc tìm mua sách rẻ cũng ý thức được khả năng mình đang mua sách lậu, nên không mong đợi chất lượng sách tốt và hiếm khi phàn nàn nếu nhận thấy sai sót. Những khách hàng này cho rằng miễn là cùng một nội dung, còn các đặc điểm "thứ yếu" khác thì không quan trọng.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp bạn đọc bỏ tiền nhưng mua phải sách lậu, in ấn kém, thiếu trang, thậm chí độn nội dung khác, giấy mực không rõ nguồn gốc (có thể chứa thành phần độc hại, không kiểm soát)… "Đáng chú ý hiện nay nhiều sách lậu bán bằng giá sách thật hoặc cao hơn, để tạo 'ảo giác' đáng tin cậy, thay vì giảm mạnh như khi trước", đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho hay.
Hậu quả của sách giả, sách lậu không dừng ở thiệt hại doanh thu, uy tín của những đơn vị kinh doanh chân chính hay quyền lợi của độc giả, người tiêu dùng. Nó tấn công trực diện vào nền tảng tri thức của xã hội.
“Đối với tác giả, họa sĩ, và người làm nội dung, mỗi cuốn sách giả bán ra là một khoản tiền bản quyền bị đánh cắp. Nếu sách thật được bảo vệ, sẽ có thêm nhiều cây bút sống được bằng nghề viết”, đại diện Nhà xuất bản Trẻ nói.
Luật sư Lê Trung Phát, thành viên của Hội Luật gia TP.HCM, cảnh báo: “Sách giả làm triệt tiêu sáng tạo, làm người viết nản lòng, xã hội sẽ mất đi nguồn nuôi dưỡng tri thức. Tiếp tay cho sách giả tức là đang giết chết tri thức - thứ đáng lẽ phải được trân trọng và bảo vệ”.
Theo ông, xử lý vi phạm liên quan đến sách là hoạt động rất phức tạp, liên quan đến nhiều quy định của pháp luật như các luật kể trên. Khi vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng sẽ dựa trên giá trị, số lượng và các hành vi cụ thể để xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ hoặc sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc hoạt động về in ấn xuất bản... ; hoặc khởi tố hình sự đối với các tội danh đã có theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi 2017, 2025.