Mạo hiểm du lịch rừng núi, hang động

Không chỉ du lịch đường thủy, các điểm đến trên đất liền như núi rừng, hang động, thác nước hay khu sinh thái ven sông cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong mùa mưa bão. Ngoài yếu tố khó đoán là thời tiết, nguy cơ xảy ra tai nạn còn có thể tăng nặng vì hệ thống cảnh báo lỏng lẻo, thiếu kịch bản ứng phó cụ thể và sự chủ quan của chính du khách lẫn công ty lữ hành.

Mưa rừng có thể hại người nhanh hơn sóng biển

Tháng 7 năm ngoái, cả cộng đồng phượt xôn xao vì câu chuyện của Hải Hoàng - một phượt thủ có nhiều năm kinh nghiệm trekking vùng núi Tây Bắc. Anh kể: “Hôm đó là cuối tháng 7, tôi và ba người bạn lên đường trekking đỉnh Pờ Ma Lung (Phong Thổ, Lai Châu). Trời nắng đẹp, nên dù nghe bản tin dự báo có mưa rào cục bộ nhưng cả nhóm chủ quan. Trên đỉnh núi, điện thoại mất sóng, không thể cập nhật thêm thông tin. Khi bắt đầu nấu ăn, mây đen ùn lên từ phía sau lưng núi, rồi đột ngột đổ xuống một trận mưa như trút. Chỉ sau khoảng 20 phút, con suối hiền hòa ban đầu trở thành dòng lũ bùn đục ngầu, ầm ào cuốn theo cành cây gãy và đất đá. Chúng tôi đành phải bỏ lại phần lớn vật dụng, men theo sườn cao hơn, mất 2 tiếng mới tiếp cận nơi an toàn. Cũng còn may là nhóm có thiết bị GPS và đèn pin, nhưng chỉ cần mưa kéo dài thêm 15 phút nữa, hoặc chúng tôi chậm rời khỏi khe suối, có thể đã bị dòng nước cuốn trôi”.

 Việc trekking những đỉnh núi cao thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong mùa mưa bão.

Việc trekking những đỉnh núi cao thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong mùa mưa bão.

Câu chuyện của anh Hải Hoàng nhận được rất nhiều chia sẻ. Những người có kinh nghiệm gặp mưa trong rừng khẳng định, mưa rừng có thể giết người nhanh hơn sóng biển, bởi nó thường đến đột ngột, cộng với địa hình phức tạp, thiếu tầm nhìn, thiếu đường thoát, dễ trơn trượt, bị cô lập vì không có sóng điện thoại khiến người gặp nạn gần như không thể di chuyển nhanh hoặc gọi cứu hộ.

TS. Nguyễn Minh Ngọc (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) nhấn mạnh: “Trong mùa bão, mưa rừng thường xuất hiện đột ngột, kéo dài và cực đoan, gây sạt lở hoặc nước lũ tràn về rất nhanh. Khách đang trong rừng hoặc suối chỉ có vài phút để thoát thân nếu không có cảnh báo”. Theo TS Ngọc, nguy hiểm lớn nhất đến từ sự thiếu kết nối giữa dữ liệu cảnh báo và người đi du lịch. “Ứng dụng thời tiết có thể báo ‘trời mưa rải rác’, nhưng thực tế chỉ một cơn mưa kéo dài 30 phút ở đầu nguồn cũng đủ gây lũ quét ở vùng dưới”.

 Dòng suối hiền hòa có thể trở thành thác dữ chỉ sau 30 phút mưa rừng liên tục.

Dòng suối hiền hòa có thể trở thành thác dữ chỉ sau 30 phút mưa rừng liên tục.

Ngoài mưa, lũ, việc chọn rừng núi là điểm đến khám phá cũng tiềm ẩn rủi ro, kể cả trong điều kiện thời tiết bình thường. Ngày 19/3, một nam du khách 38 tuổi, trú tại TPHCM, đã tử vong khi tự ý khám phá hang C7 thuộc Công viên địa chất toàn cầu Krông Nô (Đắk Nông). Người này đi một mình, không có hướng dẫn viên và bị rơi xuống vực sâu khoảng 15-20m trong hang. Thi thể nạn nhân được phát hiện sau nhiều giờ tìm kiếm. Sau vụ việc, chính quyền địa phương đã nghiêm cấm các hoạt động thám hiểm tự phát tại khu vực hang động núi lửa, đồng thời lắp đặt thêm biển cảnh báo.

Ông Lê Đình Minh, chuyên gia tư vấn phát triển điểm đến du lịch cho biết, không ít tua đi rừng, đi thác hiện nay tổ chức tự phát, không có người dẫn đường chuyên nghiệp, không kiểm tra khí tượng địa phương, càng không có thiết bị định vị hoặc phương án thoát hiểm. Một nhóm dù chuẩn bị kỹ đến đâu, nếu thời gian di chuyển không an toàn, thiếu cảnh báo tại chỗ, thiếu thiết bị định vị và hỗ trợ y tế thì vẫn dễ đối diện nguy hiểm chết người.

Hướng dẫn viên Trần Hữu Tuấn (chuyên phụ trách tua mạo hiểm, công ty Alleztour) chia sẻ: “Khi rủi ro xảy ra, nhiều nơi mất 2-3 tiếng mới điều được ca nô hoặc xe địa hình tiếp cận. Với lũ rừng, 15 phút có thể quyết định sống chết”. Ông cho rằng, Việt Nam cần áp dụng công nghệ dự báo thời tiết địa phương hóa, lắp đặt trạm đo tại chỗ ở các điểm du lịch có nguy cơ cao, đồng thời bắt buộc các cơ sở du lịch phải có kịch bản sơ tán khách trong mùa mưa bão, không thể “tùy cơ ứng biến” như hiện nay.

Lỗ hổng trong hệ thống cảnh báo và phản ứng

Nhiều khu du lịch sinh thái hiện nay vẫn phụ thuộc vào cảm quan thời tiết và kinh nghiệm của người dân địa phương. Một số nơi không có bất kỳ bảng cảnh báo hay bản đồ nguy cơ lũ, sạt lở nào dành cho du khách. Khi sự cố xảy ra, việc cứu hộ thường chậm vì thiếu phương tiện, thiếu sóng điện thoại và khó tiếp cận.

Mới đây nhất, ngày 11/7/2025, sau nhiều ngày mưa lớn, một vệt sạt lở dài khoảng 650m đã xảy ra tại Ô Quý Hồ (Lai Châu), làm hư hại bungalow và đường nội bộ, may mắn không có khách tại thời điểm đó. Trước đó, khu du lịch này không có bảng cảnh báo mưa lũ hay lộ trình sơ tán rõ ràng dành cho khách. Chỉ khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương mới yêu cầu đơn vị quản lý phải gắn biển cảnh báo, đánh dấu khu vực nguy hiểm, kiểm tra và gia cố hạ tầng.

Theo khảo sát sơ bộ, nhiều điểm du lịch tự phát như chợ nổi, hang động, lối mòn trekking ở vùng Tây Bắc, Đông Nam bộ hay Nam Trung bộ không có bảng cảnh báo rủi ro mưa lũ, lở đất. Khi mưa bất ngờ kéo đến, người dân tại chỗ thường dựa vào kinh nghiệm địa phương để đánh giá, nhưng điều này dễ dẫn đến việc đánh giá sai mức độ nguy hiểm. Trong trường hợp xảy ra lũ quét hoặc sạt lở, việc cứu hộ thường bị muộn do không có trạm quan sát, sóng điện thoại yếu, phương tiện tiếp cận khó khăn và thiếu kế hoạch sơ tán khách du lịch.

Một cán bộ ngành du lịch tại Tuyên Quang cho biết: “Một số điểm nổi tiếng như thác, đèo, hang động vẫn chưa được đầu tư bài bản. Khách có thể tự lái xe máy vào, dựng trại, tắm suối mà không có ai kiểm soát. Nếu có mưa lớn bất ngờ, rủi ro rất cao. Hiện chưa có quy định bắt buộc dừng tua vào ngày mưa nhẹ, dù vẫn tiềm ẩn sạt lở”.

Trên thực tế, chính quyền nhiều địa phương vẫn loay hoay giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an toàn. Các điểm du lịch tự phát mang lại nguồn thu nhanh, nhưng lại không đi kèm với quản lý rủi ro bài bản. Thậm chí, nhiều nơi còn ngại siết chặt quy định vì sợ “mất khách”.

Có nhiều năm làm trong lĩnh vực phát triển vùng du lịch, chuyên gia Lê Đình Minh cho rằng: “Chúng ta phát triển du lịch theo kiểu tự phát quá lâu. Khi thiên nhiên biến đổi khó lường, những nơi tưởng chừng vô hại bỗng trở thành điểm nghẽn an toàn chết người. Thực tế cho thấy, các khu sinh thái vùng núi, vùng sông suối hiện vẫn chưa được đưa vào hệ thống giám sát thiên tai chuyên nghiệp. Không có trạm đo mưa, không có cảm biến dòng chảy, không có kết nối dữ liệu thời tiết theo thời gian thực. Du khách, kể cả người điều hành tua, đều không biết trước rủi ro và không có hướng dẫn xử lý cụ thể khi sự cố xảy ra. Nhiều khu vực hoàn toàn không có sóng điện thoại, nếu mưa kéo dài hoặc đất đá sạt lở chặn đường, người trong vùng bị cô lập hoàn toàn”.

Một vấn đề khác, theo ông Minh là việc thiếu vắng bản đồ rủi ro thiên tai công khai. Du khách chỉ biết lộ trình đẹp hay khó đi, nhưng không ai nói cho họ biết đoạn nào dễ sạt lở, đoạn nào dễ ngập, hoặc điểm nào có lối thoát khi có lũ. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia phát triển, các khu trekking đều có bảng nguy cơ lũ, bảng cảnh báo sạt trượt đất, trạm thông tin dự phòng và biển chỉ dẫn hướng sơ tán được đặt dọc tuyến đường.

Điều du khách cần làm để không phải “chạy lũ giữa rừng” Mùa mưa bão không phải là cấm kỵ để đi du lịch, nhưng để đảm bảo an toàn cho chuyến đi, các chuyên gia khuyến cáo: Luôn kiểm tra dự báo thời tiết cấp huyện/xã; Tránh chọn tua vào rừng, suối, hang nếu thời tiết không thật sự ổn định; Hỏi rõ phương án dự phòng và bảo hiểm du lịch, nhất là với tua trekking, zipline, tắm suối…; Tuyệt đối không dựng trại hoặc dừng nghỉ tại lòng suối, bãi đá, khu vực trũng dù thời tiết đang đẹp; Trang bị đồ dùng cơ bản như đèn pin, áo mưa, pin sạc, còi cứu hộ, luôn đi theo nhóm có người dẫn đường rõ ràng.

Hạ Đan

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mao-hiem-du-lich-rung-nui-hang-dong-post1762679.tpo
Zalo