Mất 11,9 tỷ trong tài khoản từ cuộc gọi lừa đảo, khách kiện ngân hàng

Cấp sơ thẩm đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của khách hàng đối với Vietcombank, buộc ngân hàng phải bồi thường 700 triệu đồng. Sau đó, VKSND Từ Sơn kháng nghị bản án.

Ngày 1/7, thông tin với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh cho biết chiều 2/7, TAND tỉnh Bắc Ninh sẽ mở phiên tòa phúc thẩm giải quyết vụ án dân sự về Tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán giữa nguyên đơn là khách hàng và bị đơn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Phiên tòa phúc thẩm được mở theo kháng nghị của VKSND thành phố Từ Sơn.

Trước đó, vào ngày 21/6, phiên tòa phúc thẩm được mở, nhưng nguyên đơn xin hoãn xét xử.

Vụ tranh chấp trên liên quan đến vụ việc bà Trần Thị Chúc (SN 1974, phường Châu Khê, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), khách hàng mở tài khoản của ngân hàng Vietcombank đã bị mất 11,9 tỷ đồng sau cuộc gọi lừa đảo.

 Phiên tòa sơ thẩm đã tuyên ngân hàng Vietcombank phải bồi thường thiệt hại cho bà Trần Thị Chúc số tiền 700 triệu đồng. Ảnh: L.Thanh.

Phiên tòa sơ thẩm đã tuyên ngân hàng Vietcombank phải bồi thường thiệt hại cho bà Trần Thị Chúc số tiền 700 triệu đồng. Ảnh: L.Thanh.

Cụ thể, bà Chúc nhận được thông báo bà tham gia giao thông gây tai nạn tại thành phố Đà Nẵng và liên quan đường dây buôn ma túy, rửa tiền. Các đối tượng yêu cầu bà Chúc mở 2 tài khoản ngân hàng và cài đặt "Phần mềm bảo mật" vào điện thoại, tiếp tục yêu cầu bà chuyển 26,5 tỷ đồng vào 2 tài khoản ngân hàng để "chứng minh nguồn tiền của bà là trong sạch" và không liên quan đến đường dây buôn ma túy, rửa tiền.

Bà Chúc đã nhờ người thân chuyển tiền vào 2 tài khoản ngân hàng, trong đó có tài khoản mở tại Vietcombank, Chi nhánh Kinh Bắc, số tiền hơn 11.9 tỷ đồng. Đó là lý do bà Chúc đến ngân hàng Vietcombank mở tài khoản.

Sau sự việc, bà Chúc đánh giá nhân viên, cán bộ quản lý của Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc “không tư vấn, không hướng dẫn” cho bà thực hiện trợ giúp khẩn cấp, không có hành động kịp thời để bảo vệ cho khách hàng gặp rủi ro cũng như hạn chế, ngăn ngừa kẻ gian tẩu tán số tiền đã rút trong tài khoản của khách hàng, mà chỉ hướng dẫn bà đi trình báo cơ quan công an.

Theo nội dung vụ án, vào chiều 22/4/2022, bà Trần Thị Chúc đến Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc mở tài khoản giao dịch mang tên Trần Thị Chúc.

Sau khi mở xong tài khoản, trong thời gian từ ngày 22/4/2022 đến ngày 25/4/2022, bà Chúc đã nhờ người nhà chuyển 11,9 tỷ đồng vào số tài khoản trên.

Trong thời gian trên, bà Chúc không nhận được bất cứ cuộc gọi điện thoại nào hay tin nhắn nào của ngân hàng Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc về biến động số dư trong tài khoản của bà vào số điện thoại của bà.

Ngày 25/4/2022, khi bà Chúc đến ngân hàng Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc báo tài khoản bà còn 114.718 đồng, bà không biết ai rút hết tiền trong tài khoản, trong khi bà Chúc không hề thực hiện bất cứ giao dịch rút tiền trực tiếp hay gián tiếp nào.

Tại phiên sơ thẩm của TAND thành phố Từ Sơn, bà Trần Thị Chúc yêu cầu ngân hàng Vietcombank trả lại toàn bộ số tiền bà bị mất.

Ngày 20/3, Hội đồng xét xử TAND thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Chúc đối với ngân hàng Vietcombank.

Hội đồng xét xử buộc ngân hàng Vietcombank phải bồi thường thiệt hại cho bà Trần Thị Chúc số tiền 700 triệu đồng, là một phần thiệt hại trong tài khoản mà bà Trần Thị Chúc mở tại ngân hàng này.

Ngày 2/4/2024, VKSND thành phố Từ Sơn đã quyết định kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND thành phố Từ Sơn. Đề nghị TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án của TAND thành phố Từ Sơn.

VKSND thành phố Từ Sơn xác định tại thời điểm mở tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank, bà Nguyễn Thị Chúc đã sở hữu tài khoản của 2 ngân hàng khác, nên bà Chúc biết rõ về cách mở tài khoản và sử dụng tài khoản của các ngân hàng.

Cũng theo kháng nghị của VKSND thành phố Từ Sơn, kể từ khi phát hiện bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản, bà Chúc không có đơn đề nghị tới ngân hàng về việc tra soát thu hồi tiền, cũng không có khiếu nại, yêu cầu ngân hàng bồi thường, mà chỉ yêu cầu hỗ trợ in sao kê tài khoản để cung cấp cho cơ quan công an.

Vietcombank đã thực hiện đúng theo yêu cầu hỗ trợ in sao kê của khách hàng. Mặc dù có sự biến động về số dư tài khoản và các giao dịch trong 4 ngày từ 22/4/2022 đến 25/4/2022, không có ngày nào bà Chúc thực hiện đăng nhập ứng dụng Vietcombank Digibank trên thiết bị di động của bà để kiểm tra, theo dõi biến động số dư tài khoản và các giao dịch do bà Chúc và mọi người cho bà vay chuyển vào tài khoản cũng như bị rút tiền đi.

Viện kiểm sát đánh giá “Trách nhiệm theo dõi số dư tài khoản và giao dịch là của bà Chúc, nhưng bà đã không thực hiện trách nhiệm của mình”.

Kháng nghị của VKSND thành phố Từ Sơn nêu rõ chưa có đủ căn cứ để xác định Vietcombank có lỗi trong việc bà Chúc bị mất 11,9 tỷ đồng để buộc ngân hàng phải bồi thường.

Ngoài ra, bản án không nhận định lỗi cụ thể của Vietcombank hay thiệt hại của bà Chúc và nhận định mức bồi thường mang tính ước lượng 5-6%, nhưng quyết định số tiền 700 triệu đồng là không đúng quy định tại Điều 584, 585 và 589 Bộ luật dân sự.

Trong trường hợp xác định ngân hàng Vietcombank có lỗi thì phải xác định lỗi của ngân hàng là bao nhiêu, lỗi đó đã gây thiệt hại cho bà Chúc là bao nhiêu, để tuyên buộc ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường cho phù hợp.

Vũ Phương/Bảo vệ Pháp luật

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/mat-11-9-ty-trong-tai-khoan-tu-cuoc-goi-lua-dao-khach-kien-ngan-hang-post1480769.html
Zalo