Mạnh lên từ học và làm theo lời Bác

'Nhiều năm liên tục, chi bộ Nà Thuôn, xã Thượng Lâm là điển hình trong học tập và làm theo lời Bác. Từ Bí thư chi bộ đến các đảng viên đều coi học tập và làm theo lời Bác là nhiệm vụ thường xuyên, xuất phát từ trái tim và trách nhiệm của người đảng viên. Năng lực lãnh đạo của chi bộ được nhân lên từ hiệu quả học tập và làm theo Bác ở Nà Thuôn' - Phó Bí thư đảng ủy xã Thượng Lâm Ma Công Khâm chia sẻ.

Một tuyến đường hoa do đảng viên và Nhân dân thôn Nà Thuôn thực hiện.

Một tuyến đường hoa do đảng viên và Nhân dân thôn Nà Thuôn thực hiện.

Nói ít làm nhiều

Bí thư chi bộ, trưởng thôn Nà Thuôn Quan Thị Vân là nữ bí thư chi bộ duy nhất ở Nà Thuôn 5 năm nay. Chị khiêm tốn và kiệm lời khi nói về những việc mình đã làm kể từ khi được bầu làm bí thư chi bộ. Chị Vân cho rằng, là đảng viên thì nói phải đi đôi với làm, nói ít làm nhiều thì người dân mới tin tưởng. Với đặc thù 100% dân tộc Tày sinh sống nên người dân chỉ tin khi cán bộ, đảng viên làm cũng hay như nói. Nhiều năm làm Bí thư chi bộ, chị Vân đã ra sức học Bác, tiên phong trong các phong trào thi đua của thôn. Từ sự nêu gương của chị trong học tập và làm theo Bác đã lan tỏa tới các đảng viên trong chi bộ và tới mỗi hộ dân.

Năm 2019, UBND xã chủ trương vận động các hộ dân trồng giống lúa đặc sản Khẩu Mang, Bí thư chi bộ Quan Thị Vân là người đầu tiên ở Nà Thuôn hưởng ứng. Chị phối hợp với cán bộ khuyến nông của xã để áp dụng thành công kỹ thuật chăm sóc trên diện tích gần 4 sào ruộng trồng lúa thuần trước đây. Chị còn liên hệ với một số nơi đã từng trồng lúa đặc sản Khẩu Mang như xã Lũng Cú để học hỏi. Vụ đầu tiên rồi vụ thứ 2, thứ 3, giá bán gạo thành phẩm cao, sản xuất đến đâu bán hết tới đó, chị Vân quyết tâm vận động các đảng viên trong chi bộ và Nhân dân làm theo. Ban đầu một số hộ còn nghi ngờ, so sánh thiệt hơn giữa thâm canh các giống lúa nhưng với phương châm “vừa làm, vừa vận động bằng hiệu quả có thật”, đến nay, toàn thôn Nà Thuôn có 5 hecta lúa đặc sản Khẩu Mang với 25 hộ tham gia. Xã Thượng Lâm đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận gạo Khẩu Mang là sản phẩm OCOP của xã.

Gia đình chị Vân cũng là hộ đi đầu thực hiện mô hình nuôi cá chép trên 4 sào ruộng của gia đình. Ngay sau khi lúa được cấy, gia đình chị Vân thả hàng trăm con cá chép giống xuống ruộng. Cá chép thả xuống được 3 - 4 tháng, thời điểm lúa chín rộ cũng là lúc gia đình chị rút nước ruộng để thu hoạch lúa và bắt cá. Khi thu hoạch, cá có trọng lượng khoảng 0,5 - 0,6 kg/con. Ước tính mỗi năm, gia đình chị thu từ 15 - 20 triệu đồng từ nuôi cá chép ruộng. Từ chỗ tạo nguồn thực phẩm cho gia đình ở vùng cao, chị Vân mong muốn mô hình nuôi cá chép ruộng phát triển thành hàng hóa, mang lại hiệu quả kép, giúp người dân tăng thu nhập. Đến nay, Bí thư chi bộ Quan Thị Vân đã vận động được 4 hội viên phụ nữ áp dụng theo mô hình của gia đình chị.

Trong các cuộc họp chi bộ, Bí thư chi bộ Quan Thị Vân luôn chú trọng lắng nghe để nắm bắt tình hình phát triển kinh tế của Nhân dân. Từ đó ban hành các kết luận, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong chi ủy và đảng viên. Nà Thuôn là điểm sáng trong phát triển kinh tế hộ từ mô hình nuôi lợn đen, nuôi dê lấy thịt.

Nà Thuôn hiện nay là thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã với 4/86 hộ, phấn đấu hết năm nay, Nà Thuôn không còn hộ nghèo là mục tiêu mà Chi bộ đang quyết tâm đạt được.

Bí thư chi bộ, trưởng thôn Quan Thị Vân (bên trái ảnh) hướng dẫn người dân chăm sóc lúa đặc sản Khẩu Mang.

Bí thư chi bộ, trưởng thôn Quan Thị Vân (bên trái ảnh) hướng dẫn người dân chăm sóc lúa đặc sản Khẩu Mang.

Đảng viên gương mẫu xây dựng nếp sống mới

Vận động xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang của đồng bào dân tộc Tày ở Nà Thuôn những năm trước đây không hề dễ dàng. Nhưng với tinh thần kiên trì, việc mới đảng viên làm trước, đến nay, Nà Thuôn đã xây dựng nếp sống mới, văn minh trong việc cưới, việc tang.

Trước đây, nhiều hộ trong thôn còn tổ chức đám tang rình rang, tốn kém, còn tồn tại không ít hủ tục bởi người Tày nơi đây quan niệm “một đám tang bằng ba đám cưới”. Có đám tang tổ chức 3 đêm, 2 ngày, giết thịt nhiều đầu trâu, đầu lợn, gà, dê để làm lễ tế, thậm chí có hộ kinh tế không mấy khá giả nhưng cũng cố làm bằng được “phưởn” (cây hoa hoặc cây nêu) cho người mất lên tới vài triệu đồng. Trong quan niệm của một số hộ gia đình cho rằng, càng làm lễ tế to thì càng chứng tỏ được lòng thành của con cháu, dòng họ với người đã mất. Nhận thấy tầm quan trọng của việc xóa bỏ các hủ tục, nghi thức rườm rà trong việc cưới, việc tang của thôn, Chi bộ Nà Thuôn đã vận động, tổ chức cho thầy cúng ký cam kết chấp hành các quy định về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang rồi đưa vào hương ước của thôn. Gia đình các đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Đảng viên Quan Văn Quý chia sẻ, khi gia đình anh tổ chức đám tang cho người thân qua đời, anh kiên quyết không nhận phưởn, không tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài; thông báo rộng rãi không nhận bức trướng viếng, vòng hoa. Ban đầu cũng nhận phải sự phản đối của một số thành viên trong gia đình, dòng họ nhưng với trách nhiệm gương mẫu của đảng viên, anh Quý kiên quyết thực hiện và tuyên truyền để người thân ủng hộ cách làm của anh.

Bí thư chi bộ, trưởng thôn Quan Thị Vân cho biết thêm, khi gia đình nào có việc cưới, việc tang, thôn đều phân công một tổ giúp đỡ ngay từ đầu, vừa hỗ trợ vừa hướng dẫn gia đình chấp hành quy định về nếp sống văn minh. Thông qua nắm bắt tình hình, tổ giúp đỡ cũng tuyên truyền kịp thời để các gia đình không tổ chức linh đình, tốn kém, rườm rà. Đến nay, việc cưới, việc tang trong thôn đã được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, văn minh.

"Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt" - lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang được Chi bộ Nà Thuôn ra sức thực hiện, coi đây là kim chỉ nam hành động, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, xứng đáng là hạt nhân quy tụ đảng viên và Nhân dân.

Bài, ảnh: Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/thoi-su-chinh-tri/doan-the/202507/manh-len-tu-hoc-va-lam-theo-loi-bac-3b95968/
Zalo